Lãnh đạo trên 50% “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức

Sự kiện: Họp Quốc hội

“Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức”.

Đó là một trong những nội dung do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), trước Quốc hội chiều 20/11.

Lãnh đạo trên 50% “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức - 1

Quốc hội sẽ vẫn lấy phiếu tín nhiệm ở 3 mức độ tín nhiệm trên phiếu gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”

Ông Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, có một số loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định theo hướng người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể từ chức; nếu từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị đối với người có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì chuyển sang thủ tục miễn nhiệm mà không cần thêm một lần bỏ phiếu tín nhiệm nữa để đơn giản hơn về thủ tục, tránh tâm lý căng thẳng cho cả người được bỏ phiếu và đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trước những ý kiến trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định của Nghị quyết số 35 cũng như trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi lần này đều thể hiện theo hướng để người có tín nhiệm thấp có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không còn được tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó mà không phải qua bước bỏ phiếu tín nhiệm.

Điều này sẽ góp phần xây dựng “văn hóa từ chức” trong cơ quan nhà nước như ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu.

Bên cạnh đó, cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cũng có thể chủ động trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người có tín nhiệm thấp để chuyển sang công việc khác phù hợp hơn.

Do đó, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức”.

“Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân dân bỏ phiếu tín nhiệm.”

Trước các ý kiến băn khoăn để 2 mức hay 3 mức mức độ tín nhiệm trên phiếu như hiện nay, ông Phan Trung Lý cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đối với người được lấy phiếu.

Qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ thấy được mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đối với bản thân mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Quy định 3 mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ hơn giữa quy trình lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, tạo thuận lợi hơn trong việc xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định 3 mức độ tín nhiệm trên phiếu (gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”) sẽ giúp đại biểu có nhiều lựa chọn hơn và đánh giá chính xác, thận trọng hơn đối với người mà mình đã trực tiếp bầu và phê chuẩn.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, chiều ngày 28/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN