Dùng trực thăng chữa cháy: Không đơn giản

Máy bay trực thăng chỉ có thể thả nước thẳng từ nóc xuống chứ không thể phun ngang để dập lửa. Như vậy, trong các trường hợp không cháy ở nóc mà cháy ở thân các tòa nhà cao tầng thì có dùng trực thăng cũng khó có thể kiểm soát được đám cháy.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi “Gặp mặt báo chí nhằm trao đổi công tác tuyên truyền hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 6 tháng cuối năm 2013” được tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (29/5).

Theo Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN) thì hiện nay máy bay trực thăng đã được huy động trong việc chữa cháy cho các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng (có 17 tầng trở lên).

Tuy nhiên, Thiếu tướng Giang nhận định: Trong các nguy cơ (đang hiển hiện rõ ràng ở các đô thị) gồm cháy, nổ, sập nhà cao tầng thì nguy cơ cháy có khả năng xảy ra cao hơn và mức độ phức tạp hơn (cả về diễn biến lẫn biện pháp ứng phó, đặc biệt đối với các nhà cao tầng, siêu cao tầng).

Dùng trực thăng chữa cháy: Không đơn giản - 1

Vụ cháy chung cư JSC cao 18 tầng số 34 Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương vào năm 2010 làm cư dân hoảng loạn (Ảnh: CAND)

Hiện lực lượng Cứu hộ cứu nạn của UBQGTKCN có 6 máy bay trực thăng MI71, mỗi lần bay có thể mang theo 4 mét khối nước để cứu hỏa.

Nhưng điểm hạn chế lớn nhất của các trực thăng này là chỉ có thể thả nước thẳng xuống từ nóc chứ không thể phun ngang thân tòa nhà.

Như vậy, nếu đám cháy xảy ra ở thân tòa nhà thì việc dập tắt sẽ gặp khó khăn.

39 vụ sập đổ công trình năm 2012

Theo báo cáo của UBQGTKCN, trong năm 2012 đã xảy ra 3.403 vụ việc liên quan đến thiên tai, tai nạn, sập nhà, cháy nổ, vv … Trong đó có 360 vụ thiên tai, 1.543 vụ hỏa hoạn, 54 vụ nổ, 39 vụ sập đổ công trình, .. làm chết 645 người, mất tích 240 người, bị thương 832 người, thiệt hại nặng cả về người lẫn tài sản.

6 tháng đầu năm 2013, cả nước có 814 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố, tăng 260 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Giang cho biết tại nước Nga có sử dụng những loại máy bay chữa cháy có khả năng bay ngang với tòa nhà và phụt thẳng nước vào tầng nào bị cháy, giúp hiệu quả chữa cháy tốt hơn.

Ngày hôm qua (28/5), trong buổi họp tổ của các ĐBQH tại Hà Nội, trước lo lắng của các ĐB về vấn đề cháy nổ đang diễn biến phức tạp, khả năng phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thông tin với các ĐB rằng Hà Nội đã đặt mua trực thăng để chữa cháy.

Nói về điều này, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cho rằng, nếu thực hiện việc mua máy bay để chữa cháy thì Hà Nội cần hết sức thận trọng, vì đây đảm bảo kỹ thuật hàng không không phải chuyện đơn giản. Thực tế có những đơn vị trong Hải quân đã trang bị máy bay trực thăng, nhưng vẫn phải chuyển cho Không quân quản lý để đảm bảo an toàn.

Dân chung cư cao tầng chết chẹt ở giữa?

Trong khi trực thăng chỉ có thể phun nước thì trên nóc xuống thì việc cứu hỏa từ mặt đất cũng rất hạn chế khi mà các phương tiện chữa cháy chỉ có thể vươn cao nhất đến tầng 17 (tương đương chiều dài thang 52m).

Ông Nghị cho biết, Hà Nội tính trang bị xe cứu hỏa đặc chủng có thể vươn tới tầng 39, song trong lần trả lời báo chí sau vụ cháy chung cư JSC cao 18 tầng số 34 Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương vào năm 2010, lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết việc trang bị thang cao 73m cho xe cứu hỏa của Hà Nội là không khả thi.

Lý do là vì xe rất nặng, có thể gây sập cống, đứt dây điện, đường cua xe dài không thuận tiện với địa hình "đường đông ngõ nhỏ". Vì thế, chỉ có thể trang bị thang cứu hỏa từ 53m trở xuống!

Tại buổi làm việc sáng nay, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cho biết, Bộ Công an được giao chịu trách nhiệm chính và là đơn vị chủ trì trong công tác PCCC, còn các đơn vị trong Bộ Quốc phòng là đơn vị phối hợp. Khi vượt quá khả năng của mình thì phía công an phải báo cáo để Nhà nước điều động.

Xây dựng phương án PCCC cho nhà máy điện hạt nhân

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cho biết theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân sẽ khởi công năm 2014. UBQGTKCN được giao xây dựng lực lượng và phương tiện để ứng phó với các sự cố cháy nổ có thể xảy ra tại nhà máy này.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, lúc đó UBQG phải đưa ra đầy đủ các phương án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cẩm Quyên (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN