Nghiệt ngã nghề đi biển: Cướp “miếng ăn” của thần biển

Theo quan niệm dân gian, thần biển muốn mang ai đi thì làm cho người đó chết đuối, ai cứu sẽ bị trừng phạt. Dù vậy, nhiều ngư dân vẫn bất chấp lời nguyền, quyết giành giật “miếng ăn” của thần biển.

Luồn lách qua những con phố nhỏ san sát nhà cửa ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi may mắn gặp được anh Nguyễn Văn Tuy (SN 1971), người dám chống lại lời nguyền của thần biển khi cứu tới 14 người gặp nạn sắp bỏ mạng trên biển.

Mạng người là vốn quý

Đó là một ngày biển động đầu năm 2013, anh Tuy đang dong thuyền ra khơi đánh cá thì thấy 3 người đàn ông ôm thùng xốp dập dềnh trên mặt biển, khản giọng kêu cứu. Lập tức, anh Tuy đánh thức những ngư dân trên thuyền rồi cùng quăng dây kéo 3 người bị nạn lên.

Các nạn nhân là ngư dân xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trôi dạt nhiều ngày do tàu bị chìm. Nghe 3 ngư dân nói còn 5 người đi cùng đang lặn ngụp trên biển nên anh Tuy cho tàu tiếp tục tìm kiếm. Bốn người nữa được tìm thấy, người còn lại vẫn mất tích. “Lúc đó, tôi không màng chuyện làm ăn nữa, chỉ nghĩ cứu người. Chạy thêm khoảng 2 hải lý, tàu phát hiện nạn nhân cuối cùng đã nguy kịch nên lập tức vớt lên sơ cứu nhưng anh không qua khỏi” - anh Tuy nói, giọng chùng lại.

Nghiệt ngã nghề đi biển: Cướp “miếng ăn” của thần biển - 1

Ngư dân Nguyễn Văn Tuy, người “cướp cơm của thần biển” Ảnh: TUẤN MINH

Lẽ ra phải tiếp tục ra khơi nhưng do trên tàu có người chết nên anh Tuy cho tàu vào bờ để ngư dân xấu số được yên nghỉ. Chuyến đó, tàu của anh Tuy thiệt hại cả trăm triệu đồng. Không những thế, một số ngư dân đã bỏ sang tàu khác vì không dám đi cùng “người giành giật miếng cơm của thần biển”. “Vợ chồng tôi rất buồn nhưng nếu lại gặp người bị nạn thì vẫn tiếp tục cứu vì mạng người là vốn quý, thấy chết mà làm ngơ thì khác gì không có lương tâm” - anh Tuy chia sẻ.

Sau lần cứu người trôi trên biển đó, tàu của anh Tuy ra khơi nhiều chuyến nhưng thu được rất ít tôm cá khiến lời đồn anh bị thần biển trừng phạt càng có cơ sở. Rồi chẳng ngư dân nào dám đi biển cùng anh nữa khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Dù vậy, anh Tuy vẫn quyết không “thỏa hiệp” với thần biển.

Ngày 2-3-2013, sau Tết Nguyên đán ít ngày, ngay chuyến đi “mở hàng” năm mới, anh Tuy lại cứu sống 7 ngư dân ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc bị chìm tàu. “Sau 2 giờ vật lộn với sóng biển, chúng tôi đã cứu được 7 ngư dân, còn 1 người bị sóng đánh mất tích” - anh Tuy nói.

Nương tựa vào nhau

18 giờ ngày 30-6-2014, tàu QNg 90079 TS của ông Nguyễn Xu (45 tuổi; ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang trên đường ra Hoàng Sa đánh bắt thì nhận tin báo gần khu vực có tàu của ngư dân Võ Xuân Hiếu bị sóng đánh chìm. “Liên tục 2 ngày 2 đêm, chúng tôi thay phiên nhau thức tìm người trên biển. Đến chiều 1-7 thì thấy 2 người quần áo rách tơi tả đang bám víu trên một phuy nước trong tình trạng kiệt sức, nói không thành tiếng” - ông Xu kể.

Sau khi vớt được 2 ngư dân đầu tiên, tàu ông Xu tiếp tục tìm kiếm khu vực xung quanh và vớt thêm 12 ngư dân khác. Những ngư dân bị nạn cho biết vẫn còn 3 người mất tích nên ông Xu cho tàu quần thảo và đến tối thì tìm thấy cả 3 đang nguy kịch, cột vào nhau để cùng chết chung.

Nghiệt ngã nghề đi biển: Cướp “miếng ăn” của thần biển - 2

Ngư dân đang tìm cách đưa vào bờ một tàu cá bị sóng đánh chìm trên biển Phú Yên Ảnh: HỒNG ÁNH

Sau khi cứu được 17 nạn nhân, ngư dân trên tàu ông Xu tất bật kẻ nấu cháo, người sơ cứu. “Trong số đó, có 2 ngư dân bị cá cắn nên sức khỏe rất yếu. May là chúng tôi đến kịp, nếu không họ đã bỏ mạng” - ông Xu nhớ lại.

Theo ông Xu, nghề đi biển, hiểm nguy luôn rình rập nên ngư dân phải nương tựa, cứu giúp lẫn nhau chứ không thể trông chờ vào sự cứu giúp của các lực lượng ở đất liền. “Có những chuyến nếu không có tàu bạn cứu chắc chúng tôi đã bỏ mạng, thân xác nằm sâu ở đáy biển lạnh lẽo…” - thuyền trưởng Nguyễn Xu tâm sự.

Cùng sinh cùng tử

Theo ông Lương Luận, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), câu cá ngừ đại dương phải ra vùng biển cách bờ ít nhất trên 100 hải lý nên mỗi khi gặp nạn thì rất khó khăn trong công tác cứu hộ vì tàu của Hải đội 2 Phú Yên chỉ có thể ra xa bờ tối đa khoảng 80 hải lý.

“Tàu cứu hộ của Cảnh sát biển hay hải quân thường phải tốn nhiều thời gian để xin lệnh trong khi những sự cố như chìm tàu, tàu hỏng máy cần phải cứu gấp. Vì vậy, ngư dân phải tự cứu mình là chính” - ông Luận nói.

Tuy nhiên, theo ngư dân Nguyễn Văn Hồng (ngụ phường Phú Đông), tàu cá tự cứu nhau là việc không đơn giản. Khi cứu hộ, tàu cá không chỉ tốn kém tiền dầu mà chi phí cả chuyến biển bị mất, chủ tàu còn mất thêm tiền trả công thuyền viên. Đặc biệt, 1 tàu cá sẽ khó kéo tàu cá bị nạn về đất liền vì không đủ công suất, nếu không quen làm, có khi còn gặp nguy hiểm nên ngư dân “ngại” cứu hộ.

“Vì thế, chúng tôi thành lập các tổ tàu thuyền an toàn. Trung bình, mỗi tổ có từ 6 - 12 tàu cá là anh em, dòng họ, cùng xóm làng với nhau. Khi ra mắt, chúng tôi cam kết cùng sinh cùng tử, được mùa hay hoạn nạn đều có nhau. Khi ra khơi thì anh em trong tổ đánh bắt gần nhau để có thể kịp thời giúp đỡ khi xảy ra sự cố” - ông Hồng cho biết.

Hiện Phú Yên có trên 100 tổ tàu thuyền an toàn. Cũng nhờ hoạt động theo tổ đội mà không ít ngư dân thoát chết khi gặp nạn trên biển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Minh - Tử Trực - Hồng Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN