Nhà mạng muốn gia hạn thời gian đăng ký thông tin thuê bao

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, các nhà mạng buộc phải hoàn thiện thông tin cá nhân chính chủ đối với tất cả thuê bao đang quản lí. 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 38 triệu thuê bao chưa có thông tin đầy đủ, cần phải bổ sung. Các nhà mạng đang kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện, thay vì phải hoàn tất vào ngày 24-4 như quy định của Nghị định 49.

VinaPhone cho biết, nhà mạng này hiện có tổng cộng 31 triệu thuê bao, trong đó chỉ có 9,3 triệu thuê bao đầy đủ thông tin. Mặc dù VinaPhone đã chủ động thông báo qua tin nhắn cho các thuê bao thiếu thông tin, tuy nhiên, tỉ lệ người dùng hợp tác với nhà mạng vẫn còn rất thấp. 

Nhà mạng muốn gia hạn thời gian đăng ký thông tin thuê bao - 1

Các nhà mạng lo ngại không kịp hoàn tất thông tin toàn bộ thuê bao trước ngày 24-4.

Cho tới nay, mới chỉ có 1,17 triệu thuê bao tiến hành cập nhật thông tin, vẫn còn khoảng 19 triệu thuê bao cần bổ sung theo quy định của Nghị định 49. 

Đại diện VinaPhone đề xuất gia hạn thời gian thêm 1 năm vì lo ngại không thể hoàn tất vào ngày 24-4 do thời gian còn lại quá ngắn. Là mạng di động lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Viettel hiện có có 66,5 triệu thuê bao đang hoạt động, trong đó có 63,7 triệu thuê bao trả trước. 

Trong số này có 35 triệu thuê bao đăng kí trước tháng 7-2017. Viettel cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, kéo dài thời gian bởi lẽ nhà mạng này còn gần 30 triệu thuê bao chưa hoàn thiện đăng kí thông tin cá nhân.

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến tháng 3-2018, mới có khoảng 4 triệu thuê bao tiến hành cập nhật thông tin, hiện vẫn còn khoảng 38 triệu thuê bao chưa đầy đủ thông tin, cần phải bổ sung. 

Những thuê bao này chưa có bản chụp chứng minh nhân dân hoặc đã có nhưng dữ liệu không trùng khớp, có dấu hiệu bị làm giả. 

Về đề xuất gia hạn thời gian triển khai, ông Trung nhấn mạnh, Nghị định 49 có hiệu lực từ tháng 4-2017, nghĩa là các doanh nghiệp viễn thông đã có 1 năm để thực hiện nhưng gần tới thời hạn chót, các doanh nghiệp mới triển khai nhắn tin cho khách hàng. 

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Cục phó Cục Viễn thông cũng cho rằng, doanh nghiệp kêu khó là do doanh nghiệp chưa muốn làm. Trên thực tế, các nhà mạng đang quản lí rất tốt các thuê bao trả sau nhưng lại chưa quản lí chặt thuê bao trả trước. 

Phần lớn các doanh nghiệp viễn thông đều chỉ muốn phát triển càng nhiều thuê bao càng tốt, còn người dùng thì không muốn phải cung cấp thông tin của mình cho bất kì ai. 

Trong buổi làm việc với các nhà mạng chiều 10-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định không thể lùi thời điểm thực hiện việc bổ sung thông tin thuê bao bởi đây là Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, các nhà mạng cần thực hiện linh hoạt trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. 

Người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cũng nói thêm, quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dùng di động, đồng thời giúp ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác...

Trước câu hỏi, có cần thiết phải gửi ảnh chân dung khi mà chủ thuê bao đã đăng kí bằng chứng minh nhân dân, Cục Viễn thông cho rằng, đây là giải pháp tối ưu để đảm bảo tính chính danh của thuê bao. 

“Nghị định 49 nhằm xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu chính xác về người dùng di động. Do đó, không chỉ cần thông tin đúng mà còn phải đảm bảo tính chính danh, tức là đúng người sử dụng thuê bao. Việc đăng kí thông tin bằng chứng minh nhân dân cũng không thể đảm bảo chính xác vì chứng minh nhân dân có thể đi mượn hoặc cùng một chứng minh nhân dân nhưng đăng kí nhiều thuê bao khác nhau. Chỉ có ảnh chân dung mới đảm bảo tính xác thực, đúng người, đúng số. Ở Thái Lan, ngoài ảnh chụp, họ còn yêu cầu lấy cả dấu vân tay nữa” – đại diện Cục Viễn thông nói...

Theo Cục Viễn thông, trong quá trình xây dựng Nghị định 49, Cục đã đề xuất nhiều giải pháp, nhưng việc chụp ảnh là khả thi và tiết kiệm nhất. Với các nước phát triển, khi đăng kí thuê bao, người dùng chỉ cần giấy tờ tuỳ thân bởi họ đã có dữ liệu dân cư quốc gia điện tử.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, trình độ công nghệ chưa đạt tới mức đó nên giải pháp chụp ảnh chân dung thay vì lấy dấu vân tay vẫn được cho là khả thi và hữu hiệu hơn.

Những thuê bao nào sẽ phải bổ sung ảnh chân dung?

Theo Nghị định 49, các thuê bao đăng kí trước thời điểm tháng 4-2017 sẽ phải đảm bảo có đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, không phải tất cả thuê bao đều phải bổ sung thông tin, đặc biệt là ảnh chân dung. 

Hiện cả nước có khoảng 120 triệu thuê bao di động, trong đó, trên 90% là thuê bao trả trước. Số thuê bao này được chia thành 2 nhóm: Nhóm thuê bao đã có thông tin chính xác và nhóm thuê bao chưa có thông tin cá nhân chính xác. 

Đối với nhóm thuê bao đã có thông tin cá nhân chính xác, người dùng không cần thiết phải bổ sung thông tin. Việc bổ sung thông tin (bao gồm cả ảnh chân dung) chỉ áp dụng cho các thuê bao chưa có đầy đủ thông tin (chưa có bản chụp chứng minh nhân dân hoặc bản chụp có dấu hiệu bị làm giả, thông tin trên chứng minh nhân dân không trùng khớp với bản khai...). 

Nhà mạng sẽ chủ động gửi tin nhắn thông báo tới những khách hàng cần bổ sung thông tin. Tuy nhiên, nếu muốn biết thuê bao của mình có thuộc diện phải bổ sung thông tin hay không, người dùng có thể soạn tin nhắn theo cú pháp: TTTB gửi 1414.

Không nhận được tin nhắn yêu cầu bổ sung ảnh, chủ thuê bao có bị thu hồi số di động?

Lãnh đạo một số nhà mạng lý giải vì sao hiện nay nhiều khách hàng chưa nhận được tin nhắn yêu cầu bổ sung ảnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo KHÁNH VY (CAND)
Thiếu ảnh chân dung bị khóa sim Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN