Người phụ nữ nghèo gửi “hơi ấm” đến Trường Sa

Nhiều tháng qua, bà Mang Thị Bộ (SN 1949, trú xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định) vẫn cần mẫn từng công đoạn bên cuộn len để đan áo ấm gởi cho các chiến sĩ nơi quần đảo Trường Sa. Dù mang nhiều căn bệnh của tuổi già nhưng công việc ấy đối với bà chưa bao giờ dừng lại…

Khi chúng tôi đến nhà để tìm hiểu về câu chuyện đan áo ấm gởi tặng các chiến sĩ, người phụ nữ này liên tục “xua tay” từ chối vì bà cho đây là công việc rất “giản đơn” nên không muốn lên mặt báo. Phải mất nhiều giờ trò chuyện và thuyết phục, chúng tôi mới nhận được những chia sẻ chân thật của người gởi “hơi ấm” ra Trường Sa.

Người phụ nữ nghèo gửi “hơi ấm” đến Trường Sa - 1

Bà Mang Thị Bộ cần mẫn đang áo len tại nhà.

Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp nằm hướng ra biển, với đôi mắt lem nhem vì tuổi già, bà Bộ vẫn cặm cụi từng mũi kim đan áo. Vừa đan len được một đoạn, bà dừng lại để dùng tay đấm bóp chân mình cho đỡ mỏi. Mỗi ngày, bà ngồi nhiều giờ đồng hồ chỉ với công việc “không công” là đan áo gởi tặng chiến sĩ đang canh gác ngoài biển đảo. Nhiều người thấy thế cứ bảo bà là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, rồi làm công việc đó chỉ để lấy tiếng thơm nhưng bà bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tiếu ấy.

Người phụ nữ nghèo gửi “hơi ấm” đến Trường Sa - 2

 Để có tiền mua len bà phải đi vận động khắp nơi.

Bà Bộ, tâm sự: “Tôi chưa bao giờ ra Trường Sa, chỉ nhìn thấy được công việc cực nhọc của những người lính đảo qua ti vi. Mình ở trong đất liền êm ấm cũng là nhờ người lính canh giữ nên những chiếc áo tôi đan như tấm lòng người đất liền gởi ra đảo lớn”.

Gia đình vốn là hộ khó khăn, trong căn nhà ấy lâu nay vẫn đìu hiu bởi lẽ chỉ có bà Bộ và người em gái Mang Thị Bích Hoa (SN 1951) ngày đêm tự chăm sóc cho nhau.

Người phụ nữ nghèo gửi “hơi ấm” đến Trường Sa - 3

Đôi tay đã nhăn nheo vì tuổi già những công việc ấy chưa dừng lại.

“Ngày trước tôi có đứa cháu đi nghĩa vụ ra ngoài đảo Trường Sa nhưng nghe cháu bảo ngoài đó lạnh lắm. Vì vậy, biết chút ít về việc đan len nên tôi đan áo để tặng các chiến sĩ nơi đảo xa”.- Bà Bộ chia sẻ.

Khi có ý nghĩ muốn tự tay đan áo cho các chiến sĩ Trường Sa nhưng ngặt nỗi gia đình bà khó khăn nên không có tiền mua len, dụng cụ… Thế là tranh thủ dịp cuối năm, bà con làm ăn tha hương sum họp về quê ăn Tết. Bà Bộ làm liều đi khắp xóm để vận động mỗi người một ít để có tiền mua len đan áo. Thấy việc làm ý nghĩa của bà nên nhiều người ủng hộ, gom góp được 2 triệu đồng vừa đủ chi phí cho tiền len của 20 chiếc áo. Chắt bóp từng đồng, bà Bộ tự bỏ tiền túi và công sức của mình để đan 30 chiếc áo len gởi tặng các chiến sĩ.

Người phụ nữ nghèo gửi “hơi ấm” đến Trường Sa - 4

Món quà tâm tình được bà Bộ gởi đến Trường Sa.

Sau nhiều tháng miệt mài, bà Bộ đã gởi 30 chiếc áo ấm do chính tay bà đan để nhờ Hội liên hiệp phụ nữ xã Nhơn Hải, thông qua các ngành chức năng gửi tặng đến các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ tại Trường Sa.

“Nghe nói, Trường Sa  có rất đông các chiến sĩ nên tôi muốn dùng sức mình để đan tặng tất cả. Do không có kinh phí nên gia đình nào khá giả và có lòng hảo tâm thì tôi đến để vận động. Bên cạnh đó, tôi cũng xin hỗ trợ từ những thành viên của Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… tại địa phương”.- Bà Bộ trải lòng.

Người phụ nữ nghèo gửi “hơi ấm” đến Trường Sa - 5

Đôi mắt lem nhem vì tuổi già, bà Bộ vẫn cặm cụi từng mũi kim đan áo.

Người phụ nữ nghèo gửi “hơi ấm” đến Trường Sa - 6

 Chiếc áo ấm được hoàn thành do chính bàn tay bà Bộ.

Chị Mang Thị Huyền Nga- Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Nhơn Hải, cho biết: “Việc làm của bà Bộ xuất phát từ tận tấm lòng của cá nhân. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoài số tiền vận động, bà Bộ còn tự bỏ tiền túi và công sức của mình để đan áo, đây là một điều rất đáng quý. Chúng tôi luôn khuyến khích những cá nhân, hội viên quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo dù là hành động nhỏ nhất. Hiện nay, 30 chiếc áo ấm của bà Bộ đan đã được gởi đến Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định và chờ chuyến tàu mang áo đến Trường Sa”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dũ Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN