Hà Nội có báo cáo chính thức vụ nhà 8B Lê Trực

UBND TP Hà Nội đã có báo cáo về dự án nhà số 8B Lê Trực xây gần quảng trường Ba Đình theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản số 7653/VPCP-KTN ngày 24-9-2015 của Văn phòng Chính phủ).

Bản báo cáo dài 12 trang A4, tổng cộng hơn 6600 từ, do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký khẳng định quy trình cấp phép đầu tư, xây dựng dự án không vi phạm quy định, quy hoạch lúc đó. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án đã tự ý xây sai giấy phép được cấp và chính quyền địa phương đã nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính…

Hà Nội có báo cáo chính thức vụ nhà 8B Lê Trực - 1

Toà nhà 8B Lê Trực hiện đã gần hoàn thành và nhiều lần vi phạm giấy phép xây dựng được cấp

Không sai quy hoạch

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, khu đất tòa nhà 8B Lê Trực xây có diện tích gần 6000 m2 trước đây do Công ty may Chiến Thắng quản lý từ năm 1968. Năm 2000, khu đất được chuyển giao cho Công ty cổ phần may Lê Trực, sau này Hà Nội đã thu hồi một phần diện tích tại đây để làm đường Trần Phú kéo dài, nên Công ty may Lê Trực chỉ còn quản lý 3758 m2. “Khu đất này không nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10-12-2013”, báo cáo viết.

Theo chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở nhà 8B Lê Trực chính thức được khởi động từ năm 2007, với phương án kiến trúc được chấp thuận là xây 4-17 tầng, cao 66m, mật độ xây dựng 64%. Tuy nhiên đến cuối 2009, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Hà Nội “dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu trung tâm” để phục vụ xây dựng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Theo đó, công trình 8B Lê Trực thuộc nhóm công trình cao tầng loại II - Đề xuất cho phép tiếp tục triển khai nhưng phải điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng đang được nghiên cứu.

Năm 2013 (sau khi Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt vào năm 2011), chủ đầu tư tiếp tục đề xuất được tái khởi động dự án theo phương án xây dựng mới để giải quyết khó khăn cho đơn vị nếu không “các cổ đông và gần 400 cán bộ công nhân viên tại Công ty cổ phần may Lê trực đến thua lỗ và lâm vào cảnh khốn cùng”. Đến tháng 7-2013, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án được triển khai theo phương án mới với chỉ tiêu: mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44 m.

“Chiều cao này thấp hơn Nhà làm việc Quốc hội tại đường Hùng Vương, giảm chiều cao 26m so với phương án kiến trúc đã được chấp thuận ngày 16-3-2009”, báo cáo trích dẫn. Ngày 18-7-2013, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc này và Bộ Xây dựng đã thẩm định và thống nhất với đề xuất của UBND TP Hà Nội. Ngày 20-9-2013, Văn phòng chính phủ đã có văn bản thông báo cho phép Hà Nội nghiên cứu cho dự án được triển khai theo thẩm quyền.

Theo đó, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã giải quyết cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo phương án mới với các chỉ tiêu: Diện tích xây dựng gần 2400 m2; mật độ xây dựng 64%; công trình cao từ 15-18 tầng (bao gồm cả tầng kỹ thuật, tum thang), 4 tầng hầm, tổng chiều cao 53 m. Trong đó từ tầng 8 phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, phần giật cấp đầu hồi phía đông từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây. Định vị công trình và khoảng lùi khối đế và khối cao tầng với đường Trần Phú kéo dài đảm bảo phù hợp Quy chuẩn, Tiêu chuẩn hiện hành.

“Như vậy, Quy hoạch kiến trúc của Dự án đã chấp thuận phù hợp định hướng Quy hoạch chung Thủ đô, việc nghiên cứu xét tới yêu cầu cảnh quan đô thị khu vực, có kế thừa kết quả rà soát công trình cao tầng, đồng thời nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, tuân thủ các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng”, báo cáo khẳng định. Đồng thời báo cáo cũng cho rằng công trình này tuân thủ Quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương  vì tại thời điểm này không có quy định về hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và khống chế chiều cao công trình...

Nhưng xây dựng sai phép

Báo cáo cho hay mặc dù trình tự thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng cho công trình 8B Lê Trực không sai quy định, quy hoạch tuy nhiên chủ đầu tư đã tự ý xây công trình sai với phương án được duyệt. Hiện chủ đầu tư đã xây dựng xong phần thô công trình cao tầng, công trình thấp tầng chưa triển khai xây dựng. Phần công trình cao tầng hiện đã xây dựng sai với giấy phép xây dựng được cấp, cụ thể như sau:

Về khoảng lùi: Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái); Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Về chiều cao công trình: theo Giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Hiện Chủ đầu tư đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng). 

Về diện tích sàn: Xây dựng khoảng 36.000 m2 (GPXD là 29.874 m2) tăng khoảng 6.126 m2.

“Những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực”, báo cáo nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo, toàn bộ vi phạm về xây dựng của công trình đã được chính quyền địa phương giám sát, có kiểm tra và xử lý, xử phạt. Trong đó, từ tháng 3-2014 (kể từ khi công trình được cấp giấy phép) đã có ít nhất 13 lần các cơ quan chức năng các cấp của Hà Nội kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng thi công do công trình sai phạm. Tuy nhiên chủ không thực hiện và vẫn tiếp tục xây dựng công trình. Báo cáo cũng thừa nhận: “việc kiểm tra của các cơ quan chức năng địa phương không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, nên dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay”. 

Kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định

Về việc xử lý vi phạm, báo cáo của UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Đối với Chủ đầu tư cố ý xây dựng sai Giấy phép xây dựng đã được cấp, UBND Thành phố kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nhất là xử lý về chiều cao công trình, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc công trình, theo đúng thiết kế và Giấy phép xây dựng đã được cấp”.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng của công trình.

----------------------------------

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết vào năm 2009, sau khi dự án bị tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dân cư khu vực đã đề nghị xây dựng trường học tại vị trí đất do Công ty may Lê Trực đang quản lý và thực hiện các thủ tục về đầu tư dự án. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng trường.

Do hình dáng khu đất có chiều rộng hẹp bởi đường quy hoạch cắt ngang, không đủ điều kiện bố trí trường học theo tiêu chuẩn, nên UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo bố trí vị trí đất xây dựng trường học mới tại 67 Cửa Bắc để phục vụ học sinh 2 phường Điện Biên và Quán Thánh. Hiện nay Trường học đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trọng Phú ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN