Hụt hẫng với nhiều đề xuất chống ngập cho TPHCM

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

TPHCM vừa bước vào mùa mưa, nạn ngập nước đang là nỗi bức xúc, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu, giải pháp xóa ngập được chuyển đến lãnh đạo TPHCM xem xét triển khai song đáng tiếc nhiều đề xuất không khả thi.

Hụt hẫng với nhiều đề xuất chống ngập cho TPHCM - 1

Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư chống ngập nhưng khi mưa lớn TPHCM vẫn bị ngập nặng (ảnh lớn). Không chỉ thiệt hại về tài sản, người dân còn đối mặt với ô nhiễm, dịch bệnh (ảnh nhỏ). Ảnh: Ngô Bình.

Hì hục tát nước cả đêm

Đến sáng 31/5, tuyến đường Chiến Lược (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) vẫn còn ngập dù cơn mưa đã dứt từ chiều hôm trước. Chỉ vài cơn mưa đầu mùa, nhiều khu vực ở TPHCM đã bị ngập sâu. Ngoài đường, ô tô, xe hai bánh chết máy, đi lại khó khăn. Trong nhà, nước bẩn hôi thối tràn vào, người dân hì hục tát nước cả đêm.

Bà Hoa (46 tuổi), chủ tiệm tạp hóa trên đường Chiến Lược nói người dân đã chịu đựng cảnh ngập úng hơn 10 năm nay. Nhiều nhà nâng 3-4 lần vẫn không thoát ngập. Nhiều người chịu không xiết phải bán nhà chuyển đi nơi khác. “Tui không có điều kiện nên còn ngoắc ngoải ở đây. Mà bán nhà cũng không dễ. Người ta mong trời mưa chứ dân ở đây cầu đừng có mùa mưa, vì mưa xuống là khổ” – bà Hoa nói.

Tại cuộc họp xem xét đề xuất chống ngập bằng “giải pháp mềm” của công ty TNHH Mục tiêu Môi trường và Cộng đồng (EPT) chiều 31/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận ngập lụt đang là nỗi bức xúc rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Theo ông Phong, tình trạng ngập ở TPHCM trong nhiều năm qua do mưa, triều cường dâng cao, xả lũ, tình trạng nước biển dâng và không loại trừ đô thị đang lún. Trong khi đó, công tác quản lý chưa tốt.    

“Nghe Bí thư nói các anh hứa nếu triển khai TPHCM sẽ hết ngập nhưng qua trình bày thì mới là kết quả nghiên cứu chứ chưa phải là dự án giảm ngập. Đề án mới giải quyết tình trạng ngập do triều, chưa đồng bộ với chống ngập do mưa”. 

Chủ tịch UBND TPHCM
Nguyễn Thành Phong

Phó bí thư thường trực thành ủy Tất Thành Cang cho rằng khả năng thoát nước của TPHCM rất kém bởi mâu thuẫn giữa quy hoạch cũ và quy hoạch mới. Hệ thống cống thu gom nước thải, nước mưa chưa đồng bộ, bị xung đột nên kém hiệu quả. Có những hệ thống cống đường kính làm 2 m nhưng chỉ liên thông với cống cũ theo dạng xương cá. Hệ thống sông rạch có chức năng thoát nước nhưng quản lý chưa tốt nên kém hiệu quả.

Ông Cang kể: “Tuyến kênh Đôi, Kênh Tẻ có chức năng giao thông thủy do trung ương quản lý, đến cuối năm rồi mới giao lại TPHCM. Do không được nạo vét, phù sa, bùn lấp kín các cửa xả từ cống ra kênh”.

Mới đây, công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM có văn bản báo cáo Sở GTVT về việc nhà thầu thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 tự ý đắp bao cát và tháo van ngăn triều làm mất tác dụng chống ngập khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Hụt hẫng với nhiều đề xuất chống ngập cho TPHCM - 2

Ngập úng là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM.

Làm kè hở để chống ngập

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết trước tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng, lãnh đạo TPHCM đã nhận được nhiều đề xuất của các nhà khoa học, người dân, hiến kế, đề ra nhiều giải pháp chống ngập.

Một trong các đề xuất ấy là công trình nghiên cứu chống ngập bằng “giải pháp mềm” và các biện pháp “ít hối tiếc” của EPT. Theo đó, thay vì xây cống tại các cửa sông Lòng Tàu, Soài Rạp để hạ thấp mực nước triều, EPT đề xuất làm kè hở là một số cánh cửa khổng lồ tự động đóng mở, vừa có tác dụng hạ thấp được mực nước triều, vừa đảm bảo giao thông thủy thông suốt. Giải pháp này còn giảm thiểu tình trạng xâm nhập mặn, điều tiết lũ khi thượng nguồn có mưa lớn. Ngoài ra, EPT đề nghị làm hồ điều tiết sinh học tại huyện Cần Giờ.

Được giới thiệu nghiên cứu từ năm 2006, quy trình nghiên cứu rất khoa học, bài bản song đề xuất của EPT được rất ít chuyên gia đồng tình. TS Phạm Sanh đề nghị nên dừng lại ở mức độ nghiên cứu khoa học vì TPHCM đã triển khai công trình xây đập trên các sông.

Ông Phong đề nghị EPT tiếp thu ý kiến các nhà khoa học để nghiệm thu và trình lãnh đạo TPHCM xem xét như một giải pháp chống ngập.

Nhiều giải pháp…trời ơi

Đề xuất gần đây nhất là mua 63 xe bơm chống ngập di động của Trung tâm chống ngập TPHCM với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Theo đề xuất này, xe bơm sẽ chống ngập cho khoảng 30 tuyến đường, tập trung nhiều ở các quận: 6, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp với khoảng 336 ha. Không chỉ có giá cực đắt, ngang với siêu xe Rolls Royce, nhiều chuyên gia đã chỉ ra việc sử dụng xe bơm di động chống ngập là lãng phí, gây cản trở giao thông, đặc biệt là bơm ra kênh rạch, nước lại chảy vào nên không hiệu quả.

Cũng vừa mới đây, một nhà khoa học đề xuất chính quyền vận động người dân xây bể trữ nước trong nhà và trên mái để lưu giữ nước khỏi đổ ra ngoài gây ngập. Nhiều chuyên gia cho rằng về lý thuyết, đây là một giải pháp tốt nhưng thực tế rất khó triển khai. Chưa kể TPHCM có hai mùa mưa nắng. Mùa nắng, bể nước sẽ không phát huy được tác dụng.

Đề xuất khác được đưa ra là làm 3 hồ điều tiết (trong tổng số 103 hồ đã quy hoạch với tổng diện tích 875 ha), gồm: Gò Dưa (quận Thủ Đức 95 ha, giai đoạn một sẽ xây dựng 25 ha); Bàu Cát (quận Tân Bình, 4 ha) và Khánh Hội (quận 4; 4,8 ha) với tổng kinh phí hơn 950 tỷ đồng cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là không thực tế. Mới đây, UBND quận Tân Bình đã có văn bản phản đối làm hồ điều tiết Bàu Cát vì cho rằng lãng phí, không hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN