Người giữ bí quyết “độc" cưa đổ con gái Cơ Tu

Ông A Tùng Vẽ (94 tuổi, thôn Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) là người được truyền tụng còn lưu giữ bí quyết “độc nhất” để có thể “cưa đổ” người con gái Cơ Tu về làm vợ.

Từ trung tâm TP. Đà Nẵng, chúng tôi vượt chặng đường dài lên huyện miền núi Đông Giang tìm ông A Tùng Vẽ. Mặc dù đã 94 tuổi nhưng ông A Tùng Vẽ còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Thấy có khách dưới xuôi lên thăm, ông mừng rỡ ra bắt tay mời vào trong nhà. Cũng giống như nhiều lần chúng tôi lên huyện miền núi Đông Giang, bà con đồng bào Cơ Tu ở đây rất hiếu khách. Trải chiếc chiếu mời ngồi, ông A Tùng Vẽ vội xuống nhà dưới tìm lựa những trái thơm to, tươi ngon lên khoe: “Chẳng mấy khi có khách đến nhà nên quý hóa lắm! Già mới đi rẫy hái thơm về, các cháu ngồi chơi để già gọt mời dùng cho vui.”

Trong buổi trò chuyện, khi chúng tôi tò mò nhắc đến “bí quyết” mà nhiều người nói cưa đổ con gái Cơ Tu, ông A Tùng Vẽ cười món mém nói: “Ô rồi, các cháu cũng muốn lấy vợ Cơ Tu sao? Bí quyết mà mọi người truyền tụng chỉ là…”

Bỏ lửng câu nói giữa chừng, ông A Tùng Vẽ tìm đến chiếc bàn thờ giữa nhà dở những chiếc bao đen bọc kĩ lấy ra một thanh trúc có đục lỗ nhìn giống chiếc sáo. Thấy chúng tôi có vẻ như đoán ra được dụng cụ đang cầm, ông A Tùng Vẽ vội giải thích: “Nhìn nó giống chiếc sáo, chiếc tiêu ở dưới xuôi lắm đúng không? Già nói cho nghe không phải đâu. Đều được cấu tạo bằng cây tre và cây trúc nhưng khoét chỉ có 5 lỗ, phải chọn những cây có thân mỏng, sáng làm để thẩm âm tốt.”

Người giữ bí quyết “độc" cưa đổ con gái Cơ Tu - 1

Ông A Tùng Vẽ cùng cây kèn Ahnen

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài 5 lỗ được khoét trên thân thì ở một đầu có miếng su chặn lại, ngay phía trên có một lỗ nhỏ được khoét để nhã âm.

Ông A Tùng Vẽ nói: “Tên loại nhạc cụ này là Ahnen, ý nghĩa là tình yêu. Nó chính là bí quyết mà mọi người truyền tụng đấy thôi. Chính ông nội của già đã sáng tạo ra cây kèn này rồi lấy tên là Ahhen, ông nội truyền lại cách làm cho cha, đến đời của già là người duy nhất còn biết cách làm và thổi được nó để dạy lại cho mọi người. Ngoài sáng tạo cây Ahnen, ông nội già còn sáng tạo ra lời nhạc dùng để thổi khi chàng trai Cơ Tu muốn bày tỏ tấm lòng mình cho người con gái mình thích, mình yêu thương. Tiếng Ahnen cất lên bất cứ lúc nào như réo gọi người nghe hãy đến đây, đến đây vui vầy. Đặc biệt, mừng lúa mới và các lễ hội hằng năm của người Cơ Tu, chiếc kèn Ahnen càng không thể thiếu để cất cao âm thanh trong trẻo của mình.”

Ngồi bên cạnh chúng tôi, bà A Lăng Thị Blon (82 tuổi) cười tươi khi nghe chồng mình là ông A Tùng Vẽ nhắc đến cây kèn Ahnen. “Ngày xưa bà ấy mê tiếng Ahnen của già rồi về làm vợ đấy! Khi đó, cứ mỗi mùa gặt lúa trên rẫy, già lại lấy cây kèn Ahnen ra thổi rồi bà ấy mê. Đáp lại những tháng ngày mong ngóng, thổi tiếng kèn Ahnen, bà ấy đến bên già và nói: “Em chỉ lấy anh thôi không lấy ai khác đâu!” Câu chuyện xảy ra dù đã lâu nhưng mỗi lần nhắc lại như mới hôm qua thôi!” – Ông A Tùng Vẽ cười vui kể lại.

Người giữ bí quyết “độc" cưa đổ con gái Cơ Tu - 2

Ông A Tùng Vẽ thổi kèn Ahnen bên người vợ A Lăng Thị Blon

Để chúng tôi “mắt thấy tai nghe”, ông A Tùng Vẽ tìm đến chiếc giường trong nhà lấy chiếc áo bộ đội khoác lên người rồi thổi. Tiếng kèn Ahnen cất cao nhạc lên, lúc nhẹ nhàng êm dịu, lúc rầm rì bỗng ngân xa rộn ràng. Mỗi nhịp nhạc ông A Tùng Vẽ uốn người nhảy một vòng xung quanh chúng tôi làm những người hàng xóm xung quanh cũng tìm đến xem hào hứng.

“Nhớ ngày xưa, khi mọi người tìm về nhà Gươi tổ chức lễ hội, các cô gái đem rượu tà vạt ra mời. Bên bếp lửa nồng ấm, các chàng trai vừa nhảy vừa thổi tiếng kèn Ahnen như tâm sự nỗi lòng mà từ đó nhiều cặp thành vợ thành chồng. Chính vì thế, Ahnen đã tồn tại trong đời sống văn hóa bao đời của người Cơ Tu mà không bao giờ thiếu vắng với ý nghĩa tỏ tình với người con gái mình yêu! Cho đến bây giờ nhiều người vẫn còn truyền tụng nó chính là bí quyết cưa đổ con gái Cơ Tu về làm vợ là vì lẽ như thế!” – Ông A Tùng Vẽ nói.

Ông A Tùng Vẽ bộc bạch thêm, hiện nay nhiều thanh niên trai tráng biết đến cây kèn Ahnen, học làm và thổi được nó không có ai nữa, chỉ có những người lứa tuổi già của ông như ngày xưa là biết. Vậy nên, mong muốn tìm được người để truyền dạy lại kĩ thuật, một nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào mình cho thế hệ trẻ vẫn rạo rực trong ông A Tùng Vẽ mỗi ngày cho đến khi khuất núi...

Video: Ông A Tùng Vẽ biểu diễn một bài nhạc tỏ tình với cây kèn Ahnen

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Tâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN