Không có lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa

Sự kiện: Họp Quốc hội

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT nói rằng, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thực hiện đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Phát biểu tại phiên thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trước Quốc hội sáng 20/11, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, có ý kiến cho rằng, Bộ tổ chức biên soạn, thẩm định sách sẽ dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Không có lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa - 1

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Ông nói: “Không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thực hiện đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa”.

“Trong lịch sử chưa bao giờ Bộ GD-ĐT trực tiếp viết sách giáo khoa và sẽ không bao giờ tổ chức viết sách giáo khoa”.

Ông khẳng định, viết sách do các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia, tham gia vào còn Bộ GD-ĐT tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện lựa chọn nhân sự tập huấn, bổ sung... Hội đồng thẩm định sách cũng không thuộc Bộ, đây là đơn vị độc lập, đảm bảo tính khách quan.

Về kinh phí, Bộ trưởng Luận cho hay: “Chúng tôi chỉ báo cáo về kinh phí để viết bộ sách giáo khoa chứ không phải kinh phí cấp cho Bộ GD-ĐT biên soạn sách”.

Ông Luận cho biết thêm, một số ý kiến cũng cho rằng, không nên để Bộ GD-ĐT tổ chức, biên soạn vì không công bằng. Bởi Bộ dùng tiền nhà nước còn nhóm khác thì không.

Ông bày tỏ quan điểm, phải cân nhắc xem xét nhưng tính toán để các nhóm có điều kiện thuận lợi, quyền lợi tương đương và có trách nhiệm như nhau, bao gồm trách nhiệm về pháp lý và đạo đức khi sử dụng tiền của ngân sách, nhân dân.

Ở các nước có nền giáo dục phát triển, công việc biên soạn sách do viện nghiên cứu thực hiện. Tại Việt Nam, chưa có chuyên gia chuyên nghiệp và chưa có bộ máy tổ chức chuyên sâu trong soạn sách giáo khoa.

Do vậy, Bộ GD-ĐT huy động các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia biên soạn sách giáo khoa. Bộ cử các chuyên gia đi học, khi đủ điều kiện sẽ báo cáo với Chính phủ thành lập viện nghiên cứu chương trình sách giáo khoa.

Bộ cũng tranh thủ giúp đỡ của các nước, các trường đại học có nền giáo dục phát triển.

“Chúng tôi đề xuất giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách đồng thời khuyến khích các giáo viên, cá nhân biên soạn bộ sách giáo khoa khác”.

“Lần này làm sách mới theo cách mới cách tiếp cận phát triển năng lực chứ không làm theo cách trước đây là truyền thụ kiến thức cho học sinh”, ông Luận nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN