Khi trẻ mất tích, có nên chia sẻ thông tin trên mạng xã hội?

Từ vụ bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình bị sát hại sau khi mất tích, một số thông tin cho rằng việc truy lùng gắt gao của cư dân mạng khiến kẻ thủ ác quẫn trí làm liều.

Khi trẻ mất tích, có nên chia sẻ thông tin trên mạng xã hội? - 1

Bé Nghĩa (6 tuổi) ở Quảng Bình bị sát hại sau khi mất tích khiến nhiều người xót xa

Mới đây, cháu Trần Trung Nghĩa (6 tuổi, trú tại thôn Trường Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đã bị sát hại sau 5 ngày mất tích. Ngày 8/7, công an phát hiện xác cháu với nhiều vết đâm trên cơ thể ở một bãi cát cách nhà khoảng 2km.

Trước đó, từ ngày 3/7, sau khi gia đình trình báo việc mất tích của cháu Nghĩa. Cơ quan công an sau đó đã ra thông báo về việc tìm người và trên các diễn đàn, cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều hình ảnh, thông tin về việc mất tích của cháu Nghĩa.

Hiện nguyên nhân của vụ án vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, có nguồn thông tin cho rằng, việc chia sẻ những thông tin, hình ảnh cháu bé lúc mới nghi bắt cóc trên mạng xã hội đã có tác dụng ngược. Trong bước đường cùng và bị cư dân mạng truy lùng, kẻ thủ ác đã ra tay sát hại cháu bé.

Vậy, câu hỏi đặt ra là khi nghi trẻ bị mất tích, phụ huynh nên làm gì và có nên chia sẻ thông tin lên mạng xã hội không?

Xung quanh vấn đề này, ngày 10/7, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho hay, hiện các thông tin trên mạng xã hội thường rất phức tạp và giả giả thật thật, khó lường.

“Khi trẻ mất tích, việc những thông tin không kiểm chứng đưa lên mạng xã hội sẽ tác động đến gia đình nạn nhân khiến họ không biết tin vào đâu. Đối với cơ quan điều tra thì sẽ gây khó khăn cho các hướng tiếp cận và đối tượng phạm tội có thể sẽ có biện pháp đối phó khiến quá trình điều tra càng khó khăn hơn.

Hơn nữa, việc những thông tin chưa được kiểm chứng cũng tác động đến tâm lí đối tượng phạm tội, bởi các đối tượng này thường là những dạng lưu manh, côn đồ, nhân thân xấu, tâm lí yếu… nếu không kiềm chế được sẽ dẫn đến lo sợ và trở nên liều lĩnh, manh động”, Đại tá Thìn nói.

Theo Đại tá Thìn, tùy vào mỗi hoàn cảnh cụ thể, đối tượng cụ thể để có cách hành xử riêng. Đối với những trường hợp không có dấu hiệu của bắt cóc thì mạng xã hội sẽ phát huy được tính tích cực. Còn đối với trường hợp nghi bắt cóc, những thông tin sai lệch, bị bóp méo hoặc sự truy lùng gắt gao của cộng đồng mạng sẽ phản tác dụng. Vì vậy, việc có chia sẻ thông tin về trẻ mất tích lên mạng xã hội hay không cần cân nhắc kĩ lưỡng.

“Khi công an công bố tin mất tích, điều đó đồng nghĩa với việc vận động người dân, các ngành các cấp nếu có thông tin thì cung cấp cho gia đình và cơ quan chức năng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là cư dân mạng được quyền đưa lên mạng với những thông tin bị bóp méo, thổi phồng hoặc gây nhiễu loạn”, Đại tá Thìn cho hay.

Đại tá Thìn cũng cho biết thêm, khi trẻ mất tích hoặc nghi ngờ trẻ bị bắt cóc, tâm lí của cha mẹ các bé thường rất hoảng loạn, mất tỉnh táo.

Do đó, khi rơi vào trường hợp này, các bậc phụ huynh phải hết sức bình tĩnh, nắm chắc các thông tin và đặc điểm nhận dạng cháu bé trước khi mất tích như thế nào: quần áo, thời gian, xác minh các mối quan hệ của trẻ… Xem lại các mối quan hệ của cha mẹ xem có mâu thuẫn với ai không, trị an khu vực như thế nào?

Sau đó, nhanh chóng báo cáo sự việc cho cơ quan điều tra địa phương một cách nhanh chóng, kịp thời và phải trung thực. Không vì hoảng loạn mà đẩy sự vụ nghiêm trọng hơn để gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Đồng thời, bản thân gia đình thông qua các thân nhân, bạn bè của gia đình, của cháu bé mất tích để tìm hiểu thêm thông tin cung cấp cho cơ quan điều tra.

SỐC: Tìm thấy thi thể cháu bé mất tích bí ẩn ở Quảng Bình

Thi thể cháu Trần Trung Nghĩa mất tích cách đây 5 ngày được tìm thấy tại khu vực bãi cát trên địa bàn thị xã.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Bé trai ở Quảng Bình tử vong sau 5 ngày mất tích Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN