Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội

Người tìm đỏ mắt không thấy nhà vệ sinh công cộng (VSCC), trong khi có những người ở ngay cạnh nhà VSCC suốt 5 năm mà không hay biết... là những tình cảnh éo le phản ánh thực trạng bất cập của hệ thống nhà VSCC hiện nay tại Thủ đô.

Mức phạt 1 - 3 triệu đồng về hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định theo NĐ 155/NĐ-CP đang gây lo lắng cho một bộ phận những người lao động thường xuyên phải hoạt động ngoài đường. 

Theo anh T.V.H (lái xe Taxi 25), đa số lái xe đều phải tiểu bậy ngoài đường. Ban đầu vì quá thiếu nhà vệ sinh, sau thành thói quen. Đáng nói thường những điểm có dòng chữ: “Cấm đái bậy” lại là nơi tiểu tiện thường xuyên nhất của cánh tài xế. 

Khảo sát dọc “Con đường gốm sứ” dài gần 4km, thế nhưng có hàng chục điểm vệ sinh tự phát. Khiến người đi đường phải bịt mũi lắc đầu.

Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 1

Lối xuống cầu Long Biên thành nơi tiểu tiện của người lao động quanh đây

Song song với “Con đường gốm sứ” là tuyến đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, tại đây những điểm vệ sinh bừa bãi còn nhiều hơn. Anh Tùng (40 tuổi) cho biết, anh làm nghề xích lô chở khách du lịch ở đây đã được 2 năm. Tuy nhiên, cả dọc tuyến đường dài không có nhà VSCC nào, khiến anh em phải giải quyết đằng sau những dãy ô tô dài. “Chẳng ai muốn chỗ chờ khách của mình ô nhiễm, khai thế này nhưng biết làm sao được vì không có chỗ giải quyết”, anh Tùng nói. 

Cách đó khoảng 20 mét, bác Đỗ Văn Thiện chọn cách “giải quyết” lịch sự hơn bằng cách đứng nép vào góc tường nhưng đi vệ sinh vào chai nước khoáng. Bác Thiện tâm sự: Xong việc tôi cho vứt vào sọt rác là xong, vừa được việc vừa tránh ô nhiễm. 

Theo bác Thiện, ở đường Trần Quang Khải mới có 1 nhà VSCC được xây, nhưng cả tuần nay vẫn chưa thấy hoạt động. “Nếu nhà VSCC hoạt động thì tốt quá, chắc chắn chúng tôi sẽ vào đó”, bác Thiện chia sẻ.

Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 2

Không có nhà VSCC nào quanh đây, bác Thiện buộc phải giải quyết vào vỏ chai rồi mang đi vứt

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tại 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây của TP. Hà Nội có khoảng 350 nhà VSCC. Trong đó, chủ yếu nhà VSCC phân bố ở các quận trung tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nhà VSCC này gọi đúng hơn là nhà vệ sinh của khu chung cư, tập thể... chứ hiếm người biết đó là những nhà VSCC.

Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 3

Một điểm nhà VSCC ở dốc Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng

Khảo sát nhà VSCC tại dốc Thọ Lão (quận Hai Bà Trưng), không biển báo, không chỉ dẫn nên dù có địa chỉ cũng khó tìm được nhà VSCC này. Sau khi hỏi han, phóng viên được chỉ tới một ngõ nhỏ, đầu ngõ hàng bán chè che kín ngõ. Rất khó để tìm được nhà VSCC này. 

Chị Oanh, một hộ kinh doanh gần đó chia sẻ: Đến tôi kinh doanh 5 năm ở đây giờ mới biết trong ngõ đó có nhà VSCC. Trước tôi toàn phải đi nhờ nhà hàng xóm.

Cách đó chừng 200 mét là nhà VSCC phố Nguyễn Công Trứ, tương tự ở nhà VSCC trước đó, nơi đây cũng không có biển báo, hướng dẫn gì. Anh Huy (tài xế hãng taxi Thành Lợi) cho biết, là hãng xe thường xuyên hoạt động tại khu vực này nhưng cánh tài xế đa phần không biết nhà VSCC sâu trong ngõ Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, anh Huy cho rằng: Dù có biết cũng khó đi vệ sinh đúng chỗ được, bởi những nơi này đa phần không có chỗ đỗ xe.

“Nhiều khi vì đi vệ sinh mà bị phạt gần 1 triệu đồng thì cũng quá tội. Tôi nghĩ cần bố trí nhà VSCC hợp lý thì lái xe ai cũng chấp hành nghiêm túc”, anh Huy chia sẻ.

Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 4

Ngõ nhỏ nơi đặt nhà VSCC trên phố Nguyễn Công Trứ

Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 5

Nước bẩn đục ngầu ở nhà VSCC trong khu tập thể

Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 6

Ở nhiều nhà VSCC, hiện tượng hỏng bồn cầu...

Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 7

Mất nước thường xuyên xảy ra

Muôn cảnh éo le tìm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 8

Thực tế, ngoài những nhà VSCC nằm khuất nẻo ở những ngõ nhỏ hẹp, không biển chỉ dẫn. Hà Nội còn một số nhà VSCC bằng vật liệu nhẹ, dễ thấy ở các khu trung tâm. Tuy nhiên, rất nhiều trong số này đang bị lấn chiếm bởi hàng rong, quầy bán nước chè, xe ôm... khiến cho người dân cảm thấy ngại khi bước chân vào. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hiểu Minh (Tiền phong)
Tè bậy bị phạt tiền triệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN