Những mảnh đời u sầu trong "trại phong Quả Cảm"

Sự kiện: Thời sự Bắc Ninh

85 con người sống cuộc đời đạm bạc, biệt lập, khép mình dưới những bóng cây cổ thụ. Họ không cần biết đến ngày tháng...

85 con người đó là những bệnh nhân phong điều trị "nội trú" tại Khoa Phong, Bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh. Trước đây, nơi này được gọi là trại phong Quả Cảm. Người ít tuổi nhất mới 25, người nhiều tuổi nhất đã chạm đến con số 95.

Đã từ lâu, đây là khu "nội trú" của lớp lớp bệnh nhân phong không chỉ ở Bắc Ninh mà còn nhiều địa phương miền Bắc tìm đến nương náu. Mỗi tháng họ được trợ cấp của nhà nước, người cao nhất được 1,6 triệu đồng, người thấp nhất chưa đến 1 triệu đồng.

Có người còn trẻ khỏe vẫn ra ngoài lao động bình thường. Họ sống chan hòa với nhau trong những dãy nhà cấp 4 đơn sơ.

Những mảnh đời u sầu trong "trại phong Quả Cảm" - 1

Ông Lê Văn Quý 75 tuổi quê ở Hà Nội. Sau ngày mắc bệnh, vợ và gia đình xa lánh, ông vào "trại phong" từ những năm sau giải phóng đất nước. Người anh cả của ông là ông Lê Văn Cộng năm nay đã 95 tuổi cũng bị bệnh phong và ở cùng ông.

Những mảnh đời u sầu trong "trại phong Quả Cảm" - 2

Căn bệnh quái ác đã cướp đi của ông Quý bàn chân lành lặn. Từ ngày vào ở tại khu nội trú bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh, lâu lâu gia đình có việc ông mới trở về. Ông Quý bảo: "Lần về nhà gần nhất đã 5 năm trước, ngày mẹ tôi mất". Sự sống nẩy mầm trong đau khổ, sau khi vào "trại" sinh sống, ông Quý đã gặp một người phụ nữ cùng hoàn cảnh. Họ hạnh phúc ăn chung mâm, ngủ chung giường, sống cùng một mái nhà nhiều năm nay.

Những mảnh đời u sầu trong "trại phong Quả Cảm" - 3

Ít hơn ông Quý 5 tuổi, ông Vũ Xuân Thìn quê ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cũng có thâm niên sống tại đây hơn 30 năm. Ông Thìn cho biết, ở quê ông có vợ, con, cháu, chắt. Nhưng vì "sự có mặt của mình ảnh hưởng đến cuộc sống, làm việc cho con cái", nên ông quyết định ở lại. Ông Thìn khoe tấm ảnh mới được tặng nhân dịp lên thọ 70 tuổi.

Những mảnh đời u sầu trong "trại phong Quả Cảm" - 4

Ông Thìn bị cụt đến nửa bàn tay phải do bệnh phong.

Những mảnh đời u sầu trong "trại phong Quả Cảm" - 5

Khu nhà nơi ông ở gần với nghĩa trang cuối góc bệnh viện. Nơi này là chỗ yên nghỉ của các bệnh nhân phong qua đời. Hàng ngày ông Thìn lại ra nghĩa trang hương khói cho những nấm mộ bệnh nhân phong.

Những mảnh đời u sầu trong "trại phong Quả Cảm" - 6

Bà Hà bên bếp củi của mình. Người phụ nữ này không nhớ mình vào trại phong Quả Cảm chính xác tự bao giờ. Bà nhẩm tính: " Hơn 30 là ít".

Những mảnh đời u sầu trong "trại phong Quả Cảm" - 7

Niềm vui của những bệnh nhân già nơi đây là cùng nghe radio qua điện thoại. Ngoài thời gian nghe đài, họ còn đánh cờ để giết thời gian và quên đi những vết thương lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Phương (Gia đình Xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN