Không thể bỏ cai nghiện tập trung

Trước tỉ lệ tái nghiện và người nghiện ma túy mới gia tăng sau khi thực hiện cai nghiện cộng đồng, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng vẫn phải có hình thức cai nghiện tập trung, không thể chỉ cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng

Thất bại một mô hình

* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội về thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy?

- Ông Lê Đức Hiền: Nghị quyết 16 thực sự đó là mô hình tốt, khi người nghiện được sinh hoạt văn hóa, dạy nghề và lao động vừa phải; xây dựng mối quan hệ tốt và thân thiện; sức khỏe được cải thiện và giúp người nghiện cách ly khỏi môi trường ma túy. Việc cai và quản lý sau cai ở trung tâm rõ ràng là rất có giá trị, vì vào đấy là được cai, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe; được giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề.

* Nhưng thưa ông, trước và sau khi thực hiện Nghị quyết 16, TPHCM cũng như nhiều địa phương khác đã tổ chức cai và quản lý sau cai tại cộng đồng nhiều năm nhưng đều không hiệu quả, tỉ lệ tái nghiện và người nghiện mới vẫn tăng; tình hình tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng phức tạp, nay tại sao phải quay lại mô hình này?

- Cai nghiện tại cộng đồng và gia đình nhìn chung đã thất bại bởi nhiều bất cập mà đến nay vẫn chưa khắc phục được, như thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn; thiếu sự phối hợp hiệu quả của các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở. Một số cấp chính quyền muốn đưa người nghiện vào trung tâm vì ở đó bài bản, bảo đảm được an ninh trật tự; ngoài ra còn do chính quyền cơ sở không muốn tổ chức cai nghiện tại cộng đồng vì rất phức tạp. Không thành công là do thiếu sự quyết tâm và một phần do nhận thức của chính quyền cơ sở.

* Theo ông, làm thế nào để cai và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng có hiệu quả?

- Cai nghiện tại cộng đồng và gia đình chỉ thành công và có kết quả khi người ta nhận thức sâu sắc những ích lợi của mô hình này; cần phải phát huy những ưu thế đó trên cơ sở các bằng chứng khoa học. Đó là sự tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân, các tổ chức xã hội, phi chính phủ. Cai nghiện chỉ là một vấn đề của phòng chống ma túy.

Không thể bỏ cai nghiện tập trung - 1

Các học viên đang lao động tại Trung tâm Cai nghiện ma túy số 2 - TP Hà Nội

Rõ ràng chúng ta phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nhân dân, trong đó có vấn đề về giảm sự kỳ thị. Người nghiện ma túy ở một góc độ nào đó, họ vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa hẳn đã vi phạm hình sự. Nếu chúng ta cứ xa lánh, cứ coi họ là người xấu thì làm sao giúp họ bỏ được ma túy? Vì vậy phải giảm kỳ thị, tránh phân biệt đối xử để giúp họ từng bước bỏ ma túy.

Không thể bỏ cai nghiện tập trung

* Đề cao cai nghiện tại cộng đồng, vậy có nghĩa mô hình cai tại trung tâm sẽ thu hẹp dần?

- Vẫn phải có điều trị tập trung, không thể chỉ có hình thức cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Chúng ta không thể bỏ trung tâm được. Trung tâm là một hình thức mà trên thế giới, các nước họ đều làm. Tuy nhiên, trung tâm phải làm sao thân thiện hơn với người cai nghiện. Đối với những đối tượng nghiện ma túy rất lâu, rất nặng, vi phạm nhiều lần, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và sự bình yên của nhân dân thì phải tiếp tục cai nghiện bắt buộc tại trung tâm. Tuy nhiên tới đây, chúng ta sẽ thí điểm mô hình cai nghiện theo hướng trung tâm mở.

* Ông có thể nói rõ hơn về mô hình trung tâm mở?

- Tức là trung tâm vẫn quản lý cai nghiện bắt buộc đối với một số đối tượng song sẽ tập trung chủ yếu vào tổ chức cai nghiện tự nguyện. Đối với TPHCM và Hà Nội, chỉ để lại một bộ phận trung tâm nào đó để tổ chức cai nghiện bắt buộc, còn lại là chuyển sang trung tâm mở. Làm sao để người nghiện đến trung tâm thấy hết sức nhẹ nhàng, tin tưởng.

Trong trung tâm phải có nhiều dịch vụ, tùy theo yêu cầu và điều kiện của người bệnh để phục vụ; thời gian điều trị có thể từ 6 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn; điều kiện ăn ở, chữa trị cũng phải tốt hơn. Các dịch vụ rất đa dạng chứ không phải chỉ một loại và mang tính chất bắt buộc như hiện nay. Sau khi rời trung tâm về với cộng đồng, họ lại có thể được tiếp cận các cơ sở, dịch vụ tương tự như ở trung tâm. Làm được như vậy thì hiệu quả cai nghiện mới tốt.

* Có lẽ những điều này mới chỉ là mong ước và ý tưởng đó không biết đến bao giờ mới thành hiện thực?

- Muốn làm được thì phải có một cuộc cách mạng trong công tác cai nghiện. Cách mạng cả về nhận thức cũng như đầu tư cơ sở vật chất, con người. Không có gì làm ngay được. Phòng chống và điều trị ma túy là lâu dài. Phải thí điểm mô hình, sau đó hoàn thiện cơ chế chính sách nhưng muốn xây dựng cơ chế chính sách, phải triển khai mô hình thí điểm một cách quyết liệt. Thời gian tới, trước mắt, chúng ta vẫn phải giữ hình thức, biện pháp cai nghiện như hiện nay nhưng phải thay đổi về “chất”. Coi cai nghiện là điều trị bệnh chứ không phải là tệ nạn. Có thể từ năm 2013, sẽ tiến hành những thí điểm bước đầu.

Hơn 171.000 người nghiện

Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến tháng 6/2012, cả nước có 171.400 người nghiện ma túy, tăng 12.900 người so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, 49/63 tỉnh, TP có người nghiện tăng. Số người nghiện đang ở ngoài cộng đồng chiếm 65%, đang cai tại trung tâm 24%; trong tù, trại tạm giam, tạm giữ 11%. Về đối tượng nghiện, nam giới chiếm 96%. Độ tuổi nghiện: 16-30 chiếm 50%, từ 30 tuổi trở lên 49,8%. Các đối tượng sử dụng heroin chiếm đa số với 84,7%; ma túy tổng hợp 6,5%, thuốc phiện, cần sa 8%; còn lại là tân dược gây nghiện và các loại khác. Trung bình mỗi năm, tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 lượt người, trong đó có 27.000 lượt người được cai nghiện tại các trung tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN