“Không để cảnh sát giao thông được quyền tịch thu xe”

Luật sư Trần Vũ Hải góp ý, nếu đề xuất tịch thu phương tiện của “ma men” được thực hiện thì không nên giao cho cảnh sát giao thông ra quyết định tịch thu xe.

Tại Hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn” do Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải và Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức sáng 11.3, Luật sư Hải nêu ra nhiều băn khoăn của người dân thời gian qua về đề xuất “tịch thu xe của người uống rượu bia”.

Theo luật sư Hải, vấn đề người dân lo ngại nhất từ đề xuất trên có thể làm tăng quyền của cảnh sát giao thông, gia tăng tình trạng hối lộ và tịch thu xe tùy tiện.

Lo ngại đó là có lý do khi lực lượng cảnh sát giao thông vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa lập biên bản xong rồi ra quyết định tịch thu.

“Không để cảnh sát giao thông được quyền tịch thu xe” - 1

Do vậy, nếu đề xuất “tịch thu xe” được thực hiện, cần có biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này.

“Chỉ nên giao cho chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định tịch thu xe, không để cho cảnh sát giao thông ra quyết định tịch thu”, Luật sư Hải góp ý.

Theo ông, chính quyền phải tham gia giám sát quá trình kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Theo đó, UBND cấp tỉnh phải thông qua kế hoạch, quy trình kiểm tra của lực lượng chức năng.

“Điều này nhằm tránh việc người đi kiểm tra tùy tiện, có khi chỉ “phục” kiểm tra quán bia, rượu này mà không kiểm tra quán khác”, ông Hải nói.

Đồng thời, khi kiểm tra nồng độ cồn bắt buộc phải ghi hình lại (video) để làm bằng chứng. Trường hợp ngược lại, người vi phạm có video bằng chứng cảnh sát giao thông nhũng nhiễu sẽ được miễn trừ xử phạt, hoặc trả lại phương tiện.

“Phải làm công bằng nhân dân mới chấp nhận, chứ để nhân dân ở thế yếu làm người ta dễ bức xúc”, Luật sư Hải nhận định.

Trước ý kiến góp ý thay vì tịch thu xe, nên đề xuất tăng nặng thêm hình phạt từ khung cao nhất 15 triệu đồng lên 40 triệu đồng, Luật sư Hải cho rằng con số 40 triệu đồng chỉ có ý nghĩa với công chức nghèo. Mức này sẽ không là gì với “con nhà đại gia” cùng những bữa tiệc “bay đêm” vài trăm triệu đồng.

Do vậy, trong trường hợp này có thể chấp nhận mức phạt “tịch thu xe” như đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông.

Ông Hải cũng nhận xét, đề xuất “tịch thu xe” là biện pháp sốc nhưng gây được thông điệp lớn trong xã hội. Theo ông, đề xuất này cần quy định về thời gian thực thi.

Nếu quy định trên được ban hành, cần quy định riêng rằng, chỉ áp dụng sau 6 tháng kể từ khi quy định có hiệu lực. Trong thời gian 6 tháng này sẽ là thời gian tuyên truyền rầm rộ quy định tịch thu xe trong xã hội để người dân có tinh thần chuẩn bị.


Trước đó, ngày 27.2.2015, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép tăng mức xử phạt một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trong đó, mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô.

Ngay sau khi đề xuất trên được công bố, lập tức có nhiều ý kiến trên các phương tiện truyền thông bày tỏ quan điểm trái chiều nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Thọ ([Tên nguồn])
Đề xuất tịch thu xe của tài xế có nồng độ cồn cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN