Nhà xe vẫn “cố thủ” tại bến Mỹ Đình

Thông tin trên được đưa ra trong buổi làm việc giữa Bộ GTVT và UBND Thành phố về việc giảm tải cho Bến xe Mỹ Đình diễn ra sáng qua tại Hà Nội.

4 nguyên nhân làm “nóng” bến Mỹ Đình

Tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nêu rõ 4 nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc, mất trật tự ATGT tại khu vực Bến xe Mỹ Đình. Cụ thể, theo ông Hùng, cùng với thực tế nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì việc quản lý, điều hành, sắp xếp xe trong bến chưa khoa học là 2 nguyên nhân quan trọng biến Mỹ Đình thành điểm nóng trong thời gian qua.

Ngoài ra, việc thanh tra, tuần tra xử lý vi phạm (trước thời điểm tháng 7/2013) chưa đáp ứng yêu cầu; chưa tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển bến xe cũng là những lý do cần nhắc tới. “Thực tế là bến được quy hoạch với diện tích 3,5ha vào năm 2010 nhưng chỉ mới sử dụng chưa đầy 2ha. Trong bến lại có một cây xăng và một Trạm bảo dưỡng sửa chữa xe, gây thêm lộn xộn” - ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cũng đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có việc kiến nghị Thành phố chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT các địa phương xây dựng phương án sắp xếp lại mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định tại Bến Mỹ Đình từ nay đến trước 31/12/2014 (trước thời điểm công bố Quy hoạch mạng lưới tuyến Vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo quy định tại Thông tư 18 có hiệu lực từ 1/10/2013) đảm bảo phục vụ thuận lợi, không làm xáo trộn và tăng chi phí đi lại của nhân dân cũng như tăng chi phí sản xuất cho đơn vị vận tải.
 
Doanh nghiệp không chịu đi


Hơn một tháng trước, Sở GTVT Hà Nội đã có Thông báo số 1075, trong đó, dự kiến sẽ điều chuyển 352 xe khỏi Mỹ Đình. Đây được coi là phương án cuối cùng mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra đến thời điểm này để “gỡ rối”  cho điểm nóng này.

Nhà xe vẫn “cố thủ” tại bến Mỹ Đình - 1

Ngày cao điểm, Bến xe Mỹ Đình có tới 1500 chuyến xe xuất bến

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có duy nhất các doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình (91 xe) liên hệ với Bến xe Yên Nghĩa để thực hiện các thủ tục điều chuyển. Các doanh nghiệp khác dù đều đã đồng ý sơ bộ về ký kết điều chuyển song vẫn chưa hề có bất cứ động thái nào.

Ông Thường nhấn mạnh, chắc chắn đến 15/8 không thể thực hiện điều chuyển theo kế hoạch được. “Doanh nghiệp muốn điều chuyển thì cần thời gian đăng ký lại, ký hợp đồng với bến mới, công bố cho người dân, hành khách, in lại vé, chứng từ… Đến thời điểm này (chiều 13/8, hai ngày trước hạn chót của Sở GTVT Hà Nội) các doanh nghiệp chưa có động thái gì cũng có nghĩa kế hoạch điều chuyển trước 15/8 sẽ phá sản.
 
Không để thêm một “Mỹ Đình thứ hai”

Khẳng định trách nhiệm quản lý Nhà nước là phải phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân cũng như đảm bảo hoạt động ổn định cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường lực lượng kiểm tra xử lý các vi phạm xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình. Đặc biệt, ông Khôi yêu cầu hình thành ngay tổ công tác tại Mỹ Đình gồm các lực lượng Thanh tra, CSGT và công ty quản lý bến xe, kiểm tra, kiểm soát, giao ban hàng ngày.

Nhà xe vẫn “cố thủ” tại bến Mỹ Đình - 2

Bến xe Mỹ Đình đông nghẹt khách

Song song với việc nâng cao hiệu quả khai thác của bến xe với mặt bằng hiện có, ông Khôi yêu cầu TCT Vận tải đẩy nhanh thủ tục đầu tư mở rộng Bến xe Mỹ Đình. “Vướng đến đâu, Thành phố sẽ gỡ đến đấy” - ông Khôi khẳng định. Phía Sở GTVT Hà Nội, ông Khôi cũng nhấn mạnh, phải rà soát tìm phương án tốt nhất cho Mỹ Đình.

Khẳng định Hà Nội đã vào cuộc hết sức tích cực để giải quyết những bất cập liên quan đến tổ chức hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các bên liên quan phải rút kinh nghiệm sâu sắc, coi những vấn đề thời gian qua là bài học, để không lặp lại một Mỹ Đình thứ hai trong tương lai.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Bình (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN