Hành trình lạc lối của 600 thiếu nữ hiến thân cho IS

Các cô gái bị dụ dỗ, thậm chí ép buộc tới Syria gia nhập IS mà không hề biết rằng mình đang đặt chân vào một hành trình không lối thoát.

Khi 3 nữ sinh Anh tìm cách vượt biên tới Syria, khi một thiếu nữ 14 tuổi lần thứ 2 trốn khỏi nhà trên dãy Alps, khi một cô gái ở miền nam nước Pháp lên lịch trình đến Trung Đông, tất cả họ đều đang dấn thân vào một con đường không lối về.

Cho đến nay, ước tính có khoảng 600 thiếu nữ phương Tây đã lên đường tới Iraq và Syria để gia nhập phiến quân IS, và mới chỉ có 2 trong số đó trốn thoát thành công về nhà. Trong khi đó, tỉ lệ chiến binh nam đào tẩu khỏi IS là khoảng 30%, theo ước tính của chính phủ các nước châu Âu.

Hành trình lạc lối của 600 thiếu nữ hiến thân cho IS - 1
3 thiếu nữ người Anh vượt biên tới Syria để gia nhập IS

Sau khi dấn thân đến Trung Đông và gia nhập IS, các thiếu nữ này gần như phải lấy chồng ngay lập tức. Với khoảng 20.000 chiến binh nước ngoài đang chiến đấu cho IS, nhu cầu tìm vợ của họ luôn luôn ở mức cao, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm nay.

Sống trong lòng IS, những cô gái chấp nhận hiến thân cho các chiến binh này không được phép ra ngoài mà không có nam giới đi kèm, và luôn phải mặc một bộ quần áo trùm kín mít từ đầu tới chân. Nếu vi phạm, họ sẽ bị đánh đòn hoặc chịu những hình phạt tồi tệ hơn.

Sau những háo hức ban đầu, các cô gái này phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống thánh chiến, đó là thiếu điện, thiếu thực phẩm, thiếu các loại thuốc men cơ bản, và gần như không có quyền riêng tư, trái ngược với cuộc sống phương Tây mà các cô đã có.

Hành trình lạc lối của 600 thiếu nữ hiến thân cho IS - 2
Các thiếu nữ phương Tây tại thành phố Raqqa, sào huyệt của IS tại Syria

Các cô cũng chỉ ở trong nhà, phục vụ nhu cầu tình dục của các chiến binh IS hoặc đi tuần tra trên phố chứ không được ra chiến trường, như những lời hứa hẹn trong các tuyên bố tuyển mộ của IS.

Bà Sara Khan, nhà hoạt động chống tuyển mộ cực đoan thuộc nhóm Inspire cho biết: “Cuộc sống của những thiếu nữ này bị kiểm soát rất chặt chẽ, mặc dù nó luôn được IS thi vị hóa. Tôi cho rằng các cô gái trẻ này đã không nghĩ đến việc họ không còn đường về khi gia nhập IS”.

Hai cô gái người Anh và người Đức đã nhận ra sai lầm của mình và chạy trốn khỏi IS, nhưng khi về nước, họ đều bị nhà chức trách bắt giữ và điều tra với cáo buộc ủng hộ khủng bố. Mặc dù họ không phải ngồi tù, nhưng tương lai của họ chắc chắn sẽ mờ mịt hơn rất nhiều với những ám ảnh đau buồn từ quá khứ.

Còn những cô gái còn lại, không biết tìm đường nào để thoát khỏi IS, có thể sẽ phải chấp nhận cuộc sống không như mơ ước tại những khu vực do IS kiểm soát, và thường xuyên hứng chịu hiểm nguy rình rập từ những cuộc không kích của liên quân.

Hành trình lạc lối của 600 thiếu nữ hiến thân cho IS - 3
Các nữ binh IS tuần tra trên đường phố Raqqa

Theo các chuyên gia phân tích, có vẻ như các cô gái này ngay từ đầu đã không hiểu được rằng mình đang dấn thân vào một con đường sai lầm nhưng không còn lối trở về. Chuyên gia Melanie Smith tại Đại học King ICSR nhận định: “Tôi cho rằng họ hiểu mình sẽ bước vào con đường nào, nhưng họ không hiểu được thực tế con đường đó ra sao”.

Đó là trường hợp của Amelia, một cô gái 14 tuổi đến từ vùng Isere trên dãy Alps của Pháp. Hồi tháng 1.2014, cô tiếp xúc với một chiến binh người Pháp, và đúng một tháng sau đó, cô đồng ý sẽ bỏ nhà tới Syria để kết hôn với chiến binh tự gọi mình là Tony Toxiko này.

Khi bị cảnh sát phát hiện và ngăn chặn ở sân bay Lyon, Amelia được đưa về nhà, và Tony Toxiko ngay sau đó đã thuyết phục một cô gái Pháp khác tới Syria để cưới anh ta. Còn Amelia vẫn tin tưởng mù quáng vào tư tưởng thánh chiến và tiếp tục bỏ nhà lần thứ hai để chạy tới Bỉ và kết hôn với một chiến binh người Algeria. Sau đó, cô đã vượt biên tới Syria cùng chiến binh này trong tình trạng bụng mang dạ chửa.

Hành trình lạc lối của 600 thiếu nữ hiến thân cho IS - 4
Các thiếu nữ phương Tây không còn đường quay lại một khi đã gia nhập IS

Luật sư người Pháp Sebastien Pietrasanta, người tham gia vào một chương trình chống cực đoan hóa đối với thanh thiếu niên, tâm sự: “Các gia đình rất khó để phát hiện điều này. Đối với những thiếu nữ đó, quá trình cực đoan hóa diễn ra trên mạng và bên ngoài quan hệ gia đình”.

Một phóng viên Pháp đã lấy tên giả là Melodie và lập một tài khoản Facebook giả để bày tỏ sự quan tâm tới phong trào thánh chiến, và gần như ngay lập tức, một chiến binh liên hệ với cô và dụ dỗ cô tới Syria.

Sau một thời gian dài dụ dỗ nhưng “Melodie” chưa chịu bỏ nhà tới Syria, chiến binh này đã giở giọng đe dọa cô bằng những lời lẽ có thể sẽ khiến những cô gái phải sợ hãi và chịu phục tùng. Phóng viên này thuật lại lời đe dọa của gã chiến binh trên: “Chúng tao sẽ tìm ra mày, mày không biết đã dính vào cái gì đâu, mày đang đùa với một nhóm khủng bố, và mày cùng cả gia đình sẽ phải trả giá”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN