Người Việt sẽ cao thêm 3,5 cm vào năm 2030

Mục tiêu quan trọng của  Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030” là nâng chiều cao trung bình thêm 2,5 – 3,5cm.

Tối 19/12, tại Hà Nội diễn ra Lễ phát động Toàn dân chung tay nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam do Ban điều phối đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 tổ chức.

Chương trình nhằm tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa của Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/4/2011.

Với mức kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng, mục tiêu lớn nhất của Đề án là nâng chiều cao của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5-3,5cm. Theo đó, vào năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam có thể đạt 1,68cm hoặc 1,69cm và 1,55cm đối với nữ.

Người Việt sẽ cao thêm 3,5 cm vào năm 2030 - 1

Đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam có thể đạt 1,68cm hoặc 1,69cm và 1,55cm đối với nữ

Đề án tổng thể về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 bao gồm 4 chương trình thành phần.

Chương trình 1, nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Nội dung chủ yếu bao gồm: khảo sát, thống kê các chỉ số sinh học và tổng hợp các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

Khảo sát thống kê số liệu về yếu tố di truyền và môi trường chi phối chiều cao đứng; điều tra tổng hợp và xác định tần số bệnh tật gây bất thường về tầm vóc thân thể, thể lực; đề xuất một số biện pháp can thiệp.

Chương trình tiếp theo là chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan. Nội dung chủ yếu gồm tiếp tục chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi; Nghiên cứu đề xuất chuẩn thực đơn dinh dưỡng hàng ngày phù hợp với các đối tượng của Đề án.

Thí điểm hướng dẫn và thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; xây dựng và triển khai chương trình sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học...

Tiếp theo là chương trình tiếp theo là phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi. Nội dung gồm: Chuẩn hóa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất đối với các trường thí điểm; tận dụng các công trình thể dục thể thao trên địa bàn để phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất trong trường học (chính khóa và ngoại khóa)...

Chương trình cuối cùng là Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.

Đối tượng áp dụng của các chương trình trên là các bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi.

Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng, kinh phí thực hiện Đề án gồm các nguồn: Kinh phí ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương), kinh phí từ nguồn xã hội hóa, huy động các nguồn ODA, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các nguồn thu từ đặt cược thể thao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN