Kiến nghị sửa quy định "xe chính chủ"

Nghị định 71 xử phạt không chuyển quyền sở hữu phương tiện chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, cần điều chỉnh - Đây là kiến nghị của cử tri Hà Nội tới lãnh đạo thành phố để gửi tới Chính phủ.

Các cử tri cho rằng, xử phạt chủ xe không chuyển quyền sở hữu là rất khó cho người dân. Những người mua xe qua nhiều đời chủ, đã nhiều năm, giờ không thể biết người chủ đầu của xe ở đâu thì làm sao chuyển quyền sở hữu?

Đề cập tới Nghị định 71, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ khẳng định, không xử phạt với người điều khiển xe không chính chủ mà chỉ đề cấp đến việc chưa sang tên đổi chủ trong trường hợp vi phạm giao thông.

Trước câu hỏi mức phạt của Nghị định 71 cao thì lực lượng CSGT có được hưởng lợi gì hay không và liệu tăng mức phạt có phải để giảm tiêu cực không? Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên khẳng định, việc tăng mức tiền xử phạt là giải pháp cấp bách được quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2012 của Chính phủ để thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, việc này không phải là để làm giảm tiêu cực. Việc tăng mức phạt để tăng thu nhập cho CSGT là không có vì mức trích cao nhất đã được quy định là 1 triệu 500 ngàn đồng.

Kiến nghị sửa quy định "xe chính chủ" - 1

Nhiều người dân gặp khó khăn khi sang tên đổi chủ xe máy

Những ngày qua việc xử phạt theo Nghị định 71 cũng khiến nhiều cảnh sát giao thông lo lắng. Tại Hải Phòng, mỗi ngày có hàng trăm người dân đổ dồn về Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CA TP.Hải Phòng để nộp phạt. Việc này gây áp lực lớn cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác xử lý.

Một cán bộ phòng này cho biết, trước đây, nhiều lỗi vi phạm có mức xử phạt dưới 500 nghìn đồng, trực thuộc thẩm quyền xử lý của cấp đội, trạm CSGT. Khi áp dụng NĐ 71, mức xử phạt cao hơn 500 nghìn đồng nên thẩm quyền xử lý vi phạm phải là lãnh đạo Phòng CSGT dẫn đến tình trạng người vi phạm tập trung nộp phạt quá đông tại đơn vị.

Để giải quyết tình trạng này, đề nghị Bộ Công an sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 71, trong đó phân công thẩm quyền xử phạt về các đội, trạm để giảm áp lực tại phòng CSGT.

Trong khi đó, tại TP.HCM, chỉ tính từ ngày 11 tới 22/11, do điều chỉnh về mức chế tài đối với nhiều hành vi vi phạm theo nghị định 71, số phương tiện bị lực lượng CSGT toàn TP tạm giữ là hơn 3.500 xe, tăng hơn 20% so với trước đó. Trước đây, người điều khiển môtô, xe máy có nồng độ cồn từ 25mg tới dưới 40mg/lít khí thở chỉ bị phạt tiền, nay ngoài phạt tiền còn bị tạm giữ phương tiện.

Công an TP đã chỉ đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) và công an các quận huyện phải đẩy nhanh tiến độ thanh lý các xe vi phạm.

Tuy nhiên, một lãnh đạo đội CSGT cho hay, quy trình ra quyết định tịch thu xe vi phạm xử lý phải qua rất nhiều công đoạn, phải gửi thông báo, giấy mời, đi xác minh... có khi mất cả vài năm vẫn chưa có kết quả.

Trong khi đó, hầu hết các trường hợp xe bị tạm giữ quá hạn đều không tìm được chủ, hoặc tìm được nhưng chủ đã bán qua nhiều người khác. Còn xe vi phạm bị tạm giữ quá hạn thường là loại rẻ tiền, lại phơi nắng mưa cả năm, có khi chỉ còn là “cục sắt vụn”, tiền bán không đủ trả tiền thuê kho bãi và chi phí để thanh lý.

“Đường phải đủ rộng để phương tiện lưu thông, làn đường, tín hiệu, biển báo phải rõ ràng để người dân chấp hành. Nếu có đủ điều kiện, họ cố ý vi phạm thì xử lý sẽ rất dễ, họ sẽ tâm phục khẩu phục. Trong khi điều kiện đường sá như hiện nay là tồi tệ, cứ “đè” dân ra phạt thật nặng, họ rất dễ phản ứng. Phản ứng ở mức nhẹ thì lời qua tiếng lại, tranh cãi, một trong hai bên nóng nảy dễ dẫn tới xô xát, rồi số vụ chống người thi hành công vụ cũng vì thế tăng cao” - một CSGT nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Liên Minh (Đất Việt)
Xử phạt xe không chính chủ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN