Người cuối cùng ném bom hạt nhân xuống Hiroshima qua đời

Nhân chứng cuối cùng của Mỹ về vụ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima qua đời ở tuổi 93.

Ngày 30/7, người lính Mỹ cuối cùng trên chiếc máy bay đã ném quả bom nguyên tử định mệnh xuống Hiroshima năm 1945 đã qua đời, để lại đằng sau những câu hỏi lớn về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh của loài người.

Ông Theodore “Dutch” VanKirk qua đời ở tuổi 93 tại nhà dưỡng lão Park Springs, bang Georgia, Mỹ, nơi ông đã sống những năm tháng cuối đời với câu hỏi lớn “Hành động của mình đúng hay sai”.

Người cuối cùng ném bom hạt nhân xuống Hiroshima qua đời - 1

Ông VanKirk, người cuối cùng trên chiếc B-29 ném bom hạt nhân xuống Hiroshima

Ở tuổi 24, VanKirk là hoa tiêu trên chiếc Enola Gay – pháo đài bay B29 của không quân Mỹ đã thả quả bom nguyên tử “Little Boy” xuống Hiroshima vào ngày 6/8/1945. Qủa bom phát nổ lúc 8h15 sáng hôm đó, sát hại 140.000 người – gần một nửa dân số của thành phố cảng ở miền nam Nhật Bản. Khoảng 70.000 khác chết dần chết mòn sau đó vì hậu quả khủng khiếp của phóng xạ.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người bom hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” được thả xuống Nagasaki, giết hại từ 70.000 đến 80.000 người vô tội.

Sau khi hứng chịu 2 quả bom nguyên tử đó, cùng với sự tuyên chiến của Liên Xô, đế quốc Nhật tuyên bố đầu hàng vào ngày 15/8/1945, đánh dấu sự kết thúc của Thế Chiến II.

Sứ mệnh ám ảnh

VanKirk cùng với phi công Paul Tibbets, oanh tạc viên Tom Ferebee là những người trong phi hành đoàn 12 thành viên của chiếc Enola Gay. Với vai trò là hoa tiêu, ông đã định hướng cho chiếc pháo đài bay hướng thẳng tới Hiroshima và thả xuống quả bom nặng hơn 4 tấn xuống thành phố, nơi người dân vẫn còn đang say giấc nồng trong một đêm thời chiến.

Người cuối cùng ném bom hạt nhân xuống Hiroshima qua đời - 2

Phi hành đoàn tên chiếc Enola Gay thả bom hạt nhân xuống Hiroshima

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, ông VanKirk kể lại rằng chiếc pháo đài bay B-29 đã xóc nảy lên và tạo ra một âm thanh như những tấm kim loại văng vào nhau sau khi quả bom phát nổ.

Ông cho biết: “Ngay sau khi cảm nhận được làn sóng xung kích thứ hai, chúng tôi vòng lại để quan sát và nhìn thấy đám mây khổng lồ nơi đã từng là thành phố Hiroshima. Cả thành phố bị bao phủ bởi khói bụi, giống như một nồi nhựa đường đen kịt đang sôi sùng sục. Bạn có thể nhìn thấy những ngọn lửa bùng lên ở rìa thành phố.”

Vũ khí gây tranh cãi

Việc Mỹ lần đầu tiên và là duy nhất cho đến nay sử dụng bom hạt nhân trong chiến tranh đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong suốt 70 năm qua.

VanKirk cho biết vụ ném bom này đã khiến ông cảm thấy “nhẹ nhõm” vì nó đã góp phần kết thúc chiến tranh mà không khiến hàng ngàn sinh mạng lính Mỹ khác mất đi nếu phải đổ bộ tấn công vào Nhật Bản.

Thế nhưng, các nhà sử học vẫn đang tranh luận về việc liệu vụ ném bom đó có thực sự chấm dứt Thế Chiến II một cách chóng vánh hay không, hay Nhật tuyên bố đầu hàng sớm chỉ vì sự can thiệp của Liên Xô.

Người cuối cùng ném bom hạt nhân xuống Hiroshima qua đời - 3

Hiroshima trở thành bình địa sau khi quả bom phát nổ

Hậu quả của hai vụ ném bom là hàng trăm ngàn người dân vô tội tại hai thành phố đông đúc của Nhật Bản thiệt mạng, và hàng chục ngàn người khác chết trong đau đớn vì ung thư hoặc các triệu chứng của nhiễm xạ.

Về phần mình, ông VanKirk cho rằng mặc dù ông tin bom nguyên tử đã cứu vớt nhiều sinh mạng Mỹ và cả Nhật Bản, song nó vẫn khiến ông ám ảnh khôn nguôi về chiến tranh.

Ông nói: “Cả cuộc Thế Chiến II cho ta thấy chiến tranh không thể giải quyết bất cứ điều gì, và bom nguyên tử cũng vậy. Cá nhân tôi cho rằng bom nguyên tử không nên tồn tại trên thế giới, và tôi muốn thấy thứ vũ khí này bị loại bỏ”.

Một năm sau khi chiến tranh chấm dứt, VanKirk giải ngũ và theo học ngành kỹ sư hóa hóa học trước khi đầu quân cho hãng DuPont, nơi ông làm việc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1985.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AP, Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN