Ngắm tàu đường sắt trên cao Cát Linh–Hà Đông sắp về VN

Hiện tại, mẫu tàu chạy trên đường sắt trên cao, tuyến Cát Linh- Hà Đông đã được chế tạo xong, đang hoàn thiện để đóng gói. Dự kiến, trong nửa cuối tháng 10.2015, tàu sẽ được chuyển về Việt Nam để trưng bày, lấy ý kiến nhân dân.

Ban Quản lý Dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đã cơ bản thống nhất với Tổng thầu Trung Quốc các nội dung của phụ lục hợp đồng mua sắm thiết bị, đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).

Ngắm tàu đường sắt trên cao Cát Linh–Hà Đông sắp về VN - 1

Mẫu tàu chạy đường sắt trên cao tuyến Cát Linh, Hà Đông. Dự kiến, trong nửa cuối tháng 10.2015, tàu sẽ được chuyển về Việt Nam để trưng bày, lấy ý kiến nhân dân.

Theo đúng tiến độ, đến cuối tháng 10.2015, tổng thầu phải đảm bảo có một đoàn tàu mẫu về Việt Nam. Sau đó, từ tháng 4 – 6.2016, số đoàn tàu còn lại sẽ được đưa tiếp về Việt Nam để vận hành thử.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp kiểm điểm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới đây, Tổng thầu Trung Quốc cho hay, trong tháng 10.2015 sẽ chỉ đưa một toa tàu mẫu về Việt Nam chứ không phải là 1 đoàn tàu.

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, sau khi được đưa về Việt Nam, đoàn tàu mẫu sẽ được trưng bày để người dân tham quan, đóng góp ý kiến trước khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho hay, tàu mẫu mô phỏng tỷ lệ 1/1 về hình dáng kết cấu, nội ngoại thất.  37 học viên lái tàu đợt 1 hiện đang trong giai đoạn lái thử thực tế trên một số tuyến đường đang khai thác tại Bắc Kinh để chuẩn bị thi tốt nghiệp và hoàn thành khóa học vào tháng 11.2015. Các khóa đào tạo chuyên ngành khác cũng đang được triển khai.

Ngắm tàu đường sắt trên cao Cát Linh–Hà Đông sắp về VN - 2

Nội thất bên trong toa tàu

Ngắm tàu đường sắt trên cao Cát Linh–Hà Đông sắp về VN - 3

Hệ thống bảng điều khiển phía trước của con tàu

Ngắm tàu đường sắt trên cao Cát Linh–Hà Đông sắp về VN - 4

Đèn LED chỉ dẫn hướng đi dành cho hành khách

Theo kế hoạch, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ mua sắm 13 đoàn tàu, loại B1 của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ, với giá trị hơn 63 triệu USD.

Các đoàn tàu này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Beijing Rolling Stock Equipment Co., Ltd) sản xuất. Đoàn tàu hoạt động trên tuyến đường sắt này với tốc độ không cao, không đòi hỏi thiết kế khí động học nhưng vẫn cần dáng vẻ hiện đại, năng động với màu sắc, họa tiết trang trí trẻ trung, đậm đà bản sắc văn hóa thủ đô văn hiến nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30.5.2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư ngày 15.10.2008.

Dự án khởi công tháng từ 10.2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý 1 năm 2016 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về mặt bằng, điều chỉnh vốn, dự án phải lùi tiến độ đến 6.2016 mới chính thức đưa vào vận hành thương mại. Về tổng mức đầu tư của dự án, sau khi điều chỉnh tăng thêm 315 triệu USD, tổng mức dự án đến thời điểm này vào khoảng 868,04 triệu USD.

Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80/km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN