Mỹ sẽ làm gì nếu Nga đưa quân vào Ukraine

Một điều rõ ràng hiện nay là không một quốc gia phương Tây nào dám đưa ra đề xuất về sử dụng vũ lực để chống lại Nga ở Ukraine.

Ngày 2/3, các nước phương Tây đang rất lo lắng trước khả năng Nga sẽ đưa quân tiến vào Ukraine sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn đề xuất can thiệp quân sự vào Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin, và họ đang suy tính các biện pháp đối phó nếu Nga thực hiện kế hoạch này.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay có thể là một bước ngoặt lớn trong chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama, buộc ông này phải từ bỏ chiến lược trục châu Á đang theo đuổi bấy lâu và tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu để ngăn chặn bàn tay của Nga.

Mỹ sẽ làm gì nếu Nga đưa quân vào Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Obama đang đau đầu với biện pháp đối phó Nga ở Ukraine

Và những vấn đề hiện nay ở Ukraine cũng có thể sẽ gieo rắc những hoài nghi và ác ý trên hai mặt trận an ninh nóng bỏng nhất hiện nay của Mỹ, đó là Syria và Iran, nơi Nga đang trở thành một đối tác không thể thiếu được của phương Tây.

Tổng thống Nga Putin không hề tỏ ra một dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ lưu tâm đến những cảnh báo quyết liệt của phương Tây trong vấn đề Ukraine. Hàng trăm người mang vũ khí vẫn bao vây phong tỏa một căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea, nơi có tới 60% dân số là người Nga. Trong khi đó, tại Kiev, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk lại cảnh báo với phương Tây rằng “chúng tôi đang trên bờ vực thảm họa”.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Obama cho biết họ tin rằng hiện nay Nga đã hoàn tất việc kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea cũng như hơn 6000 binh sĩ Ukraine được điều động tới khu vực này. Mỹ cũng đang theo dõi sát sao tình hình ở các tỉnh khác thuộc miền đông Ukraine, mặc dù quân đội Nga hiện vẫn chưa di chuyển ra ngoài bán đảo Crimea.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì cho biết ông đã tham vấn với các nguyên thủ khác trên thế giới, và “tất cả họ đều sẵn sàng làm mọi việc để cô lập Nga nếu họ ‘xâm lược’ Ukraine”. Hôm qua, Tổng thống Obama đã trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski về các biện pháp đối phó với Nga.

Thứ Ba tới đây, Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ bay sang Kiev để gặp gỡ các quan chức trong chính phủ lâm thời Ukraine, và trong cả tuần này Mỹ sẽ chỉ tập trung vào việc đưa ra gói cứu trợ kinh tế cho Ukraine.

Tối qua, Nhà Trắng đã thay mặt G-7 ra một thông báo cho biết G-7 đã hủy bỏ kế hoạch tham gia một hội nghị quốc tế được tổ chức ở Nga vào mùa hè này. Trong thông báo này, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh đều chỉ trích Nga đã “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, vi phạm “nguyên tắc và giá trị” của G-7 và nhóm tám nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có Nga.

Mỹ sẽ làm gì nếu Nga đưa quân vào Ukraine - 2

Nhiều binh sĩ Nga đã được triển khai ở căn cứ quân sự Sevastopol, Crimea

Tại Brussels, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố hành động của Nga đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, và NATO đang đánh giá lại quan hệ của khối này với Nga.

Ngoài các biện pháp cấm vận kinh tế và thị thực, đóng băng tài sản Nga ở nước ngoài, trừng phạt thương mại và đầu tư, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Nga có thể sẽ bị loại khỏi nhóm tám cường quốc thế giới nếu họ tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hỗ trợ về tài chính cho Ukraine, đổi lại nước này phải thực hiện các cải cách cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản.

Trong khi đó, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính phủ tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Theo ông Kerry, Nga sẽ “gặp phải những khó khăn rất lớn trong dài hạn. Người dân Ukraine sẽ không chịu khoanh tay ngồi nhìn, và họ biết cách phải chiến đấu như thế nào.”

Tuy nhiên, mặc dù đưa ra rất nhiều tuyên bố hùng hồn như trên, song điều dễ nhận thấy hiện nay là tất cả các quốc gia phương Tây đều không sẵn sàng dùng lực lượng quân sự để đáp trả Nga tại Ukraine.

Khi bàn về một cuộc đánh trả quân sự nhắm vào lực lượng Nga ở Crimea, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã lắc đầu: “Tôi cho rằng không có người nào ủng hộ phương án đó.” Một quan chức trong chính quyền Mỹ cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ không tính đến phương án quân sự để chống lại Nga, vì hiện nay chính quyền Obama chỉ tập trung vào các nỗ lực chính trị, kinh tế và ngoại giao.

Thượng nghị sĩ Rubio cho rằng Mỹ sẽ rất khó có thể “ghìm cương” Nga. Ông cho rằng Putin đã “cân nhắc thiệt hơn trước khi hành động”. Ông nói: “Tổng thống Putin đã cân nhắc cái giá phải trả cho những hành động đó, và rõ ràng ông ta đã kết luận rằng Nga sẽ thu được nhiều lợi ích hơn ở Ukraine. Chúng ta cần phải nỗ lực để làm Putin thay đổi cách tính toán đó.”

Theo ông Rubio, chính quyền Obama cần phải quay lại với những kế hoạch mà Mỹ đã từ bỏ vào năm 2009 nhằm bố trí các hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa và radar ở Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Kế hoạch này bị Mỹ từ bỏ sau khi Nga tin rằng chương trình phòng thủ tên lửa này nhắm vào hệ thống tên lửa của Nga và hủy hoại khả năng răn đe hạt nhân của họ. Trước phản ứng quyết liệt của Nga, Mỹ đã phải thay thế hệ thống này bằng các hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung, với mục tiêu ngăn chặn tên lửa từ Iran và Triều Tiên.

Mỹ sẽ làm gì nếu Nga đưa quân vào Ukraine - 3

Lực lượng dân quân phong tỏa một doanh trại quân đội Ukraine ở Crimea

Tuy nhiên các chuyên gia phân tích cho rằng tình trạng cắt giảm ngân sách quy mô lớn của quân đội Mỹ hiện nay có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng can thiệp của Mỹ ở châu Âu.

Lầu Năm Góc hiện đang xem xét cắt giảm tiếp các đơn vị quân sự đồn trú ở Đức vốn đã bị co hẹp rất nhiều trong thời gian qua. Hiện tại, Mỹ chỉ có 2 lữ đoàn với tổng số 10.000 quân đóng ở Đức, trong khi cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, số quân Mỹ đồn trú ở đây lên tới 200.000 người.

Ông Damon Wilson, Phó Chủ tịch cơ quan tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ cho rằng Mỹ phải sẵn sàng mọi nỗ lực ở Ukraine, kể cả việc phải hy sinh về mặt chính sách và ưu tiên chiến lược ở những nơi khác trên thế giới.

Ông Wilson nhận định: “Mỹ không được tiếp tục ảo tưởng rằng châu Âu là một nơi hòa bình, ổn định và không ẩn chứa nguy cơ an ninh đối với Mỹ.” Ông này cho rằng nếu Mỹ không có biện pháp kiềm chế Nga thì chắc chắn một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra ngay bên sườn của NATO.

Ông nói: “Đây là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Obama. Đây chính là sự thay đổi mang tính chất kiến tạo trong nhận thức về an ninh ở châu Âu đối với Mỹ.”

Theo ông Wilson, Mỹ có thể sẽ phải từ bỏ chiến lược chuyển dịch về châu Á để lại tiếp tục hướng trọng tâm của mình vào châu Âu nhằm đối phó với Nga.

Ông Wilson không cho rằng sự căng thẳng mới giữa Nga và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria và ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran, hai vấn đề nhức nhối mà Nga có tiếng nói vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, để tìm ra cách đối phó hiệu quả với Nga vẫn là vấn đề rất đau đầu đối với Mỹ và phương Tây. Nghị sĩ Mỹ Adam Schiff nhận định: “Thách thức hiện nay là Mỹ cần phải xây dựng một hình thức quan hệ hiệu quả với Nga. Mặc dù Mỹ có thể chấp nhận trả giá và thực hiện những biện pháp đối phó trên, song cần phải nhớ rằng Nga cũng có thể chấp nhận cái giá của chính họ.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN