Nhật kí Hoàng Sa: Những cuộc chạm trán trên biển

Sự kiện: Nhật kí Hoàng Sa

Sau cuộc đối đầu kịch liệt trên biển mới thấy rằng, Trung Quốc đang chơi trò “lấy thịt đè người”.

Bởi lẽ, tính độ “to xác”, tàu Trung Quốc to hơn nhiều, tính số lượng, tàu Trung Quốc cũng áp đảo. Có lúc, mỗi tàu trong biên đội của chúng tôi bị đến 4 tàu của Trung Quốc vây ráp. Chưa kể còn nhiều tàu hộ vệ tên lửa chực sẵn bên ngoài và lao đến khi có thể. Song, các lực lượng chấp pháp Việt Nam gồm: Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam thực thi luật pháp trên biển đang ngày đêm nỗ lực ngăn cản, đẩy đuổi và đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Chạm trán

Sáng 12/5. Mặt trời lên từ rất sớm. Trời trong xanh. Mặt biển bắt đầu êm hơn, sóng chỉ cấp 3, cấp 4.

4h, mặt trời đã chiếu rọi.

5h30, báo thức toàn tàu. Bữa ăn sáng chóng vánh bằng mì tôm độn trứng vịt. Sau bữa sáng, nước chưa kịp uống, chúng tôi đã thấy hàng chục tàu các loại của Trung Quốc lù lù xuất hiện trước mặt.

Qua máy sóng ngăn Icom, Biên đội trưởng Vũ Đức Tạo báo động toàn biên đội chuẩn bị sẵn sàng. 6 tàu của biên đội quay mũi về giàn khoan, cơ động với tốc độ chậm tiến về giàn khoan.

Nhật kí Hoàng Sa: Những cuộc chạm trán trên biển - 1

Trong lúc truy đuổi và phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam, tàu hải cảnh 37102 của Trung Quốc để khẩu pháo trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa

Khi tàu chúng tôi cách giàn khoan chừng 7 hải lý, xuất hiện 3 tàu Hải cảnh có vận tốc cao của Trung Quốc lao ra ngăn cản. Chỉ vài phút sau, xuất hiện thêm 7 tàu các loại gồm tàu Hải cảnh, tàu dịch vụ, tàu hàng, tàu cá vỏ sắt cải trang lao về phía đội tàu Kiểm ngư Việt Nam rất quyết liệt với tốc độ cao.

Khi tàu chúng tôi còn cách giàn khoan khoảng 3,8 hải lý (vị trí tiếp cận gần nhất từ lúc xảy ra vụ việc đến nay - PV), nhiều tàu của Trung Quốc tổ chức vây ráp và truy cản hết sức manh động.

Thậm chí, tàu hải cảnh và tàu dịch vụ của Trung Quốc di chuyển với tốc độ cao có hành động lao thẳng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam. Vào lúc đó, bên mạn phải tàu HP 926, tàu Hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 37102 có tốc độ lớn, phía trước mũi có khẩu pháo đã giỡ bạt che đã vây ráp tàu Kiểm ngư Việt Nam KN 769. Trên boong tàu Hải cảnh 37102 có 4 người trong trang phục rằn ri, bên ngoài mặc áo phao cầm súng bắn nước áp lực lớn bắn xối xả vào tàu KN 769 buộc KN 769 phải cắt lái thoát khỏi vòi rồng của Trung Quốc.

Sau đó, tàu Hải cảnh loại lớn 2401 áp mạn phải phía sau tàu chúng tôi, tàu HP 926, bên mạn trái là tàu hải cảnh loại tốc độ cao 37102 và cản mũi phía trước là tàu kéo màu đỏ của Trung Quốc. Cả ba tàu này đã vây ráp tàu HP 926 và đồng loạt dùng vòi rồng tấn công liên tục trong khoảng hơn 30 phút. Có lúc, đài chỉ huy tàu HP 926 bị vòi rồng của 3 tàu Trung Quốc bắn xối xả, nước phủ trắng xóa, gương chắn sóng cường lực rung lên bần bật như muốn nổ tung.

Nhật kí Hoàng Sa: Những cuộc chạm trán trên biển - 2

Tàu Hải cảnh 37102 của Trung Quốc ép và phun vòi rồng xối xả vào tàu kiểm ngư Việt Nam KN-767

Lúc vòi rồng phun vào dữ dội, giữa chúng tôi và vòi rồng được ngăn cách bởi tấm gương cường lực, theo thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy có thể chịu lực với tất cả các cấp sóng. Thế nhưng, vòi rồng của Trung Quốc với áp lực quá mạnh tấn công liên hồi, tấm kính chắn sóng rung lên như muốn vỡ tung.

Mặc kệ, bên trong, hàng chục máy quay, máy ảnh của chúng tôi đang ghi lại những hình ảnh rõ ràng, chân thật nhất về hành động ngang ngược và hung hăng của các tàu Trung Quốc. Lúc ấy, nếu lỡ tấm kính bị vỡ, có lẽ tất cả anh em phóng viên chúng tôi… không ai còn nguyên vẹn. Dẫu vậy nhưng anh em chúng tôi chẳng ai nao núng cứ đứng chĩa máy quay, máy ảnh về phía tàu Trung Quốc đang phun vòi rồng trắng xóa như những người hút thuốc lào phả khói vào mặt người khác.

Trước hành động ngang ngược và vây ráp của các tàu Trung Quốc, hai Kiểm ngư viên Đỗ Văn Cành và Nguyễn Văn Chinh chạy đến vòi cứu hỏa mở nước đáp trả để giải vây nhưng các tàu Trung Quốc vẫn không dừng các hành động tấn công nói trên. Trước sự tấn công hung hãn đó, thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy và các tàu cùng Biên đội tổ chức cắt lái chuyển hướng thoát khỏi vòng vây ráp của các tàu Trung Quốc.

Sau cuộc đối đầu kịch liệt trên biển mới thấy rằng, Trung Quốc đang chơi trò “lấy thịt đè người”. Bởi lẽ, tính độ “to xác”, tàu Trung Quốc to hơn nhiều, tính số lượng, tàu Trung Quốc cũng áp đảo. Có lúc, tính bình quân, mỗi tàu trong biên đội của chúng tôi bị đến 4 tàu của Trung Quốc vây ráp. Chưa kể còn nhiều tàu hộ vệ tên lửa chực sẵn bên ngoài và lao đến khi có thể.

Đêm trắng ở Hoàng Sa

Tối 12/5. Đêm thứ 3 trên tàu và là đêm thứ 2 ở biển Hoàng Sa. Trăng sáng vằng vặc. Bầu trời lấp lánh hàng ngàn vì sao. Gió lồng lộng phả hơi mát của biển khơi như xóa tan mọi mệt mỏi, căng thẳng của những đợt đối đầu với tàu Trung Quốc.

Nhật kí Hoàng Sa: Những cuộc chạm trán trên biển - 3

Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 461 đâm thẳng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam KN 768 làm hư hỏng boong tàu.

Khi anh em chúng tôi đang thả mình với trăng gió Hoàng Sa, bỗng liên tiếp những đợt chuông reng báo động đến giật thót mình. Chưa kịp tỉnh hồn, trên loa vang tiếng báo động liên hồi. Thì ra, nhiều tàu Trung Quốc hướng mũi tấn công về tàu chúng tôi. Tôi bật dậy chạy vào đài chỉ huy lấy máy quay rồi lao ra lại boong.

Ngay tắp lự, toàn biên đội quay mũi về giàn khoan, nơi những con tàu to của Trung Quốc lù lù hướng về biên đội tàu Việt Nam. Phía trước mặt, nhiều đèn pha từ tàu Trung Quốc chiếu sáng như nhát gươm chém mặt biển thành nhiều mảnh như cắt bánh sinh nhật.

Đối đầu ban ngày đã là cuộc chiến cam go, ban đêm, biên đội tàu Kiểm ngư lại càng khó khăn trăm bề. Sẽ phải chạy thoát khỏi vòng vây?. Tôi thầm nghĩ, nhưng không! Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy và Biên đội trưởng Vũ Đức Tạo liên tục điều hành tàu và biên đội qua hệ thống loa và hệ thống sóng ngắn ICom.

Những Kiểm ngư viên vào vị trí của mình. Không phải chạy mà là đối đầu! Thuyền trưởng Duy yêu cầu pha đèn trở lại, ánh đèn tàu của hai bên gặp nhau lóa lên như ánh sét chớp lên khủng khiếp. Rồi tiếng còi hụ, tiếng loa tuyên truyền cứ xen lẫn. Sau một hồi chào nhau như những tay cao bồi trên phim, tàu hai bên rồi lại về vị trí. Tôi trở lại boong tàu tìm lại vị trí của mình vừa bị đám tàu Trung Quốc phá rối.

Đêm trăng Hoàng Sa trở lại bình yên đến lạ. Với những lúc như thế này, chẳng ai nghĩ nơi đây là “điểm nóng”, nơi các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam phải ngày đêm đối mặt với những kẻ hung tợn, có thể tấn công bất kể lúc nào.

Có lẽ, những đêm trăng huyền diệu như đêm nay đã tiếp sức, tiếp lửa cho những người con đất Việt đối mặt với kẻ thù xâm lấn. Cũng như chúng tôi, nếu không có đêm trăng như đêm nay, chắc chẳng thể đủ sức để ngày mai thức dậy tiếp tục ghi lại những trận quay ráp kịch liệt của tàu Trung Quốc...

Clip tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam:

____________________________

Ngày mới, nắng lên trong vắt. Biên đội tàu lại hướng mũi về giàn khoan. Chúng tôi lại với công việc của mình, tìm những góc máy thuận lợi cho “trận đánh”. Kiểm ngư viên mỗi người mỗi việc, sẵn sàng cho “trận đánh” có thể xảy ra. Những ngày theo chân tàu Kiểm ngư đấu tranh đuổi giàn khoan Hải Dương-981 mới thấy được sự can trường đến…lãng mạn của Kiểm ngư Việt Nam.

Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo "Nhật kí Hoàng Sa: Những khoảnh khắc sinh tử" vào 19h thứ Sáu, 23/5/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thủy Tiên ([Tên nguồn])
Nhật kí Hoàng Sa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN