Lễ hội Chém lợn: Nhiều tác động tiêu cực

Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh, bởi những tác động tiêu cực của nó đối với xã hội về nhiều mặt.

Lễ hội Chém lợn: Nhiều tác động tiêu cực - 1

Lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á

Ngày 27.1, Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh, bởi những tác động tiêu cực của nó đối với xã hội về nhiều mặt, cả về kinh tế - ảnh hưởng tới ngành du lịch, chính trị - làm xấu hình ảnh của đất nước khi cổ vũ hành vi tàn ác đối với động vật, đi ngược với lối đối xử nhân đạo, tôn trọng và bảo vệ động vật trên toàn thế giới và xã hội - gây ảnh hưởng về tâm lý đối với người xem, đặc biệt có ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em (dựa trên những nghiên cứu khoa học thực tế).

PV đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam - xung quanh lễ hội này.

Thưa tiến sĩ Tuấn Bendixsen, ông nói đã từng tham dự Lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Vậy, cảm nhận của ông thế nào?

- Chúng tôi đã tra cứu, tìm hiểu thông tin về lễ hội trước đó và có tham dự lễ hội diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch năm 2014, có ghi lại (bằng hình ảnh và video, tham khảo ý kiến người dân) các hoạt động của lễ hội.

Đây là một lối đối xử cực kỳ tàn ác đối với động vật, khi những con lợn bị giết trong đau đớn kéo dài. Niềm tin rằng quết tiền vào máu chúng rồi thờ cúng sẽ mang lại may mắn cho cả năm có tính chất mê tín dị đoan.

Khi tham dự Lễ hội Chém lợn, hình ảnh nào làm ông nhớ nhất?

- Hình ảnh đáng sợ nhất là những tiếng kêu thét và giãy giụa của những con lợn khi chúng bị chém bằng những thanh kiếm. Để chém được đứt hẳn đầu con lợn, người ta cần chém nhiều lần và dùng dao cắt, con vật vẫn cảm thấy nỗi đau đó đến 15 – 20 phút.

Chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều người xung quanh không dám xem hết những cảnh đó. Nhiều người tỏ ra sợ hãi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Có nhiều người dân cũng không đồng tình với lễ hội này, đặc biệt là thế hệ trẻ khi biết có nhiều người phản đối lễ hội này và khi cả xã hội đang ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề phúc lợi động vật.

Theo ông, tác động của lễ hội này đến xã hội, trong đó có trẻ em sẽ như thế nào?

- Theo những nghiên cứu khoa học, việc chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man làm trơ lì cảm xúc của người chứng kiến, đặc biệt là đối với trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với những người khác trong cùng cộng đồng.
 
Lễ hội Chém lợn: Nhiều tác động tiêu cực - 2

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng những “người ngoài” thấy lễ hội đâm, chém động vật rất dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người dân của làng nghĩ đó là việc tâm linh lấy may mắn. Vậy, ý ông thế nào?

- “Văn hóa” và “truyền thống” thường được đưa ra làm lời biện hộ cho những hoạt động tàn bạo đối với động vật này. Nhưng ngay cả văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và tiến hóa theo thời gian.

Những nét đẹp, những gì phù hợp với xu hướng, với xã hội mới sẽ được duy trì và những cái không còn phù hợp, hủ tục sẽ thay được đổi và loại bỏ.

Ngoài ra, lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hoá của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau.

Hành động chém giết lợn trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em, hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hoá sống của con người.

Người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo và đó là truyền thống đẹp, cần được phát huy.

Những lễ hội sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này, đang làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp đó của người Việt Nam.

Trên thế giới, đã có nhiều lễ hội và hoạt động liên quan tới tàn sát và lối đối xử ngược đãi động vật bị lên án và đã phải chấm dứt.

Có ý kiến nói rằng, do là lễ hội riêng của làng, nên người ngoài đến xem sẽ không hiểu rõ ý nghĩa, do vậy, chỉ người trong làng mới nên tham dự lễ hội. Ông thấy sao?

- Lễ hội ở làng Ném Thượng là một lễ hội kéo dài trong 2 ngày bao gồm nhiều hoạt động văn hóa khác như đấu vật, cờ người, cờ tướng, thi thổi cơm chạy, hát quan họ và các hoạt động thể thao khác. Phần lễ hội chém lợn diễn ra vào ngày thứ hai của lễ hội và chỉ là một phần của lễ hội.

Nếu không có tiết mục này, chúng tôi nghĩ đây sẽ là một lễ hội văn hóa đẹp với những đặc trưng của vùng đất và con người xứ quan họ Bắc Ninh và sẽ có nhiều khách du lịch đến tham dự hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
-------------------------------------------------------

Lễ hội Chém lợn tổ chức vào mùng 6 Tết âm lịch hàng năm tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Trước khi làm lễ tế Thánh, hai chú lợn được rước đi quanh làng từ 9h sáng đến 11h trưa thì quay lại sân đình. Khi đó, hai thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi sẽ ra tay chém hai chú lợn để tế Thánh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Thọ (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN