“Nóng” Biển Đông, Đông Nam Á đẩy mạnh phát triển hải quân

“Khi hải quân các nước ĐNA đua nhau sắm vũ khí, các cuộc xung đột trong tương lai nếu xảy ra sẽ trở nên nhanh hơn, khốc liệt và thảm khốc hơn, gây hậu quả kinh hoàng hơn”.

Mới đây, Tuần san Quốc phòng IHS Janes đưa tin các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) đang tập trung tài lực để phát triển hải quân và cảnh sát biển trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng nóng, làm gia tăng nguy cơ khó kiểm soát xung đột một khi nó nổ ra trên vùng biển này.

Theo IHS Janes, ngân sách quốc phòng thường niên của khu vực ĐNA sẽ tăng từ mức 42 tỉ USD trong năm nay lên tới 52 tỉ USD vào năm 2020. Trong vòng 5 năm tới, 10 nước ĐNA sẽ chi khoảng 58 tỉ USD để mua sắm vũ khí, trang bị, trong đó chủ yếu là dành cho hải quân.

IHS Janes cho rằng phần lớn những vũ khí này sẽ được sử dụng trong và xung quanh Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo trái phép và làm gia tăng căng thẳng đáng kể với Mỹ.

“Nóng” Biển Đông, Đông Nam Á đẩy mạnh phát triển hải quân - 1
Đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông

Ông Tim Huxley, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở châu Á nhận định: “Khi năng lực hải quân của các nước được tăng cường, tầm xa và sức hủy diệt của các lực lượng tấn công cũng sẽ tăng lên đáng kể. Nếu một tình huống nổ ra và leo thang, nó sẽ rất khó kiểm soát và có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột dữ dội”.

Sự quan tâm của các nước ĐNA đối với các loại vũ khí hải quân mới được thể hiện rõ trong triển lãm quốc phòng trên biển IMDEX Asia vừa được tổ chức ở Singapore hồi tuần trước, nơi quan chức quốc phòng các nước luôn bám sát những nhà thầu sản xuất vũ khí từ Mỹ, châu Âu, Israel...

Một giám đốc nhà thầu sản xuất vũ khí lớn ở châu Âu tiết lộ: “Trong triển lãm này, tôi không hề có thời gian rảnh. Nhiều quan chức quốc phòng cấp cao liên tục đến thăm gian trưng bày của chúng tôi, và bày tỏ sự quan tâm rất lớn đối với những vũ khí mà chúng tôi mang tới”.

Tuy nhiên, IHS Janes cho rằng dù khao khát mua sắm vũ khí hải quân như vậy, các nước ĐNA hiện nay lại khá eo hẹp về ngân sách quốc phòng. Một nguồn tin quân sự giấu tên trong khu vực cho biết: “Các quan chức quốc phòng được yêu cầu sửa chữa và tiếp tục sử dụng những vũ khí đáng lẽ phải được thay thế từ cách đây hàng thập kỷ”.

Bởi vậy, trọng tâm phát triển hải quân của các nước ĐNA hiện nay, theo IHS Janes, là tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng này tại các khu vực ven biển.

“Nóng” Biển Đông, Đông Nam Á đẩy mạnh phát triển hải quân - 2
Quan chức các nước tham quan mô hình tàu chiến tại triển lãm IMDEX Asia 2015

Ông Richard Bitzinger, chuyên gia an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế  S.Rajaratnam ở Singapore nói: “Sau khi Singapore hợp tác với Pháp đóng 6 tàu hộ vệ đa năng lớp Formidable, các quốc gia khác liền học tập. Chẳng hạn như Malaysia đặt hàng 6 tàu hộ tống của Pháp trị giá 2,5 tỉ USD, trong khi Indonesia, Thái Lan... đều đang đàm phán với các nhà cung cấp từ Nga và châu Âu”.

Một vũ khí khác cũng rất được quan tâm bởi tính hiệu quả của nó ở Biển Đông là tàu ngầm. Trong khi Việt Nam đã sở hữu 3 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và 3 chiếc nữa đang được đóng, Singapore cũng đã đặt hàng 2 tàu ngầm do hãng ThyssenKrupp Marine Systems của Đức đóng. Indonesia đang đặt hàng 3 tàu ngầm do hãng Daewoo của Hàn Quốc chế tạo.

Ông Rukmani Gupta, chuyên gia phân tích cấp cao về lực lượng vũ trang tại IHS Janes nhận định: “Việc phát triển lực lượng tàu ngầm này chứng tỏ hải quân các nước đang rất quan tâm đến khả năng ‘thọc sâu’ trên biển”.

“Nóng” Biển Đông, Đông Nam Á đẩy mạnh phát triển hải quân - 3
Các nước ĐNA đang rất quan tâm đến việc xây dựng lực lượng tàu ngầm

Ngoài ra, các loại tàu đổ bộ cỡ lớn có thể chở được xe tăng, trực thăng, quân lính và có thể thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cũng nằm trong danh sách quan tâm của hải quân các nước ĐNA.

Hãng ST Engineering đang đóng 4 tàu đổ bộ lớp Endurance cho hải quân nước này và 1 tàu cho Thái Lan, trong khi cả Indonesia và Philippines đều muốn có những chiếc tàu tương tự trong hạm đội của mình.

Ông Huxley nói: “Những tàu chiến đa năng này có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Chúng rất lý tưởng đối với hải quân các nước ĐNA, những nước có nguồn ngân sách eo hẹp nhưng có các nhu cầu rất phong phú”.

Còn ông Bitzinger thì kết luận: “Khi hải quân các nước ĐNA đua nhau sắm vũ khí, bất cứ cuộc xung đột nào ở khu vực trong tương lai sẽ trở nên nhanh hơn, khốc liệt và thảm khốc hơn, gây hậu quả kinh hoàng hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN