"Hà Nội không còn bảo kê ăn xin"

Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, Hà Nội hiện nay không còn đội quân ăn xin chuyên nghiệp hay chuyện bảo kê ăn xin.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, từ nhiều năm nay, Hà Nội thường xuyên tổ chức đưa người ăn xin, sống lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội.

Đáng chú ý, Hà Nội có 2 đội trật tự xã hội lưu động luôn sẵn sàng phối hợp với các đơn vị chức năng để tập trung các đối tượng trên về các cơ sở xã hội.

Nếu phát hiện người ăn xin trên địa bàn, người dân báo đến UBND xã, phường, sau đó 2 đội trật tự xã hội lưu động sẽ phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án xử lý. Bên cạnh đó, 2 đội này cũng thường xuyên đi kiểm tra, nếu phát hiện người ăn xin, lang thang sẽ thu gom tập trung về các cơ sở xã hội.

"Hà Nội không còn bảo kê ăn xin" - 1

Hà Nội thường xuyên tổ chức đưa người ăn xin, sống lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, với trường hợp người đi bán hàng rong, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, những người này đã có quy định riêng về buôn bán nhỏ lẻ. Cơ quan chức năng sẽ theo dõi, chỉ khi họ có hành vi xin ăn, tiền... cơ quan chức năng có bằng chứng rõ ràng mới gom, đưa về trung tâm bảo trợ.
Cũng theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, do thực hiện các biện pháp tập trung người ăn xin từ nhiều năm nay, nên hiện tại Hà Nội cũng không có chuyện bảo kê cho đội quân ăn xin.

Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhắc lại chủ trương gần đây TP. HCM đưa những người ăn xin vào các cơ sở xã hội. Ông Long cho biết thêm, Hà Nội cũng thực hiện giải pháp tương tự từ nhiều năm nay.

Theo ông, người dân Việt Nam hay thương người, làm phúc. Họ tin rằng hôm nay cho người nghèo khổ là tạo phúc cho mai sau. Do vậy, người Việt thường hay cho tiền người ăn xin.

Tuy nhiên, ông Long từng chứng kiến, không phải cứ cho tiền là người ăn xin nhận được, đôi khi số tiền đó rơi vào tay kẻ bảo kê ăn xin. Ngoài ra, người ăn xin chèo kéo xin ăn, tiền... cũng là hình ảnh không được đẹp. Vì vậy, nên đưa người ăn xin vào các trung tâm hỗ trợ xã hội.

Ông Long cho hay, từ nhiều năm trước Hà Nội cũng đã có giải pháp như trên, kết quả đến nay Thành phố “có rất ít” ăn xin. Nhất là các quận nội thành, hầu như không thấy có người ăn xin, nếu có chỉ còn đâu đó một vài người ăn xin mới phát sinh.

“Từ thực tế Hà Nội còn “rất ít” người ăn xin, đặc biệt là không còn đội quân ăn xin chuyên nghiệp theo kiểu “cái bang”, nên Hà Nội không tổ chức ra quân hay kêu gọi đưa người ăn xin vào Trung tâm như ở TP. HCM”, ông Long nói.

Với trường hợp ăn xin còn lại, cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, đưa những người này vào các trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng, hoặc đưa trả về gia đình, địa phương.

Cuối tháng 12/2014, UBND TP HCM vừa có văn bản về việc tăng cường quản lý người lang thang xin ăn, không nơi cư trú trên địa bàn từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi và những ngày lễ trọng đại trong năm 2015.
Theo đó, kể từ ngày 28/12, TP.HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội.
 
Người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Khi phát hiện người xin ăn, người dân có thể thông báo tới các số trên cho cơ quan chức năng, sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN