Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết”

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Khuất sau những ngọn đồi heo hút ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có một ngôi làng nhỏ nằm tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, ở đó có những phận người “sống để chờ chết” bởi họ mang trong mình căn bệnh quái ác.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 1

Trại phong Đá Bạc nằm khuất sau những ngọn đồi heo hút, ít người qua lại của xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ít ai biết rằng dãy nhà cấp 4 xập xệ, hoang phế này lại là nơi sinh sống của hơn chục phận già hẩm hiu, mang trong mình căn bệnh phong quái ác.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 2

Trại phong trước kia thuộc sự quản lý của Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Năm 2013, trại được di dời đi nơi khác, nhưng hơn 10 bệnh nhân ấy đã xin ở lại để lo hương khói cho những người đã mất, chấp nhận cuộc sống không có sự trợ cấp của Nhà nước.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 3

Từ đó tới nay, cuộc sống của họ ngày càng rơi vào cảnh túng thiếu và nghèo đói, mọi sinh hoạt của họ đều phụ thuộc vào những tấm lòng hảo tâm. Nhưng nỗi vất vả của cuộc sống thiếu thốn chẳng là gì khi so sánh với nỗi buồn phải cách ly với xã hội, với gia đình, người thân.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 4

 Bà Lê Thị Liên (81 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đến giờ vẫn thấy xót xa khi nhớ lại quãng thời gian đằng đẵng những bệnh nhân trong trại bị người đời hắt hủi, xa lánh vì thiếu hiểu biết, thiếu sự cảm thông khiến trại phong Đá Bạc trở nên “vô hình” giữa cộng đồng. “Thường ngày chúng tôi chỉ biết nói chuyện với nhau và nghe đài radio, thế nên lúc nào cũng thèm có người đến chơi lắm”, bà Liên tâm sự.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 5

 Căn phòng của cụ Liên cũng giống như 10 bệnh nhân khác ở đây, chúng sơ sài, trống trải. Một chiếc giường cũ kỹ kê ngay cửa ra vào, một bàn uống nước nhỏ, một bộ ấm chén cũ mèm, cạnh giường là chiếc tủ gỗ cũ đã hỏng. Thế nhưng khi có khách đến chơi, các bà lại đon đả đi hái quả mướp, mớ rau nấu cơm mời bằng được mới thôi.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 6

Gần nửa thế kỷ trú chân tại trại phong Đá Bạc, bà Nguyễn Thị Sợi coi nơi đây là chốn nương tựa đến cuối đời mình. “Khi trại rời đi, dù buồn và cô đơn lắm nhưng tôi vẫn xin ở lại bởi đã quen với không khí ở đây”, bà Sợi kể.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 7

Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hằng ngày, các cụ vẫn tự lao động, tự cuốc đất và trồng đủ các loại rau củ như mướp, bí, rau ngót, rau muống….

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 8

Dãy nhà ẩm thấp, hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng nhưng với họ nơi đây là nhà, nơi họ gắn bó cả cuộc đời cho dù số phận là chuỗi những câu chuyện buồn nối tiếp.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 9

Bà Nguyễn Xuân Vui nay đã 80 tuổi, quê ở Sóc Sơn (Hà Nội) đã từng điều trị ở trại phong Đá Bạc từ năm 1961. Bà Vui tự thấy mình may mắn hơn những người bạn ở đây bởi bà còn có con, cháu làm chỗ dựa khi tuổi già. Nhưng nhớ bạn, thỉnh thoảng bà lại đến đây thăm mọi người.

Ngôi làng hoang phế của những phận người “sống để chờ chết” - 10

Hơn mười phận già hẩm hiu sống trong sự mặc cảm, tủi thân với đời bởi mang trong mình căn bệnh phong quái ác, dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng họ vẫn phải tự lo cho mình từ miếng cơm manh áo hàng ngày và xót xa cho thân phận “sống để chờ chết” của mình.

Rùng mình chuyện đào lên hàng nghìn hài cốt bệnh nhân phong

"Hàng nghìn hài cốt lẫn trong đất. Mỗi lần xúc đất xót ruột lắm, chỗ xương chân, chỗ xương tay... Những hài cốt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình An (Dân Việt)
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN