Hàng mã “đổi mới công nghệ” vẫn ế

Những mặt hàng mã cao cấp như iphone, ipad, máy giặt, xe máy SH... khó bán hơn năm trước dù “thủ phủ hàng cõi âm” phố Hàng Mã (Hà Nội) vẫn nhộn nhịp.

Hàng cao cấp “ế sưng ế xỉa”

Sáng ngày 22 tháng Chạp, phố Hàng Mã (Hà Nội) – nơi chuyên bán mặt hàng “cõi âm” rực rỡ, lung linh sắc màu. Tại đây, hàng mã phục vụ cho ngày ông Công, ông Táo về trời bày bán bắt mắt, phong phú, đủ chủng loại từ mũ, quần áo, giày dép, cá chép giấy, cá chép nhựa,…

Nơi đây cũng được rỉ tai là đi đầu trong “đổi mới công nghệ” cho người cõi âm. Bằng chứng là các mặt hàng thủ công ipad, iphone, xe máy SH giấy luôn được đổi mới, cập nhật như quan niệm “trần sao âm vậy”.

Theo khảo sát của PV, trên tay những khách hàng tại phố Hàng Mã vắng hẳn những món đồ cao cấp, đắt tiền. Chỉ tay lên dàn xe máy đắt tiền treo lủng lẳng trên giá, chủ cửa hàng vàng mã Nguyễn Thị Thu ngán ngẩm: “Cả ngày không bán nổi cái xe nào. Trong khi tầm náy năm ngoái tôi bán được vài chục chiếc”.

Hàng mã “đổi mới công nghệ” vẫn ế - 1

Ipad giấy không còn là món hàng hot

Gần hết một buổi sáng nhưng chiếc ipad giấy của một cửa hàng phố Hàng Mã vẫn nằm gọn gàng trên giá. Chị Thanh Thúy, nhân viên cửa hàng bán đồ vàng mã than thở: “Năm nay bán hàng chậm hơn hẳn những năm trước. Mọi năm, giờ này chúng tôi còn không có thời gian để ăn cơm. Chưa kể, ai muốn mua hàng cao cấp phải đặt trước mới chuẩn bị kịp”.

Tại phố Hàng Mã năm nay, mặt hàng cá chép nhựa cao cấp cũng phong phú về màu sắc, chủng loại. Giá trung bình khoảng 150 đến 200 nghìn đồng/con. Trong vai khách hàng, chúng tôi được chủ cửa hàng Nguyễn Thị Thu nài nỉ mua giúp vì hàng đang ế ẩm.

Thay vì những đồ cao cấp, người dân chủ yếu mua đồ bình dân như mũ, áo, hia, cá chép giấy… Theo bà chủ Nguyễn Thị Thu: “Đây là những vật thiết yếu, bắt buộc để  ông Táo lên chầu trời, nên ai cũng phải mua. Còn những thứ như nhà lầu, xe máy, điện thoại... dành cho người có điều kiện “trang bị” thêm”.

Anh Xuân Vinh (Long Biên, Hà Nội) đang chọn hàng tại phố Hàng Mã cho biết, năm nay anh chỉ sắm duy nhất bộ đồ cúng ông Táo. Bởi kinh tế khó khăn, nên mọi chi tiêu gia đình đề phải tính toán, giảm những thứ “xa xỉ” không cần thiết. “Năm trước, tôi sắm thêm chiếc xe máy SH khoảng 150 nghìn đồng để các cụ đi báo cáo cho tiện. Năm trước nữa, gia đình tôi sắm căn biệt thự khoảng 350 nghìn đồng... nhưng năm nay bớt được thứ nào hay thứ ấy”, anh Vinh nói.

Bà Thu Mai, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cầm trên tay bộ đồ cúng ông Táo cho biết: “Việc cúng ông Công, ông Táo phụ thuộc vào sự thành tâm của mỗi người. Nếu lạm dụng, đốt quá nhiều vàng mã không chỉ lãng phí mà còn gây phản cảm. Do vậy, tôi chỉ mua đồ bình dân, cần thiết theo đúng tục lệ”.

Hàng bình dân giữ giá

Đến hẹn lại lên, dịp 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt Nam đều sắm sửa hài mũ, cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Nhiều gia đình đã rục rịch sắm đồ trước đó cả tuần, bởi sợ sát ngày giá hàng mã tăng cao. Tuy nhiên, trái với dự đoán, vàng mã năm nay giữ giá, không có  tăng đột biến.

Theo chủ cửa hàng Thanh Thúy (Hàng Mã, Hà Nội), với những mặt hàng cao cấp như nhà lầu, xe máy... giá cả tùy thuộc vào từng món hàng cụ thể. Có món hàng lên đến tiền triệu. Những đồ bình dân, giá cả chỉ ngang bằng năm ngoái. Một bộ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo gồm có: 3 chiếc mũ, 3 con cá chép giấy, 3 đôi hài, 3 bộ áo, loại to đẹp có giá từ 100 – 130 nghìn nghìn đồng/bộ; nếu lấy luôn bộ cúng ông táo kèm theo bộ cúng cho đêm giao thừa, giá 200 nghìn đồng/bộ. Loại vừa, nhỏ có giá khoảng 60.000 đồng/ bộ. Chị Thúy cho rằng, mức giá này ngang bằng với năm ngoái.

Hàng mã “đổi mới công nghệ” vẫn ế - 2

Chú cá chép giá 200 nghìn đồng

Chủ cửa hàng Thu Hương (Hàng Mã, Hà Nội) cho hay, năm ngoài một bộ đồ bình dân cũng ông Táo giá 50 nghìn đồng, năm nay là 60 nghìn đồng. Tuy đắt hơn chút ít, nhưng rõ ràng mẫu mã đẹp và bắt mắt hơn. Chị Hương nói:“Mặc dù đồ cúng, khách hàng không mặc cả, nhưng chúng tôi không thể tùy tiện nâng giá vì sợ mất khách”.

Khảo sát của PV tại chợ các huyện ngoại thành, giá đồ hàng mã thấp hơn nhiều so với nội thành. Một bộ đồ cúng ông Táo ở các chợ huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn... giá chỉ từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/bộ. Trong khi đó, ở phố Hàng Mã có giá 60 – 65 nghìn đồng/bộ.

Đặc biệt, giá cá chép đỏ đang bơi cúng ông Công, ông Táo tại các chợ nội và ngoại thành cũng chỉ ngang bằng năm trước, từ 8 đến 10 nghìn đồng/chú cá.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ngày tết ông Công, ông Táo là một trong những ngày Tết quan trọng nhất trong năm. Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, Táo quân cưỡi cá chép vàng về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của gia đình dưới hạ giới trong năm qua.

Lễ vật cúng Táo quân gồm có ba bộ mã, hai bộ tượng trưng cho Táo ông và một bộ tượng trưng cho Táo bà. Những đồ “vàng mã” sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho ông Táo. Trong ngày cúng ông Táo, người dân còn chuẩn bị 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nét đẹp của Tết ông Công, ông Táo chính là tục phóng sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN