Hạnh phúc của người đàn bà không chân

Sự kiện: Thời sự Quảng Trị

Thực ra, chị không phải không có chân. Lúc chào đời cho đến năm 13 tuổi, đôi chân chị lành lặn, chạy nhảy như bao đứa trẻ khỏe mạnh khác! Nhưng rồi bom đạn chiến tranh gần 50 năm trước đã cướp mất đôi chân ấy của chị... Người phụ nữ kém may ấy là chị Nguyễn Thị Cúc, ở khu phố 2, phường Đông Giang, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Vượt lên số phận

Ngôi nhà xây cấp bốn 3 gian, mái ngói đỏ tươi của gia đình chị Cúc hướng mặt ra con sông Hiếu lịch sử, cách bờ sông này chỉ chừng vài chục bước chân người. Khi chúng tôi đến, chị đang vui vẻ nói cười bên con gái và đứa cháu ngoại 5 tháng tuổi.

Chị Cúc đứng mà như ngồi; hai chân cụt gần tới bẹn tì trên hai chiếc đòn càn, mặt chỉ ngang đứa bé được người mẹ trẻ ẵm bồng trên một chiếc ghế gỗ cũ kỹ. "Mời cô, chú sang bàn bên kia uống nước!", chị chỉ tay vào chiếc bàn khách đặt ở gian giữa ngôi nhà, bảo với chúng tôi.

Hạnh phúc của người đàn bà không chân - 1

Chị Cúc phụ giúp chồng sơn quét chậu hoa cây cảnh để bán cho khách hàng.

Đoạn, chị nói tiếp: "Chị có gì hay đâu mà mấy đứa viết báo. Sau bao rủi ro, đau khổ, may ông trời còn để mắt tới nên cho chị một cuộc sống bình thường".

"Chị à, dễ gì sống cuộc sống bình thường theo đúng nghĩa! Giữa biển người và cuộc sống xô bồ, có khối người bình thường mà không sống được cuộc sống bình thường đó thôi. Còn chị thì khác, chị không may mắn mất đi một phần thân thể nhưng chị thật phi thường để có được một cuộc sống bình thường!", tôi bảo chị Cúc.

Ngẫm một lúc, chị gật đầu đồng ý chuyện trò với chúng tôi. "Cái buổi sáng hôm đó không thể nào quên trong cuộc đời của chị. Là sáng 5-4-1968, chị lúc đó 13 tuổi, học lớp 7, được nhà trường cho nghỉ học vì bận họp giáo viên.

Thấy ba mẹ cuốc đất lam lũ ngoài vườn nên chị cũng ra đó để xem có thể giúp được việc gì. Nhưng khi vừa ra tới, chị chỉ kịp nghe một tiếng nổ long trời lở đất dội lại mà không biết gì thêm nữa", chị Cúc trầm ngâm nhớ lại.

"Lúc tỉnh lại, chị thấy mình nằm trên một chiếc giường, được phủ ga màu trắng. Chị cố cựa quậy để đứng dậy nhưng không còn cảm giác hai cái chân đâu nữa. Chị hoảng sợ, gọi "mẹ ơi"! Từ bên ngoài, mẹ chị chạy vào rất nhanh.

Bà đổ sụp người xuống ôm lấy con run rẩy, hai hàng nước mắt cứ tuôn ra ướt hết má chị mà không cầm lại được. Chị lờ mờ nhận ra, mình đã gặp phải việc không may", chị kể, đôi mắt bỗng đỏ hoe.

Rồi chị cố rướn người nhìn lên phía bàn thờ, nơi có tấm hình người mẹ. Chị khóc không phải vì nỗi đau ngày ấy bị mất mát một phần thân thể, mà khóc vì nỗi đau khổ tận cùng của người mẹ mình, lúc đó và cả hàng chục năm sau này.

Bom đạn cướp mất đôi chân đồng nghĩa cướp mất tương lai phía trước của một đứa trẻ. Bởi lẽ, thời bình người cùi cụt đến trường còn gặp bao khó khăn vất vả, huống là thời chiến, bom đạn rền vang đêm ngày khắp nơi.

Thế nhưng, cô bé Nguyễn Thị Cúc đã tự quyết tâm không để nỗi đau khổ của cha, nước mắt của mẹ kéo dài, rơi thêm nữa. Chị bảo với ba mình đóng cho hai chiếc đòn càn để thay vì chỉ nằm ngọ nguậy bấy lâu trên giường, chị có thể nâng thân thể đi lại.

Chị Cúc đi lại bằng cách bám hai bàn tay vào hai chiếc đòn càn. Dùng tay bên này chống nâng cái chân cụt phía bên kia tiến lên và tì vào chiếc đòn càn đó. Xong, tay bên kia chống nâng trở lại cái chân cụt phía bên này tiến lên…

Cứ như thế, chị kiên trì tập từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này qua tháng khác cho đến lúc đi lại khá thuần thục và có thể tự chăm lo mọi sinh hoạt của bản thân.

Hạnh phúc của người đàn bà không chân - 2

Chị Cúc khoe những tấm huy chương do mình nỗ lực đoạt được.

Đi lại được khiến chị rất vui. Nhưng sau khi thoát ra được "thế giới" chỉ là chiếc giường con và khoảng sân nhà chật hẹp, nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường trên con đường làng ngang qua trước mặt nhà mình, chị lại cảm giác một nỗi buồn tê tái.

"Nhưng mình không thể để ba mẹ phải buồn thêm dù chỉ một ngày nào nữa. Mình nhất định phải làm được một việc gì đó có thể tự nuôi sống bản thân, để khi ba mẹ về già không còn phải lo lắng cho mình", chị cắn chặt môi quyết tâm. 

Ngày hôm đó, sau bữa cơm chiều, chị quyết định nói lên quyết tâm ấy: "Ba mẹ ơi, con muốn tự học may. Điều con cần nhất ở ba mẹ là sự đồng ý và lời động viên!". Người cha ôm con gái vào lòng, hai hàng nước mắt ông cứ thế trào ra. "Ừ, ba mẹ sẽ luôn ở bên con, giúp cho con thực hiện bằng được mong muốn của mình!". ông cảm động nói với con gái.

Hạnh phúc ngọt ngào

Năm 1983, nhà ba mẹ chị Cúc có những cán bộ, công nhân làm công việc đo thủy chí trên dòng sông Hiếu thường lui tới. Họ uống nước trà, nói chuyện cùng ông bà vào những lúc cuối ngày.

Trong số họ có thanh niên Trương Công Bá, quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, là bộ đội chuyển ngành. Điều lạ, anh này không nghiện uống nước trà nhưng lại có mặt thường xuyên hơn những người khác.

"Anh Bá lúc đó lạ lắm! Anh ngồi nói chuyện với ba mẹ chị nhưng mắt cứ nhìn chăm chăm vào việc chị làm. Thấy vậy, có lần chị quyết định hỏi anh ấy: "Anh Bá này, có phải anh chưa khi nào thấy việc may quần áo?!".

Không ngờ anh ấy lại trả lời: "Anh thấy nhiều rồi chứ nhưng việc dùng tay để may như em thì chưa thấy!". Tất nhiên là anh ấy nói đúng, thợ may bao giờ cũng dùng chân đạp cho trục, bánh xe quay.

Nhưng chị có chân đâu mà đạp. Cái máy may của chị vì thế cũng rất đặc biệt, ở nước mình lúc đó không có, ba chị đã phải nhờ người quen mua ở nước ngoài mang về", chị Cúc bùi ngùi nhớ lại.

Những tưởng sự quan sát của người thanh niên kia chỉ là vì sự tò mò hoặc nếu có là sự thầm khen ngợi về tính kiên trì, chịu khó, sự khéo tay của chị. Nhưng thực ra cái ánh mắt nhìn ấy lại chứa đựng một điều khác! "Có lần, chị đang chăm chút từng đường may, anh ấy lại đứng bên, nói thì thầm: "Em may đẹp lắm!".

Chị bất giác ngước lên nhìn, bỗng trái tim mình như đang bị bung vỡ, nhịp đập loạn xạ. Bởi ánh mắt ấy như đang muốn siết chị vào lòng, cảm mến, thương yêu! Sau lần đó, đêm nào chị cũng thao thức không ngủ. Nhiều lúc chị cắn môi gạt đi những rung cảm thương nhớ vẩn vơ nhưng chị không tài nào làm được!".

Tình cảm của đôi trai gái lớn nhanh từng ngày dù không ai nói ra bởi đằng sau đó có muôn vàn rào cản. Đến khi anh quyết định cầu hôn chị, chị vẫn không thể nói ra bằng lời. Hai hàng nước mắt chị cứ tuôn chảy mà anh chẳng hiểu vì sao.

Rồi ba hôm sau khi đã suy nghĩ kỹ, chị quyết định trả lời anh: "Cảm ơn anh đã đến với cuộc đời em, một cuộc đời không lành lặn về thể xác. Em đã suy nghĩ rất nhiều và đặt trường hợp mình vào anh, nên cho phép em được từ chối tình cảm thiêng liêng ấy.

Bởi lẽ cưới một người con gái không có chân, cô ấy sẽ gánh vác cuộc sống gia đình như thế nào?! Chắc chắn một điều là không hề đơn giản. Thậm chí cuộc hôn nhân ấy sẽ sớm theo chiều hướng xấu mà làm tổn thương cả hai chúng ta.

Hạnh phúc của người đàn bà không chân - 3

Mỗi buổi chiều về, họ cùng nhau tưới tắm cho vườn cây cảnh.

Đó là chưa kể, ba mẹ, người thân sẽ cảm giác thế nào khi hay tin con trai mình lấy một người mất cả hai chân để làm vợ".

Nhưng anh một mực nói với chị rằng: "Em ạ, em đừng nghĩ tình cảm anh dành cho em là lòng thương hại và nhất thời. Tình yêu lắm khi là sự pha lẫn giữa lòng thương hại ấy với những cảm tính. Nhưng anh thì khác.

Tâm hồn anh đồng điệu với tâm hồn em! Bởi anh biết, anh cảm nhận được rất rõ rằng, trong tâm hồn của em có những nghị lực phi thường và sức mạnh bất tử của tình yêu thương! Hai thứ ấy sẽ dựng xây cho chúng ta một cuộc sống bình thường theo đúng nghĩa em ạ!".

Một quan niệm về cuộc sống nghe hợp với những suy nghĩ của mình nhưng không biết người đàn ông đó quan niệm nó cụ thể thế nào? Tôi quay sang hỏi anh: "Cuộc sống bình thường theo đúng nghĩa, theo anh là thế nào?".

Anh Bá liếc nhìn vợ tình tứ trước khi trả lời tôi: "Chuyện là trong cuộc sống tôi dễ gặp và chiêm nghiệm ra rằng, có rất nhiều anh kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học hay chính trị gia, với địa vị, vật chất cao, nhiều nhưng họ sống không được hạnh phúc. Bởi lẽ đó nên tôi quan niệm cuộc sống bình thường đúng nghĩa của nó theo hiểu biết và cảm nhận của riêng mình. Đó là một cuộc sống được dựng xây và phát triển nên bằng tình yêu thương giữa con người với con người và tình yêu thương của con người với vạn vật xung quanh. Là một nếp nhà luôn có tiếng nói cười của ông bà, cha mẹ, vợ con và bè bạn…!".

"Đừng nghĩ rằng đó là một việc làm đơn giản! Bởi lẽ, có rất nhiều người phấn đấu cả cuộc đời mà không làm được điều đó. Cái họ có về vật chất và sự thỏa mãn tinh thần theo kiểu "phú quý sinh lễ nghĩa", thường chỉ là những cảm xúc thân xác nhất thời. Tôi trở lại tình cảm nên nghĩa vợ chồng của mình.

Khi tôi quyết định cưới cô ấy, người ngoài, thậm chí ba mẹ và người thân tôi, đã nhìn tôi theo 2 suy nghĩ khác nhau. Hoặc là phi thường, hoặc là bất thường. Tôi thì nghĩ, bản thân mình bình thường nhưng để xây dựng được một cuộc sống bình thường theo đúng nghĩa, mình nhất định phải làm được điều phi thường, do tình cảm, thực tế và quan niệm của mình khác biệt với nhiều người khác".

Vợ chồng anh Bá, chị Cúc, đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, sinh sống hạnh phúc mấy chục năm qua. Kết quả của tình yêu ngọt ngào ấy là 2 người con một gái, một trai. Người con gái nay đã lấy chồng, làm kế toán cho một doanh nghiệp lớn ở TP Đông Hà. Người con trai đang theo học năm thứ 3 Trường Sĩ quan Lục quân II ở Đồng Nai.

Riêng chị Cúc, từ sau khi lấy chồng, chị đã không còn quẩn quanh trong nhà, bên chiếc máy may nữa, mà được anh Bá hằng ngày giúp đỡ đến các trung tâm sản xuất nhang, tăm của Hội Người mù tỉnh để làm việc, theo mong muốn của chị.

Đặc biệt, được sự động viên của chồng, con, chị trở thành một trong những vận động viên người khuyết tật xuất sắc nhất của tỉnh với nhiều môn thi đấu khác nhau, như ném lao, đẩy tạ, bơi lội...

Hỏi về những thành tích ấy, chị lấy từ trong chiếc tủ kính ra một đống huy chương khoe với chúng tôi: "Qua 10 năm tập luyện và thi đấu dưới sự giúp sức, động viên to lớn của chồng, con, thầy cô giáo dạy, hướng dẫn, chị đã vinh dự đoạt được 7 HCV, 10HCB, 7HCĐ trong các cuộc thi do tỉnh và toàn quốc tổ chức, cùng nhiều bằng khen, giấy khen".

Chuyện tình cổ tích vợ không chân chăm chồng liệt giường suốt 5 năm

Người phụ nữ với đôi chân không còn lành lặn nhưng suốt 5 năm qua vẫn tần tảo sớm hôm chăm sóc người chồng bị bại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Thanh Bình (Công an nhân dân)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN