Khát khao của người... chuyển giới

“Tôi đi làm giấy tờ, người ta kêu Trương Văn Thuận. Tôi nói “em”, người ta nói kêu Trương Văn Thuận chứ có kêu cô đâu, những lúc đó tôi buồn lắm” - cô Phương Trinh, một người chuyển giới tính, kể về khó khăn của mình khi không được thay tên đổi họ.

Việc cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm bị đề nghị hủy quyết định công nhận lại giới tính đã nhận được sự quan tâm của nhiều người cùng cảnh ngộ.

Chiều 25/1, ca sĩ Cindy Thái Tài, một người chuyển đổi giới tính, cho biết trước đây cô có nghe việc cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm được xác nhận chuyển đổi giới tính. “Lúc đó tôi rất bất ngờ vì biết rằng luật pháp chưa cho phép - ca sĩ Cindy Thái Tài nói - Tôi cũng định hôm nào sẽ gặp cô Quỳnh Trâm để hỏi cách thức, thủ tục làm xác nhận nhưng chưa kịp hỏi thì lại nghe tin quyết định bị đề nghị hủy. Vừa mới vui chưa được bao lâu là đã buồn rồi”.

Không dám đứng tên tài sản lớn

Ca sĩ Cindy Thái Tài cho biết thêm trước khi thực hiện chuyển giới tính, cô “đã lường hết những rắc rối về thủ tục, giấy tờ” sẽ gặp phải. Cô đã đến Sở Tư pháp TP.HCM xin thay tên đổi họ nhưng không được. “Hiện giấy tờ nhà, tài sản lớn tôi không dám đứng tên mà chỉ đứng tên xe cộ và những tài sản nhỏ. Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu của tôi vẫn tên như trước đây. Thay đổi giới tính, tôi đã “tìm lại chính mình” về con người, còn về giấy tờ thì chưa “tìm lại” được. Việc này sẽ gây rắc rối cho tôi khi muốn lập gia đình không thể đăng ký kết hôn được vì trên giấy tờ tôi vẫn là nam” - ca sĩ Thái Tài chia sẻ thêm.

Tương tự, ca sĩ Khanh Chi Lâm (trước khi chuyển giới là Lâm Chí Khanh) cũng tâm sự “thấy buồn cho cô Quỳnh Trâm”. Ca sĩ này nói: “Những người trong giới ai cũng muốn được thay đổi con người và cả tên, họ trong giấy tờ của mình. Nếu được luật pháp cho phép, tôi sẽ đổi lại giấy tờ ngay. Tôi đã chuyển giới tính rồi nhưng hộ chiếu của tôi vẫn ghi giới tính nam như trước trong khi hình con gái. Tên thật của tôi là Huỳnh Phương Khanh, cũng giống tên con gái nên tôi không phải đổi tên”.

Ca sĩ Khanh Chi Lâm cũng kể khi qua Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính, cô mặc quần áo con trai, khi về mặc quần áo con gái: “Nhìn thấy tôi, mấy người ở sân bay biết đi chuyển giới về. Họ không làm khó dễ gì cả mà chỉ nói: “Chị ơi, chị đi đổi hộ chiếu đi”. Tôi đi đổi hình trong hộ chiếu, định xin luôn giới tính nam nhưng nghe nói chưa đổi được nên chưa làm đơn...”.

Khát khao của người... chuyển giới - 1

Ca sĩ chuyển đổi giới tính Thanh Mai - Ảnh do nhân vật cung cấp

Khát khao tìm lại mình

Ca sĩ Thanh Mai, một người đã chuyển giới, tâm sự “thành con gái hết rồi mà tên đàn ông cũng kỳ”. Cô Mai kể: “Nhiều khi bị cảnh sát giao thông bắt lại. Mấy ảnh nhìn mình là con gái nhưng khi đưa giấy tờ ra mấy ảnh giật mình hỏi “ủa sao kỳ vậy?”. Bằng lái, chứng minh nhân dân... là hình con gái nhưng tên đàn ông...”.

Cô Phương Trinh cho biết cô đã đưa khoảng 60 người sang Thái Lan chuyển giới. Cô Trinh kể: “Những người đi phẫu thuật lúc nào cũng muốn thành một phụ nữ hoàn hảo. Sau khi nghe cô Phạm Lê Quỳnh Trâm được xác nhận chuyển giới, mọi người xôn xao đi nhiều nơi hỏi nhưng chưa được. Mười người tôi đưa qua Thái Lan phẫu thuật thì mười chị nói bác sĩ cho cái giấy xác nhận đã “làm” để về chuyển đổi giới. Họ chỉ khoảng đôi mươi, rất khao khát tìm lại con người của mình”.

Cần luật hóa cho phép chuyển đổi giới tính

Xác định lại giới tính là một trong những quyền nhân thân của công dân. Theo điều 36 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như tinh thần của nghị định 88/2008/NĐ-CP, cá nhân có quyền được xác định lại giới tính và được sống theo đúng giới tính của mình. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác về giới tính mà cần có sự can thiệp của y học. Do vậy những người được xác định lại giới tính theo hai trường hợp nói trên đương nhiên sẽ được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xác định lại giới tính và tiến hành chỉnh sửa các giấy tờ nhân thân cho phù hợp.

Đối với những trường hợp chuyển đổi giới tính khác, người thực hiện sẽ gặp nhiều rắc rối và trên thực tế không thể chỉnh sửa các giấy tờ nhân thân để phù hợp với giới tính mới của mình vì pháp luật VN cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính (khoản 1, điều 4, nghị định 88). Những người này không được pháp luật ủng hộ cũng như bảo vệ. Tất cả giao dịch liên quan đến giấy tờ nhân thân của họ hầu như không thực hiện được và bản thân họ sẽ gặp sự kỳ thị từ xã hội.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận việc chuyển đổi giới tính và công nhận giới tính cho những người bình thường muốn chuyển đổi, do vậy VN cũng cần luật hóa những trường hợp này nhằm mở cho những người chuyển đổi giới tính một cuộc sống bình thường hòa nhập cộng đồng cũng như bảo vệ họ trong khuôn khổ quy định pháp luật.

Pháp luật VN cần có những quy định điều chỉnh đối với những người có giới tính bình thường nhưng lại phẫu thuật chuyển đổi giới tính để họ đảm bảo quyền công dân của mình trong các giao dịch dân sự. Họ cũng phải có quyền được tự do kết hôn như mọi công dân khác và làm giấy khai sinh cho con (nếu có), được nhận nuôi con nuôi... Luật cũng cần quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của những người chuyển đổi giới tính như một công dân bình thường, chẳng hạn quyền được ứng cử hay bầu cử, thực hiện nghĩa vụ của một công dân đối với Nhà nước như tham gia nghĩa vụ quân sự...

NGUYỄN THANH XUÂN (Phó trưởng phòng tư pháp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Bình (Tuổi Trẻ)
Chuyển giới ở Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN