"Nói không", phong bì vẫn loạn ở bệnh viện

Ngành y tế đã không ít lần tuyên chiến với “văn hóa phong bì” trong bệnh viện nhưng đến nay, đây vẫn là chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”.

Cam kết “nói không với phong bì” do Công đoàn ngành y tế phát động từ tháng 10/2011 được nhiều người kỳ vọng có thể triệt căn bệnh trầm kha lâu nay tại các bệnh viện (BV). Tuy nhiên, một khảo sát về phong bì BV được Tổ chức Hướng tới Minh bạch - Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) công bố mới đây lại một lần nữa khiến dư luận ngỡ ngàng.

Từ tế nhị đến sỗ sàng

Dù nghiên cứu chỉ gói gọn trong các cuộc phỏng vấn sâu với gần 180 người gồm bác sĩ (BS), y tá, bệnh nhân (BN), người nhà tại một số BV ở Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ nhưng cũng chỉ ra rằng “văn hóa phong bì” xuất hiện phổ biến tại các cơ sở y tế từ năm 2000 và tăng mạnh những năm gầy đây.

Theo bà Trần Thu Hà, Phó Giám đốc RTCCD, tên gọi của tiền trong phong bì cũng rất “linh hoạt”, từ tế nhị như “tiền quan tâm”, “cảm ơn”, “cà phê cà pháo”, “chút quà cho cháu” đến sỗ sàng như “tiền bồi dưỡng”, “quan hệ”… Trong các lần phỏng vấn, không ít người chia sẻ rằng phong bì thời nay không chỉ là những “lá thư” mà đã “sành điệu” hơn nhiều. Đó là những món quà giá trị cả về vật chất và tinh thần, như: xin học cho con BS ở những trường chất lượng cao, môi giới mua nhà đất cho BS, làm sổ đỏ…

“Hầu hết người được phỏng vấn đều cho biết BN và người nhà thường đưa tiền trong các tình huống liên quan đến tính mạng BN, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Trường hợp bị các bệnh phức tạp thì phong bì càng dày, có khi vài chục triệu đồng” - bà Hà cho biết.

"Nói không", phong bì vẫn loạn ở bệnh viện - 1

Bệnh viện quá tải là một trong những lý do khiến bệnh nhân phải “biết điều” với nhân viên y tế

So với những gì mà RTCCD công bố vào năm 2010 thì nghiên cứu nêu trên - được tiến hành từ tháng 8/2011 đến tháng 2/1012 (đúng vào thời điểm phát động phong trào “nói không với phong bì”) - không có sự khác biệt về các đánh giá hiệu quả của phong bì. Theo đó, phong bì không làm cho chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên mà ngược lại, đã làm giảm sút niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế và các BV.

Lợi thế duy nhất là người đưa phong bì cảm nhận họ được khám - chữa bệnh nhanh hơn, nhân viên y tế niềm nở hơn, bớt nhận được những câu nói gắt gỏng của BS, BN được tư vấn kỹ hơn, thêm thông tin khi cân nhắc biện pháp điều trị, người nhà vào thăm thuận tiện hơn…

“Cám ơn” bác sĩ, đừng mơ tốt hơn!

Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi đối với nhiều BN và người nhà thì phong bì đóng vai trò rất quan trọng trong suốt liệu trình điều trị. Bà Phạm Kiều A. (40 tuổi, quê Bắc Ninh) có người phải phẫu thuật ở BV Việt Đức nhưng vì quen biết với BS nên không có ý định để “đồng tiền đi trước…” mà xong xuôi đâu đấy mới “cám ơn”. “Thế nhưng, trong lúc làm các thủ tục vào điều trị, người thân của tôi cảm nhận BS “không vui” nên nằng nặc bắt con cháu phải đến “cám ơn” trước, khi ra viện tính sau. Lúc “cám ơn” BS xong, mọi việc trở nên rất dễ dàng” - bà A. cho biết.

Hầu hết BN và người nhà đều cho rằng phải có phong bì “cám ơn” BS thì mới cảm thấy an tâm và an toàn. Chị Trần Thị B. (35 tuổi, ngụ Hưng Yên, bị ung thư dạ dày đang điều trị tại BV K – Hà Nội) lý giải: “Có thể nằm điều trị thì sao cũng được nhưng lúc bước vào phòng mổ, nhất định phải có phong bì. Phong bì mỏng hay dày còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Người nào vào mổ cũng thế thôi, đây là “lệ” rồi, nếu ai không làm theo mới là bất thường, vô lý”.

Nếu như phần lớn BN tin tưởng phong bì sẽ giúp chất lượng điều trị cho họ tốt hơn thì nhiều BS khẳng định chuyện này có thể làm thay đổi thái độ, lời ăn tiếng nói nhưng không làm tốt hơn chất lượng điều trị. BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ - BV K, tâm sự: “Bản thân BS luôn mong muốn bệnh nhân được chữa khỏi. Trong khi mổ, BS nào cũng lo bệnh nhân gặp tai biến nên chắc chắn không phải vì chiếc phong bì mà họ mổ tốt hơn, người gây mê cẩn thận hơn…”.

Một BS ở BV K quả quyết: “Phong bì không thể biến một BS đang ở trình độ loại C lên loại A, không thể giúp một người từ có bệnh thành khỏi bệnh. BN nghĩ rằng phong bì có thể mua được thái độ của nhân viên y tế nhưng chưa hẳn, bởi BS này có thể niềm nở với BN nhưng khi hết ca, BS khác đến có khi cũng thờ ơ, nhăn nhó”.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cũng cho rằng nếu BN nghĩ việc đưa phong bì cho BS để chất lượng điều trị tốt hơn thì đã nhầm. “Nhiều BN được cứu sống nhờ ghép tim, gan, thận hay những cuộc phẫu thuật mà sự sống và cái chết vô cùng mong manh, BS trắng đêm giành giật mạng sống cho họ thì cám ơn như thế nào cho đủ? Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng nếu không có phong bì, BS sẽ bỏ mặc BN” - ông Quyết nhấn mạnh.

Ngành y tế đã không ít lần tuyên chiến với “văn hóa phong bì” trong BV nhưng đến nay, đây vẫn là chuyện “bắt cóc bỏ dĩa”. Khi phát động phong trào “nói không với phong bì”, lãnh đạo Công đoàn ngành y tế cũng thừa nhận đây thật sự là một bài toán khó, phải làm từng bước. Không thể hy vọng hôm nay phát động, ngày mai đã hết nạn phong bì. Thế nhưng, với BN, chừng nào họ còn chưa yên tâm, chưa thoải mái, chưa tự tin khi bước chân tới BV thì lúc đó, phong bì sẽ tồn tại dưới nhiều hình thức, kể cả khi nhân viên y tế không đòi hỏi.

Dung tục hóa phong bì

Là một trong những BV thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao y đức của nhân viên y tế, BV Việt Đức vẫn giữ quan điểm thực hiện nghiêm túc chứ không mang tính hình thức.

“Ở BV này, nhân viên y tế nào vi phạm sẽ bị kỷ luật, thậm chí đuổi việc nếu vòi vĩnh phong bì. Tuy nhiên, nhiều trường hợp BN khỏi bệnh, ra viện rồi quay lại cám ơn BS bằng phong bì thì không nên phê phán, bởi chỉ khi BS dành hết tâm và tài phục vụ thì khi BN xuất viện, họ mới nhớ đến BS” - PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết nhìn nhận.

“Thực ra, BN và người nhà sau khi được điều trị khỏi bệnh rất muốn cám ơn những người đã cứu chữa cho mình. Bản thân tôi là BS mà cũng đã từng cám ơn đồng nghiệp bằng phong bì khi họ chữa khỏi bệnh cho người thân của mình.

Sẽ là mất đạo đức khi vòi vĩnh BN nhưng lại trở thành niềm vinh dự nếu vì BS làm tốt, làm đúng mà BN muốn tự nguyện tặng quà hay cám ơn. Chỉ có điều do quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, việc làm này đang bị dung tục hóa”- một BS BV K thổ lộ.

D.Thu

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN