Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma

Hàng ngàn người đã về chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM tham gia Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ và 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Tối 22.7, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Tổ đình Vĩnh Nghiêm tổ chức chương trình Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ và 64 liệt sĩ Gạc Ma có tên “Hạt giống Tâm hồn - Gạc Ma – Việt Nam – Vòng tròn tất tử” tại chánh điện Chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP.HCM.

Đến dâng hương tại lễ cầu siêu có Đại tướng Trần Đại Quang – Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Ngoài ra, còn có Anh hùng lực lượng vũ trang Thiếu tướng Lê Mã Lương, Bộ Tư lệnh Hải quân, Cảnh sát biển. Đặc biệt, có chị Trần Thị Thủy là con gái và góa phụ Mai Thị Hoa là vợ của Liệt sĩ Trần Văn Phương (người giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma) cùng đại diện các gia đình liệt sĩ và 7 chiến sĩ Gạc Ma từng bị Trung Quốc bắt giữ cùng chư tăng, phật tử và hàng ngàn người dân đến tham dự.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu: “Tấm gương hy sinh của 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma cách đây 27 năm đã tạo thành vòng tròn bất tử và để lại một tượng đài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước bảo vệ lãnh thổ trong lòng nhân dân”.

Trong đại lễ, bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” của họa sĩ Bùi Lệ Trang đã được ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Công ty cổ phần Hòa Bình mua lại với giá hơn 1,2 tỷ đồng. “Công ty Hòa Bình sẽ tặng lại bức trang cho Bảo tàng Quân sự Việt Nam trưng bày, để lưu lại cho con cháu ta không quên đi sự kiện đau thương này và nhắc nhở chúng ta phải luôn cảnh giác trước những âm mưu xâm lược của kẻ thù”- ông Hải cho biết.

Theo ban tổ chức, tất cả số tiền bán đấu giá được đưa vào quỹ, ủng hộ 64 gia đình liệt sĩ hải quân hy sinh ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và một phần sẽ dành tặng đơn vị Cảnh sát biển

Trước đó, hai cụ Nguyễn Công Nghệ và Nguyễn Thị Phương gần 90 tuổi đề xuất mức 730 triệu đồng, là toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm mà hai cụ đã dành dụm để mua bức tranh; đặc biệt là bức tâm thư 3 trang viết tay của cụ Nghệ được lăn tay bằng máu. Lá thư viết tay này đã được anh Dương Anh Sơn - TGĐ Công ty Mỹ Sơn ở Hà Nội mua với giá 300 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trao tặng cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Đến gần 20h cùng ngày, Đại lễ cầu siêu kết thúc.

Đại lễ cầu siêu diễn ra nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 để tưởng nhớ và cầu siêu vong linh các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; đồng bào tử nạn trong các thời kỳ chiến tranh, cầu nguyện cho 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14.3.1988. Đây cũng là dịp để mọi người hồi tưởng và tri ân sâu sắc đến những chiến sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 1

Hàng ngàn người về chùa Vĩnh Nghiêm tham dự Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ và 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 2

Rất đông tăng ni, phật tử cùng người dân tham dự Đại lễ.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 3

Ngoài ra, còn có 7 chiến sĩ Gạc Ma từng bị Trung Quốc bắt giữ cùng người thân, gia đình 64 liệt sĩ Gạc Ma hy sinh vào ngày 14.3.1988.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 4

Khi được xem lại những hình ảnh vào buổi sáng 14.3.1988 khi hải quân Trung Quốc tấn công chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam, người chiến sĩ hải quân này không khỏi bùi ngùi khi 64 đồng đội của ông đã hy sinh.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 5

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 6

Nhiều người không kìm được nước mắt trước sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Gạc Ma.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 7

“Chúng tôi may mắn còn sống trong khi đồng đội mãi nằm dưới biển. Nếu đất nước cần, lãnh hải, chủ quyền, biên giới của đất nước bị xâm hại, những người lính chúng tôi sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc”, người lính Hải quân Việt Nam Lê Hữu Thảo tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14.3.1988 nói.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 8

Trong Đại lễ, bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” của họa sĩ Bùi Lệ Trang đã được ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Công ty cổ phần Hòa Bình mua lại với giá hơn 1,2 tỷ đồng. Tất cả số tiền bán đấu giá được đưa vào quỹ ủng hộ 64 gia đình liệt sĩ hải quân hy sinh ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và một phần sẽ dành tặng đơn vị cảnh sát biển.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 9

Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: Đại lễ với thông điệp các thế hệ Việt Nam không bao giờ quên các chiến sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc hôm nay, đặc biệt là 64 liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, nhắc nhở các thế hệ trẻ phải luôn biết rằng Trường Sa – Hoàng Sa là một phần đất nước của chúng ta…

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 10

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 11

Lễ cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ và 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Nước mắt rơi trong lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma - 12

Đến gần 20h cùng ngày, Đại lễ cầu siêu kết thúc.

Video: Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ Gạc Ma (Nguồn: ANTV)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Chiến tranh Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN