Người Do Thái bị bài xích vì Israel tấn công Gaza

Cuộc xung đột tại Gaza đang khiến làn sóng bài Do thái trên khắp châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn, các mối đe dọa, sự thù hận và thậm chí là các vụ tấn công bạo lực đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều quốc gia.

Tại Đức, một loạt các vụ chống người Do Thái đã xảy ra sau khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự tấn công dữ dội vào dải Gaza khiến hàng trăm dân thường Palestine thiệt mạng.

Tuần trước, cảnh sát tại Wuppertal, thành phố miền Tây nước Đức đã bắt giữ hai thanh niên bị nghi ném bom vào một giáo đường Do Thái mới trong thành phố, rất may là không ai bị thương trong vụ ném bom này.

Cảnh sát Đức cho hay một giáo sĩ Do Thái đã bị một kẻ nặc danh gọi điện đe dọa sẽ giết chết 30 người Do Thái nếu như gia đình của người này ở Gaza bị làm hại.

Một chuỗi các sự cố trên xảy ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel lên án các bài thánh ca chống người Do Thái từ những người ủng hộ Palestine, trong khi đó Tổng thống Joachim Gauck đã kêu gọi người Đức “hãy lên tiếng nếu như chủ nghĩa bài Do Thái xuất hiện hiên ngang trên đường phố.”

Nhưng ngay cả khi cảnh sát kiểm soát chặt chẽ những người biểu tình, cấm các khẩu hiệu nhằm vào người Do Thái, thì chủ nghĩa bài Do Thái đang lan rộng không chỉ ở Đức mà còn ở các nước châu Âu đã khiến cộng đồng người Do Thái không khỏi lo ngại.

Trong những tháng gần đây, ngày càng có nhiều người Do Thái rời Pháp do lo ngại các vụ tấn công. Kể từ khi diễn ra cuộc xung đột tại Gaza, những người theo chủ nghĩa bài xích Do Thái đã đổ ra trên khắp các đường phố.

Trong khi hầu hết những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine diễn ra trong hòa bình, thì có một số người biểu tình đã có hành vi bạo lực, rất nhiều người trong số đó là những thanh niên A-rập, nhằm vào mục tiêu là những hộ kinh doanh hay giáo đường Do Thái.

Người Do Thái bị bài xích vì Israel tấn công Gaza - 1

Những người biểu tình chống người Do Thái tại Paris, Pháp với biểu tượng của Đức quốc xã.

Trong khi đó dư luận Pháp cũng lên tiếng ủng hộ việc cần phải ngăn chặn chủ nghĩa bài Do Thái trong một bộ phận thanh niên người Hồi giáo của đất nước.

Ngay như một đất nước có lịch sử khoan dung như Italia, chủ nghĩa bài Do Thái cũng đã xuất hiện trên các đường phố của Rome. Trong tuần qua, những cánh cửa sổ của các cửa hàng của người Do Thái tại một số khu vực đều bị vẽ hình chữ thập ngoặc, biểu tượng của Đức quốc xã, hay những mảnh giấy có ghi “Đốt giáo đường Do Thái” và “Ngày tận cùng của những người Do Thái sắp tới gần”. Cảnh sát nghi ngờ những kẻ cực đoan cánh hữu cùng với những người ủng hộ Palestine đã thực hiện hành vi này.

Còn tại Áo, vào cuối tuần trước, trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Maccabi Haifa của Israel và Paderborn của Đức đã phải chuyển tới một nơi an toàn hơn sau khi một nhóm thanh niên mang cờ Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ quát tháo và tấn công các cầu thủ trong trận đấu trước đó.

Nhằm ủng hộ cộng đồng người Do Thái tại quốc gia mình các tờ báo nổi tiếng, các chính trị gia và các ngôi sao ở Áo và Đức đã vào cuộc và kêu gọi một chiến dịch mang tên “Hãy lên tiếng”. Tuy nhiên giáo sư Samuel Salzborn tại đại học Göttingencủa Đức cho biết, ông không tin rằng những nỗ lực này có thể thay đổi quan điểm của công chúng. Giáo sư Samuel Salzborn nói: “Tôi không tin nỗ lực này  có thể thu được nhiều kết quả. Rõ ràng có một sự thờ ơ lớn trong công chúng với việc chống chủ nghĩa bài Do Thái.”

Còn với cộng đồng hơn 100.000 người Do Thái tại Đức, sự bùng phát của chủ nghĩa bài Do Thái kể từ khi cuộc xung đột tại Gaza nổ ra khiến rất nhiều người cảm thấy lo sợ và điều này làm họ liên tưởng tới những ký ức đau thương trong quá khứ, đến mức rất nhiều người Do Thái đang muốn rời bỏ nước Đức.

Cô Carola Melchert-Arlt, hiệu trưởng của một ngôi trường tiểu học tại Đức và mẹ của 3 đứa trẻ cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ sống tại quốc gia này cô cảm thấy lo sợ. Mẹ của cô khuyên cô nên ngừng đeo chiếc vòng có hình Star of David, biểu tượng của Do Thái trên cổ, một vật gia truyền của bà ngoại cô để lại. Các lễ hội của người Do Thái cũng không còn diễn ra như trước, và nhiều lúc cô tự hỏi liệu người Do Thái có thực sự được chào đón ở Đức.

“Chúng tôi luôn cảm thấy chủ nghĩa bài Do Thái tiềm ẩn ở đây. Nhưng những gì chúng tôi phải trải qua trong những ngày, những tuần gần đây không chỉ ở Đức mà trên khắp châu Âu thật sự rất đáng sợ.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Nhung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN