Phiến quân IS tung video hành quyết dã man bốn “gián điệp” Iraq

Chỉ vài giờ sau khi tên đao phủ "John thánh chiến" khét tiếng của Nhà nước Hồi giáo IS bị "lột mặt nạ", nhóm khủng bố này tung ngay video mới ghi lại cảnh hành quyết 4 người đàn ông, bị cáo buộc là gián điệp, làm việc cho chính phủ Iraq. 

Phiến quân IS tung video hành quyết dã man bốn “gián điệp” Iraq - 1Ảnh cắt từ video hành quyết mới nhất của tổ chức khủng bố IS.
Video cho thấy, 4 nạn nhân mặc bộ  áo liền quần màu cam quen thuộc, tay bị trói phía sau lưng bị các tay súng IS mặc đồ màu đen, bịt mặt dẫn ra một bãi đất trống, xung quanh có nhiều cây cối. 

Phiến quân IS tung video hành quyết dã man bốn “gián điệp” Iraq - 2

Những người đàn ông mặc đồ màu cam, bị cáo buộc là gián điệp bị dẫn ra một bãi đất trống và bị hành quyết.

Các nạn nhân bị ép quỳ xuống đất. Các tay súng IS cầm súng ngắn đứng ngay bên cạnh họ. Chúng giết 4 người đàn ông bằng cách bắn vào phía sau đầu họ.

Các nạn nhân được xác định tên là Sabi Khalif Mohammad al-Taghi, Mohammad Mahdi Salah al-Jamili, Abdullah Mahmoud Abdullah al-Khamili và Salwan Saidy Suleiman al-Jabouri gục chết trên vũng máu.

Phiến quân IS tung video hành quyết dã man bốn “gián điệp” Iraq - 3
Các nạn nhân gục chết trên vũng máu

Vụ hành quyết được cho là đã diễn ra tại tỉnh Salahuddin ở Iraq. 4 người đàn ông bị cáo buộc nằm trong một đường dây gián điệp và làm việc cho chính quyền Baghdad.

Theo Daily Mail, video được công bố chỉ vài giờ sau khi tên đao phủ khét tiếng của IS, có biệt danh là "John Thánh chiến" bị nhận dạng.  John Thánh chiến bị cho là kẻ hành quyết các nhà báo Mỹ, James Foley và Steven Sotloff, nhân viên cứu trợ người Anh David Haines, lái xe taxi Alan Henning, nhân viên cứu trợ người Mỹ Abdul-Rahman Kassig, hay còn được gọi là Peter,

Theo tổ chức nghiên cứu phi chính phủ CAGE có trụ sở ở London, Anh, "John Thánh chiến" tên thật là Mohammed Emwazi, từng sống ở phía Tây London và từng tốt nghiệp đại học Đại học Westminster.

Phiến quân IS tung video hành quyết dã man bốn “gián điệp” Iraq - 4Chân dung "John Thánh chiến" trong các video hành quyết của IS mà y là đồ tể khát máu.

Lãnh đạo của CAGE, Asim Qureshi ngày 26.2 trong một cuộc họp báo mô tả, "John Thánh chiến" trước đây khi chưa gia nhập IS là một chàng trai trẻ điển trai, lương thiện, không bao giờ làm hại đến ai, thậm chí một con ruồi. 
 
Mohammed Emwazi cùng cha mẹ ông chuyển tới Tây London từ quê hương Kuwait năm lên 6 tuổi, và bắt đầu sống một cuộc đời bình thường, học tập chăm chỉ và tốt nghiệp ngành khoa học máy tính của Đại học Westminster năm 2009.

Tuy nhiên, Tình báo Anh đã "để mắt" đến Mohammed Emwazi hồi tháng 5.2009. Emwazi bị bắt cùng 2 người bạn ngay khi hạ cánh xuống Tanzania. Các quan chức Anh cho rằng, Emwazi và bạn bè đang trên đường tới Somalia để chiến đấu trong hàng ngũ nhóm khủng bố al-Shabab.

Các quan chức tình báo Anh còn được cho là đã cố gắng "chiêu mộ" Emwazi để giúp họ thu thập tin tức về nhóm al-Shabab trước khi dẫn độ y về  Anh.

Một số chuyên gia đặt câu hỏi, vì sao một thanh niên bình thường có thành tích học tập tốt lại trở nên cực đoan, rồi trở thành đồ tể của tổ chức khủng bố khét tiếng IS. Liệu các cơ quan tình báo Anh có lỗi trong trường hợp của Mohammed Emwazi cũng như quá trình y biến đổi từ một thanh niên bình thường thành "tên đồ tể khát máu"? Các chuyên gia tranh luận, liệu các cơ quan tình báo Anh đã đối xử với Emwazi quá hà khắc, đẩy y vào đường cùng hay đã quan liêu, không xác định y là mối đe dọa nghiêm trọng sớm hơn.

Chuyên gia Shashank Joshi bình luận, các cơ quan an ninh ở phương Tây, chẳng hạn như Anh, Pháp, và thậm chí Mỹ, đang lâm vào tình huống "tiến thoái lương nan" khi nghi ngờ nhiều thanh niên trẻ trong nước ngày càng có khuynh hướng cực đoan và có ý định gia nhập các nhóm thánh chiến, cực đoan ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Đông.

Tuy nhiên, họ lại không  thể thu thập  đủ bằng chứng để chính thức truy tố, hoặc thậm chí, áp dụng hình thức giám sát nghiêm ngặt đối với những đối tượng trên.

Đối với trường hợp của Emwazi, BBC trích dẫn hồ sơ từ tòa án năm 2011 tiết lộ, y là thành viên của một mạng lưới những kẻ cực đoan chuyên chiêu mô tân binh người Anh tới Somalia để tiến hành các hoạt động khủng bố. Nhóm này có liên hệ với nhóm cực đoan al-Shabab tại Somalia.

Giám đốc tổ chức CAGE, ông Asim Qureshi, người đã tiếp xúc với Emwazi mùa thu năm 2009 và giữ liên lạc với y trong suốt 2 năm kể lại rằng, Emwazi đã rất phẫn nộ trước những cách hành xử của các cơ quan an ninh Anh.

Emwazi bị bắt khi từ Anh bay sang Đức rồi tới Tanzania với tên giả là Muhammad Muazzam. Theo ông Qureshi, Emwazi đã bị cảnh sát "hành hung, tra tấn thô bạo" trước khi bị dẫn độ về Anh.
 
Khi trở về từ Tanzania, y tiếp tục bị bắt giữ và bị thẩm vấn các quan chức an ninh thẩm vấn.

Emwazi sau đó chuyển đến Kuwait - quê hương của y và làm việc cho một công ty máy tính. Y đã trở lại London ít nhất hai lần.

Tháng 6.2010, Emwazi lại bị các quan chức chống khủng bố của Anh bắt giữ. Vào tháng Bảy năm đó, theo ông Qureshi, Emwazi không được phép quay trở lại Kuwait vì không được gia hạn visa và y đổ lỗi cho chính phủ Anh.

"Tôi đã có một công việc tốt và sắp kết hôn. Nhưng giờ đây, tôi cảm thấy mình như một tù nhân, bị giam cầm trong một cái lồng ở London. Chính các nhân viên an ninh đã giam cầm và kiểm soát tôi, đặt dấu chấm cho cuộc sống mới của tôi ở nơi tôi sinh ra và cũng là quê hương của tôi, Kuwait", Qureshi trích dẫn bức thư Emwazi viết cho ông hồi năm 2010.

Qureshi cho biết, lần cuối cùng ông ta liên hệ với Emwazi là vào tháng 1.2012. Đến năm 2013, Qureshi nghe nói Emwazi đang ở Idlib, Syria canh giữ các con tin phương Tây của IS. Tháng 8.2014, Qureshi tin rằng, Emwazi trở thành tên đồ tể của IS, bắt đầu xuất hiện trong các video chặt đầu con tin kinh hoàng, gây chấn động toàn thế giới.

Một số người đặt câu hỏi, ngay cả khi những câu chuyện mà Qureshi kể về Emwazi là xác thực, "Liệu có đáng để  trở thành tên đồ tể chuyên chặt đầu những người vô tội chỉ vì bị cảnh sát gây khó dễ"? Câu trả lời là không.

Chính phủ Anh, các cơ quan tình báo nước này Mỹ, vẫn chưa lên tiếng xác nhận các tuyên bố của Qureshi về việc tên đồ tể khét tiếng của IS chính là Mohammed Emwazi. Một quan chức Anh nhấn mạnh, quá trình nhận dạng "John Thánh chiến" vẫn đang diễn ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng (theo Daily Mail) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN