Người phát ngôn Chính phủ nói về ẩu đả tại lễ hội

Người phát ngôn của Chính phủ trả lời báo chí trước sự việc một số lễ hội đầu xuân có không ít bất cập như chen lấn, xô đẩy, ẩu đả…

Trả lời báo chí về vấn đề trên tại cuộc họp báo Chính phủ (2.3.2015), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ – ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng có Công điện về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Sau kỳ nghỉ Tết, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25.2 đánh giá tình hình Tết Nguyên đán và những công việc cần triển khai sau Tết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện, trong đó yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo để bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí.

Người phát ngôn Chính phủ nói về ẩu đả tại lễ hội - 1

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên

Đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.

Các bộ, ngành, địa phương, nhất là nơi diễn ra lễ hội phải tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho biết quan điểm của Chính phủ trước khuyến cáo của Tổ chức động vật châu Á về chấm dứt lễ hội chém lợn ở Làng Ném Thượng (Bắc Ninh) và yêu cầu cho rằng cần rà soát, thay đổi các tập tục theo hướng văn minh hơn.

Theo Bộ trưởng, lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì.

Bộ trưởng nói: “Lễ hội Làng Ném Thượng nói riêng, lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc nói chung, là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương”.

Việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng; đồng thời, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.

Theo Bộ trưởng, trên cơ sở tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp rà soát, hướng dẫn cách thức tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ phù hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN