Phát hiện địa đạo bị lãng quên 50 năm

Những ngày gần đây, người dân làng Bình Túy (xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) phát hiện ở làng mình một địa đạo thời chống Pháp và Mỹ đã bị lãng quên từ 50 năm qua. 

Địa đạo này gắn với nhiều câu chuyện lịch sử bi hùng của một thời, trong đó gắn với Anh hùng LLVTND Trương Thị Xáng (1947), người đã cứu hơn 300 cán bộ, bộ đội, du kích…

Địa đạo dưới luỹ tre

Ông Nguyễn Công Phúc, dân làng Bình Túy kể: “Người dân ở đây biết sự tồn tại của địa đạo này từ rất lâu rồi nhưng chưa có điều kiện tìm kiếm. Ngày 16.4, trong lúc đào gốc tre người dân phát hiện ống thông hơi của địa đạo. Gần 10 người xông xáo đào bới và bước đầu tìm ra một phần địa đạo”.

Phát hiện địa đạo bị lãng quên 50 năm - 1
Cửa địa đạo mới được người dân phát hiện ngày 16.4.  Dũ Tuấn

Theo ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang, hệ thống địa đạo này được được người dân, cán bộ đào từ thời kháng chiến chống Pháp, mở rộng vào thời kháng chiến chống Mỹ cho cán bộ, du kích và người dân xuống lánh nạn mỗi khi quân địch càn quét. Địa đạo dài khoảng 6km với nhiều hướng lan tỏa đi khắp khu vực làng Bình Túy. Ngày 22.2.1965, quân địch phát hiện miệng địa đạo gần khu vườn của bà Trương Thị Xáng và dồn bắt người dân địa phương đến khai quật địa đạo. Bà Xáng đã dũng cảm tìm cách xuống địa đạo hướng dẫn 300 người đang ở trong địa đạo thoát khỏi vòng vây của địch. Bà Xáng sau đó đã bị địch bắn, hy sinh tại chỗ. Địa đạo cũng bị địch dùng bom mìn đánh sập. Hành động dũng cảm của bà Xáng đã được Nhà nước ghi nhận, truy tặng bà danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 2012.

Chờ ý kiến cấp trên

Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, địa đạo làng Bình Túy nằm cách mặt đất hơn 1 mét, được xây dựng trên nền đất sỏi, lòng địa đạo khá rộng. Người dân đã tiến hành đào tìm ngách của địa đạo tại khu vườn nhà bà Võ Thị Hẳn (84 tuổi) và bà Nguyễn Thị Liệp (72 tuổi).

Ông Nguyễn Xuân Tuế (1947, xã Bình Giang) là một trong 300 người được bà Trương Thị Xáng cứu sống, kể: “Tháng 2.1965, khi quân địch càn quét qua làng Bình Túy, hàng trăm cán bộ, bộ đội, du kích và người dân chui xuống địa đạo để ẩn nấp. Trong địa đạo có những lối đi ngoằn ngoèo, tối om nhưng luôn có nước uống đầy đủ trong địa đạo”.

Theo ông Tuế, người dân bố trí các lỗ thông hơi của địa đạo ở những nơi khó phát hiện như bụi cây, gốc tre. Nghi ngờ tại làng Bình Túy có địa đạo nên quân địch cho đốt rơm, rạ rồi phát hiện lỗ thông hơi. Lúc đó, dưới địa đạo, cán bộ dùng cuốc để lấp đến đó với mục đích không cho chúng tìm thấy hướng đi của địa đạo.

“Địa đạo nằm gần nhà chị Trương Thị Xáng. Khi địa đạo bị phát hiện, chị Xáng (khi ấy vừa tròn 19 tuổi) đã dũng cảm móc nối với lính gác, mình chị mang đèn xuống địa đạo, lần lượt hướng dẫn cho 300 người biết đường trốn ra khỏi địa đạo. Sau khi giải thoát, chị Xáng quay trở lại, nhưng lúc này ca canh gác của địch đổi người, người chị móc nối không còn ở đó nữa nên chị bị bắn chết. Sáng hôm sau, nghe tin chị mất, cả 300 người chúng tôi lặng người, đau đớn” - ông Tuế rưng rức kể.

Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: “UBND xã Bình Giang yêu cầu người dân ngưng việc đào địa đạo để tránh bom mìn có thể còn sót lại. Xã đã báo cáo xin ý kiến lên UBND huyện Thăng Bình, Sở VHTT&DL”.

Đến sáng 19.4, người dân làng Bình Túy đã dừng hẳn việc đào địa đạo để tránh sự nguy hiểm và chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dũ Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN