Khủng hoảng vắc-xin, vì đâu?

"Đi sâu phân tích căn nguyên thì tôi nghĩ sự việc xảy ra là hệ quả của một tiến trình bắt đầu từ vắc-xin Quinvaxem tiêm xong có hiện tượng trẻ tử vong. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân từ đâu?"

Đâu là nguyên nhân sự cố hỗn loạn đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ, khan hiếm vắc-xin? Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với bác sĩ, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng xung quanh vấn đề này.

Khủng hoảng vắc-xin, vì đâu? - 1

Một phụ nữ bị ngất xỉu khi xếp hàng chờ để tiêm vắc-xin dịch vụ cho con từ rạng sáng ngày 25/12/2015 tại số 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

TS Trần Tuấn nói: Điều này cho thấy, có một sự mất cân đối nghiêm trọng về cung và cầu. Người dân thực sự lo lắng cho sức khỏe của con mình mà phải lặn lội đêm tối trời rét để hy vọng giành được cơ hội. Về phía các cơ sở cung cấp dịch vụ bộc lộ khả năng đánh giá nhu cầu của người dân chưa khoa học nên cũng chưa có kế hoạch chủ động.

Rõ ràng ở đây là bị động, nước đến chân mới nhảy. Nhìn lại tổng thể, theo tôi, đây là hệ quả của tình trạng diễn tiến dần dần từ vài năm nay mà không giải quyết ngay khiến “cái sẩy nẩy cái ung”, cứ tăng dần lên thành một đám rối ngày càng khó giải quyết. Tôi cảm giác những người có trách nhiệm vận hành hệ thống tiêm chủng đang đứng trước một mớ bòng bong. Muốn gỡ rối lúc này phải kiên trì, bình tĩnh. Còn đi sâu phân tích căn nguyên thì tôi nghĩ sự việc xảy ra là hệ quả của một tiến trình bắt đầu từ vắc-xin Quinvaxem tiêm xong có hiện tượng trẻ tử vong. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân từ đâu?

Ông từng có ý kiến rằng: Nói “chết ngẫu nhiên” là khái niệm phi khoa học. Cái chết nào cũng có nguyên nhân, với một đứa trẻ bình thường, không có cái chết nào ngẫu nhiên, chỉ là có tìm ra hay không và cần có nghiên cứu đánh giá độc lập về tỷ lệ này. Nói như vậy phải chăng ngành y tế chưa làm hết trách nhiệm của mình?

Có thể nói cách thức lý giải nguyên nhân  tử vong sau tiêm vắc-xin trong những năm qua chưa được xã hội đồng thuận. Đỉnh điểm là năm 2013 khi xảy ra một loạt trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem và Bộ Y tế đã phải cho ngừng tiêm để điều tra. Khi kết quả điều tra cho rằng, hoàn toàn không liên quan tới Quinvaxem thì phải giải thích rõ cái chết đó là vì sao, nhưng chúng ta lại không đi tiếp bước đó mà cho rằng, cái chết đó xảy ra do trùng hợp, là “chết ngẫu nhiên”. Việc dùng từ “chết ngẫu nhiên” càng làm cho người dân hoang mang.

Chỉ khi nào những người làm chính sách hiểu được, và thực sự thấy rằng câu “tỷ lệ tai biến cho phép” nó không bao gồm vấn đề tử vong. Đấy là điều thực sự không mong muốn. Với bất kỳ trường hợp tử vong nào chúng ta cũng cố gắng làm hết sức mình để chỉ ra căn nguyên và bằng mọi cách sẽ quyết tâm loại trừ tử vong trong vấn đề tiêm vắc-xin… Khi đó mới đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Cách hành xử tới đây phải như vậy.

BS - TS Trần Tuấn
GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng

Trong bối cảnh đó lẽ ra cần có những nghiên cứu đánh giá độc lập thì chúng ta không thực hiện, vì thế tiếng nói đơn độc bên ngành y tế, bên cung cấp dịch vụ đã không tạo được niềm tin của một bộ phận người dân, để rồi sau đó lại xảy ra những trường hợp tử vong liên quan tới tiêm Quinvaxem. Sự mất lòng tin đó lớn dần, đồng thời những thông tin liên quan tới Quinvaxem ở các nước ra sao, nơi sản xuất có dùng không… rất nhanh chóng được các mạng xã hội truyền tải và cái đó làm cho những băn khoăn của người dân về Quinvaxem với những trường hợp tử vong lớn dần lên, gây ra hiện tượng một bộ phận người ta quay lưng với Quinvaxem. Vì thế việc tiêm vắc-xin dịch vụ trở nên nóng, cùng với việc khan hiếm vắc-xin.

Đến mức đó đáng lẽ Bộ Y tế, hệ thống thực hiện tiêm chủng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, xem xét cho đúng tâm lý của người dân, đồng thời tìm cách hóa giải tâm lý người dân thay cho việc tiếp tục chỉ có một thông điệp đã quá quen: Tiêm vắc-xin Quinvaxem an toàn, không thuyết phục. Khi không lý giải nổi tại sao những cái chết trùng hợp cứ xảy ra khi tiêm Quinvaxem thì khó trấn an được dư luận. Ngành y tế không lý giải được, đồng thời không thực hiện hệ thống đánh giá giám sát, theo dõi về tình trạng đáp ứng cho người dân, nhu cầu của người dân về tiêm vắc-xin dịch vụ để rồi tiếp tục tuyên truyền rằng, chỉ có thể tiêm Quinvaxem mà thôi, còn vắc-xin dịch vụ trong thời gian tới lại tiếp tục khan hiếm. Điều này đã đẩy sự lo lắng của người dân lên cao trào.

Khủng hoảng vắc-xin, vì đâu? - 2

BS - TS Trần Tuấn.

Theo ông vì sao Bộ Y tế đã lý giải nhiều nhưng người dân vẫn không tin vào vắc-xin Quinvaxem?

Tôi nghĩ rằng, việc người dân không tin những thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, sự an toàn của Quinvaxem cần được lý giải từ thực tế. Nhưng thực tế lại có những trường hợp hoàn toàn bình thường trước khi đi tiêm nhưng sau khi tiêm lại tử vong. Các ông bố bà mẹ rất trông mong chờ đợi lý giải căn nguyên.

Câu trả lời từ Bộ Y tế vẫn là trong phạm vi cho phép. Chữ “cho phép” ở đây nên hiểu là cho phép về những tác dụng phụ như bỏ bú, quấy khóc, sốt… thì các ông bố bà mẹ vẫn chấp nhận được, nhưng lại để chữ “cho phép” đó với xác suất tử vong thì quả thực vượt quá sức chịu đựng của các ông bố bà mẹ. Cái tôi kiến nghị là khi có tử vong đối với trẻ tiêm vắc-xin thì phải hiểu rằng, điều đó là không cho phép. Các ông bố bà mẹ cho phép tác dụng phụ vì nguy cơ không tiêm chủng cao hơn rất nhiều, nhưng nếu nói tử vong thì họ không dám đặt cược tính mạng con họ vào đó.

Trên diễn đàn báo chí ông từng bày tỏ, sự hỗn loạn vừa qua là khủng hoảng niềm tin, sự bất an của người dân khi con em mình tiêm vắc-xin. Vậy, ngành y tế cần làm gì để lấy lại niềm tin đó?

Chỉ khi nào những người làm chính sách hiểu được, và thực sự thấy rằng câu “tỷ lệ tai biến cho phép” nó không bao gồm vấn đề tử vong. Đấy là điều thực sự không mong muốn. Với bất kỳ trường hợp tử vong nào chúng ta cũng cố gắng làm hết sức mình để chỉ ra căn nguyên và bằng mọi cách sẽ quyết tâm loại trừ tử vong trong vấn đề tiêm vắc-xin… Khi đó mới đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Cách hành xử tới đây phải như vậy.

Muốn thoát ra khỏi tình trạng này cần tổ chức một nhóm đánh giá độc lập và để họ lên tiếng. Những người tham gia đánh giá phải có chuyên môn, có tri thức khoa học lĩnh vực đó nhưng không có quan hệ lợi ích, trách nhiệm với tiến trình tổ chức dịch vụ tiêm chủng, có như thế người dân mới tin. Với cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu chỉ quy cho bên y tế thì chưa thấu đáo, vì những gì ngành y tế làm nó liên quan với các đường lối chính sách khác, các bộ khác. Cho nên chúng ta phải nhìn vấn đề này như một vấn đề của hệ thống đang cần điều chỉnh, thay đổi.

Một thực tế dễ nhận thấy là tính minh bạch, công khai từ nguồn gốc, giá cả, chất lượng, xuất xứ của từng vắc-xin phải nói ngành y tế còn thiếu và yếu. Người dân như lạc vào ma trận, nên sự hoang mang ấy đẩy người dân phải phản ứng theo đám đông. Ông có đồng ý với nhận xét đó?

Chính xác. Chúng ta phải thiết lập thị trường về vắc-xin. Toàn bộ nhu cầu vắc-xin nhà nước nên đứng ra thương thảo, đấu thầu quốc tế một cách công khai, minh bạch. Người dân cũng đặt câu hỏi tại sao cơ sở sản xuất Quinvaxem không hề có bất cứ động thái nào khi báo chí nói rất nhiều việc vắc-xin là thủ phạm gây tử vong cho trẻ. Đến lúc này, điều đầu tiên chúng ta phải dũng cảm minh bạch thông tin để xóa đám mây che phủ những điều khi ngờ về Quinvaxem, về việc đặt hàng, phân bố, giá cả của vắc-xin dịch vụ.

Cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Hà (Tiền Phong)
Chen lấn, hỗn loạn ở phòng tiêm vắc xin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN