Gặp người lính trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

“Nhiều người bảo mình dốt thế, còn ngu nữa. Nhưng kệ chứ, mình luôn hài lòng với những gì mình có”, người lính tóc đã điểm bạc bất ngờ cười lớn, đầy vẻ lạc quan như anh lính trẻ độc thân, tếu táo mấy chục năm về trước.

Điện không cắt thì hôm nay giỗ các ông rồi

Bước vào căn phòng khách của gia đình ông Đoàn Sỹ Nguyên, một trong bốn người lính trên chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa, tiến vào Dinh Độc Lập năm 1975, chúng tôi nhanh chóng nhận ra đây là căn phòng của một người cựu chiến binh luôn muốn níu giữ quá nhiều kỷ niệm. Những bức ảnh ghi lại nhiều cột mốc lịch sử của dân tộc và của chính bản thân được ông Nguyên treo ở nơi trang trọng nhất của căn phòng. Trong đó có bức ảnh mãi mãi in dấu, ghi lại khoảnh khắc hào hùng nhất của đất nước: bức ảnh chiếc xe tăng T50 số hiệu 390 húc đổ cánh cổng, tiến vào Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/1975.

Gặp người lính trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập - 1

Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên sau giây phút xe tăng 390 húc đổ công Dinh Độc Lập.

Kể về giây phút đó, ông Nguyên cười và nói: “Lúc đó, chúng tớ đang trong tinh thần tiến lên đánh giặc chứ không nghĩ là mình có may mắn ấy. Lúc chiếm Dinh xong, một lính ngụy còn nói với tớ: ‘Điện trên cổng mà không cắt thì hôm nay là ngày giỗ của các ông rồi'”.

Rồi không đợi chúng tôi hỏi tiếp, người pháo thủ số 1 của chiếc tăng 390 năm xưa hào hứng kể về một thời hoa đỏ. Mắt ông dường như sáng lên. Giọng nói nhanh và mạnh. Ông liệt kê hàng loạt ngày tháng, sự kiện, địa danh, số quân địch, quân ta… mà không ngập ngừng suy nghĩ giây phút nào. Người lính già như đang sống lại thời “chiến trường ác liệt, cây cối núi đồi đỏ rực vì bom xăng, bom hóa học”….

Đơn vị ông bắt đầu chiến dịch giải phóng miền Nam từ 15/3, hành quân đánh xuống núi Bông, núi Nghệ. Ngày 25/3, xe tăng của đơn vị ông đã lăn xích trong thành Nội, Huế. Ngày 29/3, đơn vị vượt đèo giải phóng Đà Nẵng. Trong suốt một tháng tiến vào Sài Gòn, ông trải qua nhiều trận đánh. Đặc biệt, ngày 29/4, đơn vị ông đánh vào căn cứ Nước Trong, nơi quân địch chống cự rất mạnh với hơn 1.000 lính Tăng thiết giáp, rất nhiều bộ binh và xe tăng bọc thép M113. Đơn vị ông không nao núng mà thốt lên: “Đánh xe tăng thì còn gì nữa”. Trong trận đánh quyết liệt này, bằng kinh nghiệm, ông Nguyên đã mở chóp đầu đạn ra trước khi khai hỏa. Như thế, đạn chỉ cần chạm vào lá cây là nổ ngay, gây ra nhiều mảnh vỡ sát thương quân địch phía dưới tán và cũng phá vỡ bẫy ngụy trang của địch. Trận chiến kết thúc với chiến thắng của quân ta, chuẩn bị cho trận đại thắng ngày hôm sau.

Gặp người lính trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập - 2

 Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử chiếc tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập

Những lời kể hăng say của ông Nguyên dừng lại khi có sự xuất hiện của con trai ông, người mà khi còn là cậu học sinh lớp 5 đã cãi nhau với bạn về chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Ông Nguyên kể, dù ông và 3 đồng đội trên chiếc tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên nhưng do một sự nhầm lẫn, sách lịch sử lại ghi đó là chiếc tăng 843. Con trai ông lúc đó là học sinh lớp 5 đã cãi nhau với bạn cùng lớp và luôn khẳng định đó là xe của bố mình. Giọng ông Nguyên trầm xuống: “Ban đầu mình cũng buồn nhưng suốt 20 năm sau đó, mình không hề đấu tranh đòi quyền lợi gì. Chiến tranh đã quá khủng khiếp và nhiều người còn có công lao to lớn hơn mình nhiều”.

“Nhiều người bảo mình dốt thế, còn ngu nữa. Nhưng kệ chứ, mình luôn hài lòng với những gì mình có”, người lính tóc đã điểm bạc bất ngờ cười lớn, đầy vẻ lạc quan như anh lính trẻ độc thân, tếu táo mấy chục năm về trước.

Đau đáu vì không về chịu tang cha mẹ

Ông Nguyên cho biết, mãi đến năm 1995, nữ nhà báo người Pháp Francoise Demulder đã quay lại Việt Nam với những bức ảnh tư liệu của mình. Lúc đó chiếc tăng 390 mới được chính thức công nhận là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng sắt, tiến vào Dinh Độc Lập.

Giờ nữ nhà báo đã mất, ông cũng đã già và chuyện được công nhận hay không cũng không ảnh hưởng tới ông nhiều. Duy nhất một điều khiến ông đau đáu là trong suốt thời gian chiến đấu, bố ông mất, ông không thể về chịu tang. Vài năm sau, mẹ ông mất, ông cũng không thể về. Lòng ông đau buồn nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu cùng đơn vị.

Kể chuyện này với chúng tôi, người cựu chiến binh không còn giữ được giọng nói mạnh mẽ hào sảng của người lính nữa mà ông ngước mắt lên khoảng không như nói với chính mình: “Mình biết như thế là bất hiếu nhưng đó là bất hiếu vì Tổ quốc, mong bố mẹ dưới suối vàng không quở trách”.

Gặp người lính trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập - 3

Pháo thủ số 1 trên chiếc tăng 390 sau chiến tranh là anh lái xe lam kiếm tiền nuôi gia đình

Ông Nguyên cho biết, ông và 3 người đồng đội trên chiếc tăng 390 hiện giờ dù mỗi người một khó khăn nhưng đều hạnh phúc khi nghĩ về quãng thời gian chiến đấu gian khổ đó. Sau chiến tranh, mỗi người một cuộc sống. Riêng ông Nguyên còn tiếp tục chiến đấu tới năm 1979 ở Lạng Sơn, sau đó về quê xây dựng cuộc sống. Thời điểm đó ai cũng bỡ ngỡ với cuộc sống mới, đặc biệt là người lính. Ông phải đi bốc vác cho một công ty, lúc nào trên vai ông cũng là những bao hàng nặng 70kg tới 1 tạ. Người lính năm nào còn chạy cả xe lam để kiếm sống. Nói tới đây, ông Nguyên vội mở tủ lấy một chiếc vali, bên trong là rất nhiều ảnh được bọc túi ni lông cẩn thận. Ông cười và nói: “Gì chứ riêng ảnh kỷ niệm, nếu có thời gian mình lấy cả cân cho mọi người xem”.

Gặp người lính trên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập - 4

Ông Ngô Sỹ Nguyên ngày nay

Rồi người lính già say sưa chỉ cho chúng tôi các bức ảnh lưu lại những khoảnh khắc linh thiêng và trọng đại nhất cuộc đời ông. Giây phút xe tăng 390 vào Dinh Độc Lập, ngày gia đình ông chụp ảnh với nhà Sử học Dương Trung Quốc nhân dịp lịch sử chiếc xe đầu tiên tiến vào Dinh được viết lại, hay cả những bức ảnh sau này khi ông chạy xe lam kiếm sống….

Với mỗi bức ảnh, ông Nguyên lại kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện. Dường như đối với ông, chiến tranh đã lùi xa 39 năm nhưng những kỷ niệm như mới ngày hôm qua.

Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, ông Ngô Sỹ Nguyên thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2.

Xe tăng 390 gồm có lái xe là Trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên (Trung sĩ); Phó Đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng (Thiếu úy, lên thay pháo thủ số 2 bị thương) và ông Toàn là trung úy, chính trị viên đại đội.

Chiếc xe tăng này đã làm nên giây phút lịch sử khi là xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, phải tới 20 năm sau, tức năm 1995, chi tiết này mới được nữ nhà báo Pháp chứng minh bằng những hình ảnh tư liệu của mình.

Trước đó, chiếc tăng 843 được cho là chiếc xe đầu tiên làm nên giây phút lịch sử đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN