Kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không"

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Sau khi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng 29/12, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và MTTQ Việt Nam đã dự lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Mở màn buổi lễ, chương trình sử thi nghệ thuật “Âm vang chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã khắc họa lại một giai đoạn bi tráng, hào hùng của thủ đô Hà Nội và miền Bắc. Nhiều cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử của trận chiến vĩ đại trên bầu trời Hà Nội, đã không kìm nổi nước mắt khi hình ảnh của một Hà Nội trong những ngày tháng 12 của 40 năm trước hiện về.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Chủ tịch nước khẳng định: “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là sự kiện lịch sử trọng đại và kỳ tích có một không hai, biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam... Lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo và những phẩm chất cao đẹp của chiến sĩ, đồng bào ta trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cần được giữ gìn và truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không" - 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi các đại biểu về dự lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không sáng 29/12 ở Hà Nội Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng chiến thắng vĩ đại 40 năm trước tiếp tục là nguồn động lực cổ vũ, khích lệ chúng ta vững bước đi lên hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên tư lệnh chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, thay mặt cho hàng trăm cựu chiến binh dự lễ kỷ niệm xúc động nhắc lại những ngày tháng sôi sục khí thế mùa đông năm 1972. Bấy giờ, ông là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn Phòng không Hà Nội.

Quân chủng được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ vào ngày 3/12 phải hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị đánh B52. Mệnh lệnh được quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, chiến sĩ và mọi công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, bí mật với quyết tâm cao.

“Không nói ra nhưng tất cả chúng tôi đều nghĩ đến một cuộc chiến đấu không cân sức, không hề dễ dàng vì không quân địch có tiềm lực, trang bị hiện đại, chiếm ưu thế tuyệt đối trên không còn chúng ta lực lượng không nhiều, đạn dược có hạn” - ông Phiệt kể và nói thêm: “Có trắc thủ bị thương rất nặng nhưng vẫn gượng sức mình báo cáo chính xác phần tử mục tiêu về sở chỉ huy trước khi ngã xuống. Vẫn còn đây lá thư viết dở trước giờ xuất kích của liệt sĩ phi công để lại…”.

Trong số nhiều cựu chiến binh dự lễ kỷ niệm, có người tuổi cao sức yếu nhưng trong trí nhớ của họ vẫn bừng lên cả một giai đoạn hào hùng, bi tráng. Đại tá Phan Văn Toản, nguyên sĩ quan tham mưu của quân chủng, nay đã hơn 80 tuổi, bồi hồi: “Nếu không có sự hy sinh của quân và dân thủ đô Hà Nội, không có những chiến sĩ dân quân anh dũng thì không thể có chiến thắng vĩ đại này. Hàng trăm người đã ngã xuống để có chiến thắng. Nhớ lại chiến thắng này, chúng ta không được phép quên họ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Duy (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN