Hãi hùng "tử thần" đứng hai bên đường

200 cây xanh tại Hà Nội gãy, đổ khi bão số 5 "quẹt" qua. Những cây cổ thụ nghiêng ngả chực đập xuống dòng phương tiện đang được ví như "tử thần hai bên đường".

Tử thần đứng hai bên đường

Chiều 17/8, cơn bão số 5 chỉ “quẹt” qua thủ đô đã làm gần 200 cây xanh gãy, đổ đè bẹp một số ôtô và xe máy, trong đó có một lái xe taxi, khiến tài xế tử vong tại chỗ. Điều này khiến người dân thủ đô thực sự hoang mang. Vậy người dân nói gì về hậu quả kinh hoàng này và cơ quan chức năng giải thích như thế nào với những lời “tố” này?

Hãi hùng "tử thần" đứng hai bên đường - 1

Không hiếm những "tử thần" như thế này tại Hà Nội, sẵn sàng đổ khi mưa to, gió lớn

Dân “tố” sự tắc trách

Như đã đưa tin, vào lúc 16h15 ngày 17/8, tài xế Hãng taxi Mai Linh đang điều khiển xe trên phố Lò Đúc, khi đến trước số nhà 97 đã bị cây xà cừ đổ đè bẹp, tài xế Phạm Tuấn Anh tử vong tại chỗ.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của nạn nhân nằm trong con ngõ nhỏ phố Trần Khát Chân. Hai đứa trẻ - con của nạn nhân - còn quá bé để hiểu nỗi đau quá lớn trong đời - mất cha.

“Con trai tôi chết, không thể đổ lỗi là sự rủi ro. Đó là hậu quả của sự tắc trách của Cty công viên cây xanh (CVCX) Hà Nội, có trách nhiệm quản lý cây xanh trên địa bàn TP. Vậy mà, con tôi mất đã hai ngày mà không thấy có một lời chia buồn từ Cty CVCX”, cha của tài xế Phạm Tuấn Anh nói.

Về vụ cây đổ gây nên cái chết oan uổng cho tài xế taxi, người dân ở phố Lò Đúc vẫn chưa hết bức xúc: Cách đây hai tháng, một cây xà cừ to trước cửa nhà số 93 đã đổ xuống cây xà cừ trước nhà số 97, khiến cây này đã nghiêng đổ ra đường mà không hề thấy nhân viên Cty CVCX đến xử lý. Hậu quả là...

Bà Nguyễn Thị Bích Nga - Tổ trưởng TDP 46 - Đại biểu HĐND phường Phạm Đình Hổ - cho biết, chiều 17/8, phố Lò Đúc có tới hai cây xà cừ cùng đổ xuống đường, cây trước nhà số 97 đè bẹp chiếc taxi còn làm sạt mái nhà đối diện bên kia đường. Chúng tôi sống trên phố này lúc nào cũng nơm nớp lo cây đổ mỗi khi trời mưa to gió lớn. Cây xà cừ rễ chùm, không có rễ chủ đạo, được trồng mấy chục năm nay, tán cây rộng, nhiều nhánh. Vừa qua, khi thi công lắp đặt đường ống ngầm, công nhân đã cắt hết phần rễ nên cây thường “nặng bồng, nhẹ tếch”, chỉ cần gió mạnh là đổ ngay.

Hãi hùng "tử thần" đứng hai bên đường - 2

Cây to đổ bật gốc trên đường Lò Đúc - Hà Nội

Đi dọc phố Lò Đúc dài gần 1,2km, chúng tôi đếm được gần 30 cây lớn trong tình trạng chờ đổ, có cây đã chết nhưng vẫn chưa được Cty CVCX cắt bỏ. Cây trước số nhà 177 đã nghiêng hẳn xuống đường. Số cây xà cừ tán lớn trên phố chưa được cắt tỉa - dù đã ở thời điểm giữa mùa mưa bão, nguy hiểm nhất là cây xà cừ lớn, tán rộng ngay trước trường mẫu giáo Chim Non.

Tắc trách thứ hai mà người dân tố với PV đó là sự cứu nạn quá muộn của công tác cứu hộ. Ngay sau khi cây đổ xuống xe taxi, bà Bích Nga đã không biết gọi điện thoại đến đâu để báo tin, đành gọi CA phường. Người dân tập trung cứu nạn nhưng không có phương tiện, xe cứu thương đến cũng bó tay.

Anh Ngô Chí Thế và Nguyễn Thành Trung - làm việc tại số nhà 97 - người trực tiếp cứu một phụ nữ cũng bị cây đổ đè cùng chiếc xe taxi kể: Gần hai tiếng sau thì cứu hộ mới đến, tài xế vẫn còn đưa tay ra ngoài vẫy vẫy... mà chúng tôi bất lực.

Cha của nạn nhân day dứt: Đi ra đường lúc nào cũng thấy tai nạn rình rập, hố ga mất nắp, mưa xuống nước ngập mênh mông, đủ các loại dây treo lủng lẳng trên đầu, một người đã chết trên đường La Thành vì bị dây điện thoại thắt thòng lọng vào cổ, ở TPHCM thì chết vì điện hở từ cột điện... chẳng cơ quan nào chịu trách nhiệm về cái chết của người dân - lời thỉnh cầu của người cha của nạn nhân cũng là lời thỉnh cầu của người dân gửi tới các cơ quan chức năng.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Cty CVCX - cho biết: Theo lý thuyết thì các loại cây rễ chùm thường rất yếu, dễ gãy đổ nhưng trên thực tế, trong đợt mưa bão vừa qua thì có rất nhiều loại cây rễ cọc, có phần rễ chắc chắn như sấu, bằng lăng, đề… cũng bị đổ. Nhưng các cây xà cừ, muồng, phượng vẫn chiếm phần lớn trong gần 200 cây bị đổ trong đợt này.

Nguyên nhân của sự việc trên là do cách đây hai tuần, tại Hà Nội mưa liên tục khiến cho đất ướt ẩm, rễ cây ngậm nhiều nước nên khi có trận mưa kèm gió quá lớn, vượt quá sức “chịu đựng” khiến cho dễ dàng bị quật ngã do móng yếu.

Một nguyên nhân khác là do các đơn vị hạ ngầm đường điện, nước thiếu cẩn trọng trong khi thi công làm đứt phần rễ cũng như hạn chế sự phát triển của cây, khiến cho cây bị yếu, rễ bị chết khiến cho cây thiếu sức sống, dễ bị bật gốc nếu gặp mưa to, gió lớn. Tuy nhiên, theo ông Mạnh thì nguyên nhân chủ yếu của việc nhiều cây đổ hàng loạt sau trận mưa vừa qua là do bão kèm gió lốc xoáy cực mạnh.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nhân viên Cty CVCX chậm trễ trong việc ứng cứu, sau khi xảy ra sự cố rất lâu thì người của Cty mới có mặt. Về vấn đề này, ông Mạnh cho rằng hoàn toàn không có chuyện đó, bởi cán bộ nhân viên Cty rất ý thức được công việc mình làm nên khi tiếp nhận thông tin sự cố là tới ngay hiện trường. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan như mưa to, đường ngập, các ngả đường đều tắc, trong khi xe cứu hộ thường là xe cẩu có kích thước lớn nên gặp khó khăn trong việc di chuyển đến hiện trường.

Về phương tiện và con người thì Cty CVCX đều đáp ứng được nên không có chuyện thiếu phương tiện để ứng cứu cũng như con người không đủ để đáp ứng công việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Huân - Phi Long - Quang Hiệu (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN