Nhắn tin đe dọa chị "Nguyệt Hoài Đức": Có thể bị truy tố

Chị Nguyệt - người đã đứng lên tố cáo vụ việc tiêu cực nhân bản xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức đang bị nhắn tin khủng bố cả năm trời. Liệu những kẻ nhắn tin có bị đưa ra ánh sáng xử lý?

Vừa qua, chị Nguyệt (Hoài Đức- HN) - người đã đứng lên tố cáo vụ việc tiêu cực nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức gây rúng động dư luận - đã bị các đối tượng nhắn tin đe dọa trong khi một số người mắc sai phạm vẫn được giữ nguyên công việc.

Để hiểu hơn vấn đề pháp lý xung quanh câu chuyện này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp HCM) về vấn đề này.

Nhắn tin đe dọa chị "Nguyệt Hoài Đức": Có thể bị truy tố - 1

 Chị "Nguyệt Hoài Đức" - người tố cáo tiêu cực - đang bị đe dọa trả thù.

Thưa luật sư, nếu chị Nguyệt (BV Hoài Đức) liên tục bị nhắn tin đe dọa sau khi tố cáo tiêu cực, thì hành vi đe dọa đó đã cấu thành tội gì?

Đây là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Viễn thông, tùy theo tính chất và mức độ hành vi này có thể chỉ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điểm g, khoản 3, điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 thì người nào có hành vi : “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu có đủ căn cứ, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc Tội đe dọa giết người quy định tại điều 103 Bộ luật Hình sự nếu có hành vi đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Theo luật sư, dấu hiệu nào để khẳng định "người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện" theo điều 103 Bộ Luật hình sự?

Hành vi đe dọa giết người thể hiện bằng lời nói, hành động, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, hành vi này làm cho người bị đe dọa tin rằng người đe doạ sẽ thực hiện dẫn đến lo lắng, sợ sệt...

Để xác định mức độ đe dọa nguy hiểm đối với nạn nhân, phải căn cứ vào nhân thân của người đe dọa và bị đe dọa; thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, nguyên nhân bị đe dọa; sự tương quan lực lượng giữa hai bên; sự thay đổi tâm sinh lý và hoạt động của người bị đe dọa như mất ăn, mất ngủ, bỏ việc làm…

Nhắn tin đe dọa chị "Nguyệt Hoài Đức": Có thể bị truy tố - 2

  Tin nhắn đe dọa chị Nguyệt (Ảnh chị Nguyệt cung cấp)

Nếu chị Nguyệt tố cáo ra cơ quan công an thì việc đe dọa này có được xử lý hay không?

Theo luật, khi phát hiện mọi hành vi vi phạm pháp luật, công dân đều có quyền tố giác đến cơ quan công an. Tuy nhiên, việc tố giác phải có căn cứ, kèm theo đơn tố giác, người tố giác phải cung cấp các chứng cứ để cơ quan công an có cơ sở xác minh, điều tra vụ việc.

Trong vụ việc chị Nguyệt, vì các đối tượng sử dụng sim rác để quấy rối, đe dọa chị nên rất khó có cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý. Vì vậy, chị Nguyệt nên tiếp tục kiên trì thu thập, theo dõi diễn biến của nhóm đối tượng này để làm chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng. Trước mắt, theo tôi chị nên thay một sim điện thoại khác để sử dụng cho công việc.

Vậy phải căn cứ vào đâu có thể chỉ ra đối tượng cần tố cáo để cơ quan chức năng tiện truy xét?

Theo tôi, những đối tượng này chắc chắn là có liên quan đến người thân của những người bị chị Nguyệt tố cáo, nên nếu có cơ sở, chị có thể “điểm danh” những người nghi vấn và trình báo với cơ quan điều tra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Chuyên (Infonet.vn)
Nhân bản kết quả xét nghiệm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN