Khám phá mũ bảo hiểm 8 tỉ đồng của phi công F-35

Chiếc mũ bảo hiểm này giúp phi công F-35 có thể nhìn thấy tất cả những gì mà chiếc máy bay nhìn thấy, đồng thời xóa bỏ sự khác biệt giữa ngày và đêm.

Video phi công Mỹ sử dụng mũ bảo hiểm mới trên chiếc F-35:

Chiến đấu cơ F-35 Tia chớp II của không quân Mỹ là một trong những hệ thống vũ khí phức tạp nhất từng được chế tạo trên thế giới. Chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm này được mệnh danh là một “máy tính bay” bởi nó xử lý tới 8 triệu dòng lệnh trong khi bay.

Để điều khiển một cỗ máy phức tạp, tinh vi và hiện đại như thế, phi công F-35 cũng phải được trang bị những thiết bị điều khiển hiện đại tương ứng, trong đó nổi bật là chiếc mũ bảo hiểm trị giá tới hơn 8 tỉ đồng (400.000 USD).

Vốn được thiết kế để bảo vệ đầu của phi công trước các nguy cơ va đập, nhưng công dụng của chiếc mũ siêu đặc biệt này không chỉ dừng lại ở đó, và thậm chí bảo vệ đã trở thành công dụng phụ của nó.

Khám phá mũ bảo hiểm 8 tỉ đồng của phi công F-35 - 1
Chiến đấu cơ F-35 Tia chớp II của không quân Mỹ

Chiếc mũ bảo hiểm này được gắn hệ thống cảm biến vô cùng phức tạp và được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống máy tính trên chiếc F-35, giúp phi công có thể nhìn thấy tất cả những gì mà chiếc máy bay nhìn thấy, đồng thời xóa bỏ sự khác biệt giữa ngày và đêm.

Khi đội chiếc mũ bảo hiểm này trong buồng lái F-35, nếu nhìn xuống, phi công sẽ không nhìn thấy sàn máy bay mà là hình ảnh sinh động, rõ ràng mặt đất ở bên dưới. Nếu nhìn ra phía sau, phi công sẽ nhìn thấy bầu trời ở sau máy bay.

Để giúp phi công có được cái nhìn toàn diện như vậy, tấm kính phía trước mũ bảo hiểm trở thành một màn hình rộng kết nối với 6 camera độ phân giải cao gắn trên thân máy bay, và khi phi công nhìn về hướng nào, cả 6 camera sẽ tự động quay về hướng đó để cung cấp cho phi công cái nhìn rõ ràng nhất, chi tiết nhất về thế giới xung quanh.

Trên tấm kính chắn gió kiêm màn hình này không chỉ hiển thị những hình ảnh do camera thu thập được mà còn cung cấp cho phi công những thông số toàn diện của máy bay như tốc độ, độ cao, thậm chí cả địa điểm của kẻ thù và những loại vũ khí phòng không trên mặt đất.

Khám phá mũ bảo hiểm 8 tỉ đồng của phi công F-35 - 2
Cận cảnh chiếc "siêu mũ bảo hiểm" của phi công F-35

Ông Al Norman, phi công bay thử F-35 của hãng Lockheed Martin cho biết: “Khi chiếc mũ bảo hiểm biến thành con mắt của phi công, bạn gần như bước chân vào một thế giới hoàn toàn khác. Bạn có thể nhìn thế giới theo cách mà mắt thường của phi công không thể nhìn thấy được”.

Cũng giống như chiếc máy bay, loại mũ phi công này cũng vô cùng đắt đỏ, với chi phí chế tạo lên tới hơn 400.000 USD.

Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên của chiếc mũ siêu hiện đại này không phải là không có nhược điểm. Khi máy bay bị rơi vào vùng nhiễu động không khí, những hình ảnh trên màn hình mũ bảo hiểm cũng bị nhiễu loạn theo. Ngoài ra, hình ảnh do camera cung cấp có độ trễ nhất định, khiến nhiều phi công bị “say sóng”.

Không những thế, chế độ nhìn đêm của loại mũ này vẫn chưa thực sự xuất sắc, khi nó tạo ra một quầng sáng màu xanh cản trở tầm nhìn của phi công. Những điểm yếu này đã khiến Lầu Năm Góc phải thuê hãng BAE System thiết kế một loại mũ bảo hiểm dự phòng để đề phòng trường hợp xấu nhất vào năm 2011.

Khám phá mũ bảo hiểm 8 tỉ đồng của phi công F-35 - 3
Chiếc mũ bảo hiểm giúp phi công F-35 nhìn thấy mọi thứ mà máy bay nhìn thấy

Đến năm 2013, Lầu Năm Góc quyết định giao công việc chế tạo loại mũ bảo hiểm này cho Rockwell Collins khi cho rằng hãng này đã khắc phục được hầu hết những hạn chế của nó.

Hiện các phi công Mỹ đã bắt đầu bay thử với mũ bảo hiểm phiên bản thứ ba được tích hợp camera nhìn đêm mới và được nâng cấp về phần mềm. Tuy nhiên, hiện chiếc mũ bảo hiểm này vẫn còn vấn đề trong việc thu thập và chia sẻ thông tin với những chiếc F-35 khác bay trong đội hình.

Theo các phi công thử nghiệm, khi 2 chiếc F-35 bay cùng nhau, 2 phi công có thể trao đổi thông tin với nhau qua chiếc mũ này một cách dễ dàng và liên tục. Tuy nhiên khi bay trong đội hình có 4 chiếc trở lên, những vấn đề về liên lạc nảy sinh, khiến phi công có thể không nhận thức đúng về những gì đang diễn ra xung quanh.

Những lỗi này sẽ sớm được khắc phục để chiếc mũ bảo hiểm trên sớm được đưa vào phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu của F-35 Mỹ, với mức phí phụ trội đối với hãng Lockheed Martin dự kiến là 300 triệu USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN