Phận nữ “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm”

Giữa muôn trùng sóng gió, những ngư dân miền Trung vẫn giong thuyền ra khơi, xuôi ngược khắp một dãi từ Hoàng Sa xuống Trường Sa. Nhưng biển cả cũng nhiều phen “nổi giận”, nhấn chìm con thuyền nhỏ cùng bao ngư phủ xuống đáy đại dương sâu thẳm, bỏ lại sau lưng những goá phụ trẻ bơ vơ ngày đêm ngóng đợi.

Về làng chài An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) giữa trưa hè tháng tám vẫn vang câu hát ru của người mẹ trên những đồi dương bạt ngàn vi vu trong gió: “Lấy chồng nghề ruộng em theo/lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”.

“Bơ vơ người thiếu phụ…”

Ở Lý Sơn có một loại tỏi được người dân xứ đảo mệnh danh là: “Sản vật trong sản vật” – tỏi cô đơn. Không biết cái tên tỏi cô đơn (hay còn gọi là tỏi mồ côi) này có từ bao giờ nhưng nó luôn gắn với hình ảnh của những phận nữ góa bụa và những đứa trẻ lớn lên không có hình bóng người cha. Chồng – cha của họ đã bỏ mạng giữa trùng khơi trong cuộc vật lộn mưu sinh với biển cả.

Bình minh vừa nhô lên khỏi ngọn Thới Lới, dưới cánh đồng cát chạy dài từ chân núi ra tới biển, bà Huỳnh Thị Thời (52 tuổi) cặm cụi nhỏ cỏ, vun vén cho từng luống tỏi. Chồng mất từ năm đứa con đầu mới tròn hai tuổi, một mình bà bươn chải nuôi con.

“Năm 22 tuổi, tôi lập gia đình. Cưới nhau chưa được ba năm thì chồng tôi gặp tai nạn trong một lần ra khơi cùng bạn thuyền. Họ không tìm thấy xác ổng nên chỉ đưa về cho gia đình mấy bộ áo quần cũ cùng các vật dụng sinh hoạt cá nhân”, bà Thời chia sẻ.

Phận nữ “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm” - 1

Chị Diệp ngắm bức ảnh chụp cùng chồng trước ngày ra biển.

Thương chồng, chiều chiều bà lại ôm con ra biển ngóng chờ. Mấy đợt bà xin theo các thuyền ra khơi để tìm người chồng đang “lưu lạc” giữa khơi xa nhưng đều trở về trong vô vọng. Để có nơi lui tới, hương khói cho chồng, bà Thời đắp một nấm “mộ gió” ngay sát cạnh hiên nhà. Từ ngày chồng mất, cuộc sống của hai mẹ con bà trở nên túng quẫn. Bà phải làm việc quần quật suốt ngày trên ruộng tỏi để lấy tiền nuôi sống hai mẹ con. Bẵng đi hai mấy năm, con trai bà giờ đã lớn, nối nghiệp cha giong thuyền ra biển. Còn bà vẫn miệt mài chăm sóc cho những củ tỏi cô đơn.

Cách ruộng tỏi của bà Thời không xa, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hồng (32 tuổi) vội san cát trắng để trồng vụ tỏi mới. Người góa phụ trẻ giương đôi mắt buồn nhìn chúng tôi. Sinh ra, lớn lên ở Thăng Bình (Quảng Nam), cô gái trẻ miền biển đã phải lòng chàng ngư dân Lý Sơn. Cô chấp nhận ra làm dâu xứ đảo, ngày ngày vá lưới cho chồng đi biển. Nhưng trong cơn bão ChanChu (năm 2006), anh cùng 10 bạn thuyền khác đã mãi nằm lại với biển khơi, để lại người vợ trẻ đang mang bầu đứa con gái đầu lòng. Ngày ra Đà Nẵng nhận xác chồng, chị đã khóc ngất. Thương con gái sống cảnh bơ vơ, một mình nuôi con nhỏ, gia đình nhà ngoại nhiều lần khuyên chị về đất liền sinh sống nhưng chị vẫn quyết ở lại đảo.

Phận nữ “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm” - 2

Những “củ tỏi mồ côi” nhọc nhằn bươn chải, kiếm sống.

“Biển mang lại ấm no cho dân xứ này nhưng cũng cướp đi bao sinh mạng trai tráng. Cứ mỗi lần biển trở sóng, những người mẹ, người chị như chúng tôi lại bồn chồn, lo lắng”, bà Thời tâm sự.

Nối nghiệp cha, anh ra biển

Trong ngôi nhà nhỏ nằm cuối thôn Tây (xã An Hải), chị Lê Thị Hoa (39 tuổi) tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ cho con trai ra biển. Kể từ ngày chồng mất đi, một mình chị nuôi hai con khôn lớn. Nối nghiệp cha, người con cả Nguyễn Hòa lại giong thuyền ra biển rồi đứa con út Nguyễn Nhã cũng tiếp bước. Ít ai biết được rằng, người đàn bà miền biển ấy đã từng hai lần phải đón xác cha và chồng từ biển dạt về.

“Tôi sinh ra trong gia đình có ba đời làm nghề biển. Năm 2001, thuyền cha tôi bị sóng đánh vỡ, xác dạt vào Dung Quất (Quảng Ngãi). Năm năm sau, chồng tôi cũng gặp bão ChanChu, không kịp chạy thoát”, chị Hoa buồn bã nói. Những tưởng nỗi đau mất chồng sẽ ngăn chị không cho con ra biển. Nhưng hai người con của chị đều mang trong mình tình yêu biển mãnh liệt. Hòa giờ là thuyền trưởng tàu QNg – 90324 “chuyên trị” ngư trường Hoàng Sa, còn Nhã là thuyền viên trên tàu Đna – 95032.

Phận nữ “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm” - 3

Hai củ tỏi cô đơn dưới chân núi Thới Lới.

Ba năm trước, chồng chị Hoàng Ngọc Diệp (xã An Hải) bỏ mạng trong một lần lặn hải sâm ở vùng biển Trường Sa. Chị phải bôn ba đủ nghề để kiếm sống, từ buôn cá mụn (cá nhỏ) ở cảng đến đi lặn rong biển. Nỗi nhọc nhằn hằn lên những vết chân chim trên khuôn mặt chại sạn của người góa phụ mới ngoài ba mươi. Từ ngày cha mất, hai đứa con nhỏ của chị Diệp cũng mất đi nét hồn nhiên, tinh nghịch. Hai đứa thường rủ nhau ra ngồi thẫn thờ trước biển.

“Trước ngày cha nó đi còn hẹn về sẽ mua quà cho hai đứa. Vậy mà anh ấy đi mãi, không về nữa…” chị Diệp khóc nức. Chị lo sợ, khi lớn lên hai đứa con trai cũng lại theo cha ra biển. “Tôi không còn đủ cam đảm để ngày ngày ngóng chờ con từ biển trở về. Nỗi đau mất chồng vẫn chưa nguôi ngoai” chị Diệp tâm sự. Nhưng với Lê Văn Tiến (con trai chị Diệp), vẫn luôn mang trong mình hoài bão chinh phục những con sóng lớn. “Lớn lên, con sẽ đóng thuyền lớn ra biển. Sóng to, gió lớn cũng không sợ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN