Hành trình trốn chạy IS trên Địa Trung Hải

Trong số hàng ngàn người liều mạng di cư trên Địa Trung Hải để đến cửa ngõ châu Âu kiếm sống, có không ít người chạy trốn sự tàn sát của những kẻ cuồng tín Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Libya.

Trốn chạy sự tàn sát

Chỉ vài ngày trước khi chiếc tàu chở người di cư bất hợp pháp bị chìm khiến khoảng 900 người thiệt mạng, một chiếc tàu khác đã chở những người vượt biển từ Libya đến châu Âu để chạy trốn những kẻ giết người IS. Một nhóm người tị nạn Eritrea cho biết, họ buộc phải chối bỏ đức tin của họ, hoặc phải đối diện với cái chết dưới bàn tay của các tay súng Hồi giáo đã tuần tra các thị trấn, bãi biển của các nước Bắc Phi để săn tìm những “kẻ ngoại đạo”. Chàng thanh niên Haben chỉ mới 19 tuổi nói rằng: “Chúng tôi là những người theo đạo Kito, nhưng chúng tôi phải chối bỏ đức tin nếu không các tay súng sẽ giết chết, bằng cách rạch cổ họng và cắt đầu chúng tôi”. Aman (18 tuổi) cho biết: "Tôi đã có một cây thánh giá bằng gỗ nhưng tôi đã phải vứt nó đi để giữ mạng sống của mình. Các tay súng đến và lùng sục những kẻ ngoại đạo, vì vậy tôi đã cắt sợ dây thánh giá ra khỏi cổ và ném nó đi”.

Hành trình trốn chạy IS  trên Địa Trung Hải - 1

Người dân địa phương và lực lượng cứu hộ bờ biển đã cứu vớt một số người di cư bất hợp pháp từ Libya vượt Địa Trung Hải để đến Hy Lạp ngày 21.4.  Dailymail

Em trai của Haben lSamuel, 14 tuổi, đến Sicily chỉ vài ngày trước khi khoảng 900 người đã thiệt mạng khi tàu của họ bị đắm trong cuộc hành trình nguy hiểm từ Libya.

Haben cho biết bạn bè của mình đã bị bắn chết bởi những kẻ khủng bố IS. Những kẻ khủng bố này đi tuần tra các làng mạc và bãi biển, chúng hỏi những người chúng gặp rằng họ theo tôn giáo nào. “Nếu bạn là người theo đạo Kito, hay giáo phái nào đó không phải là Hồi giáo, chúng sẽ đưa bạn đi và giết chết. Điều này đã xảy ra với hang trăm người theo đạo Kito”- Haben nói.

Haben và anh trai Samuel đã mạo hiểm cuộc sống của họ để leo lên những chiếc tàu tị nạn trong niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn ở châu Âu.

2.000USD/chỗ ngồi

Libya đã trở thành“quả bom” di cư ở miền nam châu Âu. Tình hình bạo loạn tại đây đã mở đường cho làn sóng di cư, với khoảng 300-700 người trốn chạy mỗi ngày. Trong vòng 16 tháng gần đây, đã có 5.500 người chết, nạn nhân của các xung đột đang diễn ra tại Trung Đông và châu Phi, khoảng 1.650 người thiệt mạng khi vượt biển, cùng với khoảng 280.000 người nhập cư bất hợp pháp vào năm 2014. Nạn nhân đến từ khắp nơi, trước tiên là những người trốn chạy bạo lực, sát hại hay nạn đói. Họ là người Syria, Somalia hay Eritrea.

Lòng nhân từ của những nước tiếp nhận, trong đó có Italia không thể bù đắp được tình trạng thiếu thốn phương tiện. Bị giằng xé giữa nhu cầu cứu người vượt biên gặp nạn và nghĩa vụ bảo vệ biên giới, Liên minh châu Âu chỉ lượn vòng ngoài biển Malta và Libya mà không được ủy quyền cứu giúp nạn nhân, hay chẳng được trang bị đầy đủ để buộc họ chuyển hướng quay về.

Do không có người đối thoại từ phía Libya, châu Âu phải được Liên Hợp Quốc ủy quyền để canh tuần bên ngoài bờ biển Libya, nơi họ có cơ hội đẩy lùi người nhập cư bất hợp pháp và bắt những kẻ tổ chức vượt biên trái phép.

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, đã có khoảng 1.300 người được cho là đã chết trên biển trong khi cố gắng để đến được châu Âu trên những con tàu đến từ Libya. Aman cho biết, mỗi người phải trả 2.000USD cho một chỗ ngồi ở trên tàu cá. Họ lênh đênh trên biển trong hai ngày trước khi được cứu.Những người di cư này được đưa đến một trại tị nạn mở Mineo, nơi đang có khoảng 4.000 người lưu trú. Từ trại này, nhiều người tìm cách để đến được Rome, hoặc những nước khác bằng cách trốn tiếp trong cái mui xe, hoặc những chiếc xe chở hàng.

Những thiếu niên này khi rời khỏi đất nước đã mang theo đức tin mà họ theo đuổi, giấu kín những chuỗi vòng thánh giá bằng gỗ được đeo trên cổ  bên dưới lớp áo dày. Tuy nhiên, có những người không đủ can đảm để làm điều đó, bởi trên những chiếc tàu chở người di cư, không ai dám chắc được rằng không có phiến quân của IS trà trộn để lọt vào châu Âu.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN