Mỹ, Nga “choáng” với vũ khí hạt nhân của Trung Quốc

Việc trang bị JL-2 cho tàu ngầm chứng tỏ Trung Quốc đã phát triển được một loại tên lửa có thể phóng được cả từ trên bộ lẫn dưới biển khiến Mỹ vô cùng lo ngại.

Mới đây, cổng thông tin quân sự Sina của Trung Quốc cho hay sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí hạt nhân Trung Quốc đã khiến Mỹ và Nga “choáng váng” sau khi Bắc Kinh chế tạo thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân tên lửa dẫn đường Type 094 có khả năng tấn công các khu vực duyên hải nước Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân Type 094 dự kiến được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay, tuy nhiên vệ tinh của Mỹ đã chụp được ảnh loại vũ khí mới này trên vùng biển ngoài khơi thành phố Đại Liên. Đây là tàu ngầm có thể mang theo tới 16 tên lửa đạn đạo JL-2 gắn đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 8.000 đến 12.000 km.

Mỹ, Nga “choáng” với vũ khí hạt nhân của Trung Quốc - 1

Tàu ngầm hạt nhân của hải quân Trung Quốc

Ông Nicolas Giacometti, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nhận định: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có khả năng răn đe hạt nhân từ tàu ngầm đáng tin cậy, và kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc giờ đây không dễ bị tổn thương trong đòn tấn công phủ đầu nữa”.

Trước đây, Trung Quốc chủ yếu phát triển năng lực hạt nhân trên bộ và trên không bằng cách chế tạo các hệ thống phóng tên lửa từ trên đất liền và máy bay chiến lược. Thế nhưng những loại vũ khí hạt nhân này rất dễ bị đối phương phát hiện bằng ảnh vệ tinh và các phương tiện do thám, và dễ dàng bị tiêu diệt ngay trong đòn tấn công đầu tiên.

Chính điều đó đã thôi thúc Trung Quốc đưa vũ khí hạt nhân xuống tàu ngầm để bảo vệ chúng trước con mắt soi mói của đối thủ. Những vụ phóng tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm cũng khó phát hiện hơn so với trên mặt đất, và sự cơ động của tàu ngầm cũng giúp những quả tên lửa này có thể bắn được tới lục địa Mỹ nếu được phóng đi từ khu vực gần đảo Hawaii.

Hiện quân đội Mỹ vẫn chưa nắm được số lượng chính xác các đầu đạn hạt nhân và tên lửa dẫn đường xuyên lục địa của Trung Quốc, và những con số mới nhất mà họ thu thập được cũng đã có từ cách đây 8 năm.

Trong thời gian gần đây, Mỹ đã tìm nhiều cách để tìm hiểu chiều dài của một hầm ngầm mà Trung Quốc sử dụng để cất trữ vũ khí hạt nhân của mình, cũng như số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.

Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ đã đưa ra một báo cáo về “Vạn lý Trường thành hạt nhân” dưới lòng đất của Trung Quốc và khuyến nghị quân đội Mỹ cần phải phá hủy các cơ sở ngầm này cũng như các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Theo Sina, các quan chức quân sự Mỹ đã thực sự “choáng” với việc Trung Quốc có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo JL-2 xuống tàu ngầm hạt nhân. Việc trang bị JL-2 cho tàu ngầm chứng tỏ Trung Quốc đã phát triển được một loại tên lửa có thể phóng được cả từ trên bộ lẫn dưới biển.

Mỹ, Nga “choáng” với vũ khí hạt nhân của Trung Quốc - 2

JL-2 được cho là tên lửa đạn đạo được phát triển từ Đông Phong-31 của Trung Quốc

Tên lửa đạn đạo JL-2 của Trung Quốc được cho là một biến thể từ tên lửa Đông Phong-31 của quân đội Trung Quốc. Đây là loại tên lửa đạn đạo có tốc độ phóng nhanh hơn rất nhiều so với các loại tên lửa khác, khiến vệ tinh rất khó có thể phát hiện được các vụ phóng của nó.

Ngoài ra, việc Trung Quốc chế tạo thành công các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo di động cũng là một nỗi đau dầu với Mỹ, vì chúng giờ đây có thể phóng được từ nhiều khu vực khác nhau, thậm chí là trên đường cao tốc, khiến việc phát hiện những vụ phóng này vô cùng khó khăn.

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ bệ phóng di động hồi tháng Chín của Trung Quốc cũng đã khiến Mỹ sửng sốt, và nó cũng chứng minh rằng sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc giờ đây đang ngoi lên tiệm cận với Mỹ, Nga.

Trong một động thái đối phó, Mỹ đã lên kế hoạch phóng khoảng 21 vệ tinh trong thời gian từ năm 2015 đến 2020 để có thể giám sát được các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động của Trung Quốc suốt 24/7.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN