Mưu sinh bằng nghề vớt lăng quăng giữa dòng kênh “chết”

Người đàn ông trầm mình dưới dòng nước đen ngòm. Thao tác nhanh nhẹn, anh cần mẫn dùng vợt hớt nhẹ mặt nước bất chấp mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Chỗ nước vớt được, anh cho vào chiếc thau màu đỏ đang nổi lềnh bềnh. Chẳng mấy chốc, chiếc thau ấy đã chứa đầy lăng quăng…

Clip nghề vớt lăng quăng giữa dòng kênh “chết”. Hồng Trâmthực hiện.

Mưu sinh trên dòng kênh Nước đen

Bà con sinh sống quanh khu vực kênh Gia Định (hay còn gọi là kênh Nước đen, đường TMT 13, P.Trung Mỹ Tây, Q.12) đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông tuổi gần tứ tuần hằng ngày lội dưới dòng nước bẩn tìm vớt lăng quăng. Cứ khoảng xế chiều, người ta lại thấy anh trên chiếc xe máy cũ chở đầy thau nhựa cỡ lớn.

Đậu xe vào một gốc cây lớn bên vệ đường, anh cẩn thận tháo dở chỗ thau nhựa và đem 3 chiếc thả trôi xuống dòng kênh. Xong, anh mặc một bộ quần áo chống nước cao tầm hơn ngực anh, nhìn tương tự như đồ đi mưa.

Mưu sinh bằng nghề vớt lăng quăng giữa dòng kênh “chết” - 1

Dầm mình trong dòng kênh "chết", anh vớt từng lăng quăng để kiếm sống.

Nắng vẫn còn gay gắt. Mặt kênh đen ngòm, đầy rác thải bẩn thỉu. Chiếc mũ bảo hiểm còn nguyên trên đầu, anh lội ngay xuống nước dơ bẩn. Mùi tanh hôi nồng nặc bốc lên. Như đã quá quen thuộc với thứ mùi này, người đàn ông không hề chau mày, nhăn mặt. Anh cẩn trọng dò từng bước rẽ nước di chuyển đến chỗ thoáng. Bùn nhão và rác thải khiến chân anh trở nên nặng nề. Tuy nhọc nhằn, nhưng anh vẫn mỉm cười cho biết: “Lăng quăng thường chỉ có trên mặt nước chỗ thoáng nên tôi phải lội ra xa, nếu đi gần thì không thể bắt được nhiều”.

Bắt đầu công việc, anh dùng chiếc vợt đặc biệt được may bằng vải lưới hớt nhẹ mặt nước. Qua vài lần sàng lọc bằng chiếc rỗ nhỏ cầm trên tay, anh nhặt hết rác ra rồi trút chỗ nước màu đen ấy vào cái thau đang nổi trên mặt kênh. Hóa ra, trong phần nước đó chỉ toàn là lăng quăng.

Cứ thế, anh quần thảo hết khúc kênh đến tầm 5 giờ chiều khi những chiếc thau nhựa đã chứa đầy lăng quăng…

Mưu sinh bằng nghề vớt lăng quăng giữa dòng kênh “chết” - 2

Hình ảnh người đàn ông làm nghề vớt lăng quăng trên kênh Nước đen.

Nghề nhọc nhằn nhưng “đẹp”

Bước lên từ bờ kênh, người đàn ông cởi bộ quần áo chống nước nhìn chúng tôi bằng ánh mắt e ngại vì thứ mùi khó chịu toát ra từ người mình.

Kéo vội một hơi thuốc lá, anh trầm ngâm chia sẻ: “Tôi đến với nghề này như một cái duyên. Thoạt trước, tôi lâm vào cảnh nghèo túng, bươn chải đủ bề nhưng vẫn không thể lo cho vợ con. Một lần đến khu vực này thăm người bạn, tôi nhìn thấy con kênh Nước đen bị ô nhiễm trầm trọng, ngập tràn rác thải. Người bạn tôi sầu não, than vãn nhiều về muỗi. Chợt nhớ mình vẫn thường hay đến trại cá cảnh mua lăng quăng, tôi bỗng lóe lên suy nghĩ về việc vớt lăng quăng kiếm tiền”.

Mưu sinh bằng nghề vớt lăng quăng giữa dòng kênh “chết” - 3

Lăng quăng vớt lên được đựng trong các chậu màu đỏ mà người đàn ông này mang theo.

Những ngày đầu, khi vừa lội xuống dòng kênh đen kịt, hôi tanh, anh bắt gặp rất nhiều ánh mắt dè bĩu, xem thường của những người xung quanh. Đã có những phút tủi phận, nhưng vì gia đình, người đàn ông đành gạt đi tự ái và tiếp tục cố gắng. Nhưng thế vẫn chưa thấm gì, việc trầm mình trong nước bẩn khiến mình mẩy anh bị các bệnh ngoài da, tay chân nứt nẻ. Nhiều lúc lội xuống kênh ngay đoạn người ta vứt xác chết động vật… là anh về bỏ hẳn cơm, không tài nào nuốt nổi.

Người đàn ông cho hay sau mỗi ngày vớt lăng quăng bán cho các trại cá, anh kiếm được khoảng vài trăm ngàn đồng. Số tiền đó anh dành để trang trải gia đình và lo cho con cái học hành. Tuy nhiên, dăm ba hôm anh mới đi một lần vì ấu trùng cần thời gian phát triển. Việc anh làm tuy nhỏ nhưng cũng góp được phần nào trong việc làm giảm bớt số lượng muỗi trong khu vực.

Anh nhớ lại những ngày đầu vớt ở kênh Nước đen, lăng quăng dày đặc khiến anh phát hoảng. Những chậu to anh mang theo đều chứa không xuể lăng quăng. “Kênh Nước đen này ô nhiễm lắm rồi! Đành rằng có ô nhiễm mới có muỗi nhưng nhìn bà con ở đây khổ sở tôi cũng xót”, anh buồn bã cho hay…

Và hằng ngày, người ta vẫn nhìn thấy hình ảnh người đàn ông quần thảo trên dòng kênh đen kịt để tìm vớt lăng quăng. Công việc của anh tuy thầm lặng, không ai biết mặt gọi tên nhưng lại góp phần làm đẹp cho đời…

Mưu sinh bằng nghề vớt lăng quăng giữa dòng kênh “chết” - 4

Khúc kênh đầy rác đem ngòm và đầy rác thải mà hằng ngày người đàn ông này phải lặn xuống để tìm vớt lăng quăng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Trâm (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN