Đá "lạ" ở đền Hùng: Không phải bùa yểm

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, hòn đá “lạ” tại đền Hùng là sản phẩm kết hợp một cách vô lối của Nho giáo và Phật giáo.

Những ngày diễn ra lễ hội Đền Hùng 2013, hòn đá “lạ” tại đền Thượng (Khu di tích Đền Hùng) tạo sự chú ý của dư luận. Theo giải thích của tác giả hòn đá “lạ”, trong quá trình trùng tu đền Hùng, phát hiện viên gạch lạ và nghi ngờ đây là một loại bùa yểm do “đạo sĩ cao tăng Nguyên Mông cải trang” mang sang. Sau khi nghiên cứu hòn gạch yểm, Ban quản lý di tích đền Hùng đã nghĩ cách tìm hòn đá có năng lượng mạnh, đặt vào đền Thượng để phá yểm hòn gạch kia. Đó là căn nguyên xuất hiện hòn đá “lạ” tại đền Hùng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử lại không cho rằng viên gạch “lạ” và hòn đá “lạ” là bùa yểm.

Đá "lạ" ở đền Hùng: Không phải bùa yểm - 1

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền

Bùa yểm – chỉ là suy đoán?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ VH – TT – DL) cho rằng, hòn đá “lạ” vốn không có ở đền Hùng, mới được đưa vào một cách vô nguyên tắc, sau thời kỳ tu bổ di tích này. Đây là hòn đá mới làm của một người nắm về các giáo lý không đến nơi đến chốn, chắp vá lung tung. 

Ông Biền lý giải, hệ thống chòm sao nước ta được thể hiện trên tạo hình từ thế kỷ 17 (trước đó có thể có nhưng chưa tìm thấy hiện vật đối chứng) đến trước thế kỷ 19 chòm sao được làm rõ. Điển hình ở Ngọn Môn và một vài nơi khác...

Hòn đá “lạ” tại đền Hùng vẽ các chòm sao được kết nối với nhau bằng nét gạch dưới dạng hình vuông, hình chữ nhật, hình thang, hình tam giác... không nằm trong hệ sao cụ thể nào hết. Hơn nữa, “chòm sao” phần nhiều gắn với Nho giáo nay đem đưa vào đó cả những chữ Phạn của Phật giáo. Đó là Nho, Phật được kết hợp một cách vô lối, không đúng một truyền thống nào có từ trước đến nay trên nước ta.

“Đền Hùng của chúng ta thờ tổ tiên, hoàn toàn là tín ngưỡng dân gian, vậy mà đưa chữ Phạn của đạo Phật với chữ Nho vào đây làm nhòe tinh thần dân tộc. Có thể người ta đưa hòn đá vào đền Hùng để tăng thêm sự huyền bí, nhưng đền Hùng không cần sự huyền bí ấy”, ông Biền bày tỏ quan điểm. 

Ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, quan tâm nhiều hơn đến hòn gạch được cho là một loại bùa yểm do “đạo sĩ cao tăng Nguyên Mông cải trang” mang sang.

“Tại sao có thể nói rằng viên gạch có bọc giấy bạc là bùa yểm? Đã có cơ quan nào nghiên cứu và công bố điều đó không?”, ông Quốc nghi vấn.

Đá "lạ" ở đền Hùng: Không phải bùa yểm - 2

Nhiều người dân hiếu kỳ xem hòn đá và rải cả tiền

“Nhất định phải bỏ ra khỏi đền Hùng”

Theo ông Quốc, vấn đề phong thủy có thể là do tập quán, có thể tôn trọng, nhưng nếu là nơi di tích đặc biệt của Quốc gia, cần tuân thủ luật Di sản. Đưa cái gì mới vào, bỏ cái gì ra phải tuân theo quy định, nếu sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Tôi hiểu rằng, đã đặt vào, giờ bỏ ra là việc khó, nhưng không phải sự đã rồi mà không có cách giải quyết. Chúng tôi sẽ đề nghị với Hội đồng Di sản Quốc gia làm rõ việc này. Ngày hôm nay đưa hòn đá, ngày mai là cái gì khác thì sao?”, ông Dương Trung Quốc nói.

Giám đốc Sở VT–TT–DL Phú Thọ, ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, nhiều ý kiến cho rằng đền Hùng là đất thiêng nên không cần yểm bùa và phải chuyển hòn đá ra ngoài. Tuy nhiên, chưa thể di dời hòn đá này vì cần xem xét kỹ những ảnh hưởng tốt, xấu của nó. UBND tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức cuộc hội thảo, mời các nhà nghiên cứu Hán Nôm, chuyên gia... và Cục Di sản cùng đánh giá về hòn đá.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền không đồng ý với quan điểm cần tổ chức hội thảo để tìm cách xử lý hòn đá “lạ”. Ông Biền cho rằng, nhất định phải bỏ hòn đá này ra khỏi đền Hùng. Bởi nó không phải của đền Hùng nên không cần hội thảo nào hết.

“Không cần hội thảo một hòn đá mang đầy tính mê tín di đoan và vô lối, không theo dòng chảy văn hóa nào của tổ tiên”, ông Trần Lâm Biền bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN