"Phải giảm biên chế, không thể hoãn tăng lương"

Sự kiện: Họp Quốc hội

Nhiều Đại biểu Quốc Hội cho rằng, không thể trì hoãn thêm việc tăng lương hết năm nay qua năm khác. Nếu không làm cho người lao động có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động thì không thể thành công.

Thảo luận tại chiều 21/10, các ĐBQH cho rằng, không thể trì hoãn thêm việc tăng lương hết năm nay qua năm khác. Mức lương tối thiểu của cán bộ công chức không phải 3 triệu đồng/tháng mà phải là 10 triệu đồng/tháng mới đảm bảo cuộc sống.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội với đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

"Phải giảm biên chế, không thể hoãn tăng lương" - 1

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Thưa đại biểu, theo báo cáo của Chính phủ, do dự trữ ngân sách nước ta hiện rất thấp, không có nguồn để chi cho việc điều chỉnh tăng lương năm 2015. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiền lương là một trong những nhân tố làm tăng năng suất lao động.Trong lúc năng suất lao động của nước ta đang ở mức thấp, đầu tư cho tiền lương cũng chính là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển.

Nhìn lại giai đoạn 10 năm qua, Việt Nam đã 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu nhưng bản chất lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động như mục tiêu đề ra.

Ở khu vực doanh nghiệp, mức lương tối thiểu vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. 

Lộ trình cải cách tiền lương đã có. Tôi cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần phải nghiên cứu, tính toán để tìm ra cơ chế hoặc cách nào đó, tạo nguồn dành nâng lương cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, làm sao tiền lương đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng cải thiện đời sống người lao động. Hơn nữa, giải quyết được vấn đề này còn góp phần giải quyết được nhiều vấn đề xã hội khác. Tăng lương sẽ hạn chế tham nhũng tiêu cực của một bộ phận cán bộ, viên chức hành chính.

Thưa đại biểu, theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do ngân sách nhà nước hiện rất khó khăn, không bố trí được ngân sách cải cách tiền lương. Với tư cách là một đại biểu Quốc hội ông nghĩ sao về lý do mà lãnh đạo Bộ Tài Chính đưa ra?

Nói lý do không thể cân đối thu chi, ngân sách khó khăn nên không tăng lương, theo tôi chưa thuyết phục.

Đúng là hiện nay ngân sách của ta rất là thấp, đồng thời rất nhiều công trình cần phải đầu tư xây dựng cơ bản để đảm bảo quốc kế dân sinh, rồi vấn đề xóa đói giảm nghèo để phát triển bền vững..., chiếc bánh ngân sách có hạn nhưng khoản phải chi ra thì rất nhiều.

Dù vậy, chi cho việc điều chỉnh lương cũng cần phải được xem là khoản chi ưu tiên. Tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho con người, không làm cho con người có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động thì không thể thành công được.

Theo đại biểu, giải pháp nào giúp tăng lương cho người lao động?

Về giải pháp, theo tôi, nếu ngân sách quá khó khăn, không thể tăng lương dàn trải được có thể tính toán tăng lương cho một số nhóm lao động khó khăn.

Điều quan trọng hơn, muốn có nguồn để chi tăng lương phải cải cách bộ máy hành chính, giảm nhẹ biên chế, phân định rõ khu vực công chức nhà nước, khu vực hành chính sự nghiệp... trong đó, tập trung cải cách tiền lương cho nhóm hành chính công, còn các đơn vị sự nghiệp hành chính phải theo tinh thần tự chủ, tự cải cách lương.

Xin cảm ơn đại biểu!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu (ghi) ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN