Gắn camera trên người bốc xếp để chống trộm hành lý sân bay

Chiều 7/10, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình mất cắp hành lý tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội). Phương án gắn camera trên người nhân viên bốc xếp được đưa ra. Ông Nhật đề nghị áp dụng biện pháp mạnh - rút giấy phép, đóng cửa doanh nghiệp nếu nhiều nhân viên trộm đồ của khách...

Gắn camera trên người bốc xếp để chống trộm hành lý sân bay - 1

Camera dày đặc vẫn mất cắp

Ông Nguyễn Huy Dương, PGĐ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài báo cáo: Sau chỉ đạo của Bộ GTVT, đơn vị xem chống mắt cắp là nhiệm vụ trọng tâm. Các biện pháp triển khai gồm: Tuyên truyền, quản lý nhân viên, rà soát quy trình, điều chỉnh hoạt động giảm sát; trong đó có 116 camera được lắp mới. 

Tại cửa kiểm tra an ninh, Cảng tiến hành kiểm soát từng nhân viên ra vào; các bộ phận kiểm tra chéo nhau; thậm chí, đơn vị này còn tiến hành kiểm tra cả rác thải để tránh việc nhân viên tuồn đồ ăn cắp ra ngoài bằng đường này.

Cục trưởng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đánh giá: Nạn trộm cắp ở sân bay đến nay đã được kiểm soát tương đối tốt. Nếu như năm 2014, đây là vấn nạn; sang đầu năm nay, tại Nội Bài chỉ có 50 vụ/tháng; tháng 9/2015 còn 9 vụ việc. 

Thống kê được các đơn vị thuộc cảng hàng không, các doanh nghiệp dịch vụ mặt đất lại khác con số của Cục Hàng không đưa ra khiến bức tranh chính xác về tệ nạn này chưa rõ nét. Tuy nhiên, ông Thanh và nhiều đại biểu thống nhất: Nạn trộm cắp vẫn là tệ nạn làm khách bức xúc, làm xấu hình ảnh ngành và đất nước, trong khi nhiều kẽ hở chưa được bịt.

Đại diện Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam cho rằng, dù lắp nhiều camera nhưng nhiều chỗ camera chưa vươn tới. Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó GĐ Xí nghiệp dịch vụ mặt đất Nội Bài (Niags) cho rằng, camera bị vô hiệu nếu nhân viên đẩy xe hàng vào khu vực tối, ngoài tầm kiểm soát mà chưa có chế tài quản lý.

Tại cuộc họp, GĐ Cảng vụ Hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương báo cáo Thứ trưởng Nhật nhiều vấn đề được Tiền Phong phản ánh trong tuyến bài “Tôi đi làm phu vác hành lý sân bay” mới đây như: Do quen biết, nhân viên an ninh chỉ dùng thiết bị an ninh kiểm tra qua loa với nhân viên bốc xếp; nhân viên kiểm tra an ninh là nữ giới không kiểm tra kỹ nhân viên bốc vác là nam; dụng cụ kiểm tra an ninh không phát hiện được các vật phi kim loại như nước hoa; xe chở hành lý nối chuyến giữa quốc nội và quốc tế phải đi ra ngoài phạm vi cảng hàng không.

Rút giấy phép nếu tái diễn

Tại cuộc họp, nhiều đề xuất mới được đưa ra. Với vai trò tổng chỉ huy, ông Trần Hoài Phương cho biết Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã lập đội phản ứng nhanh, trực thuộc Ban giám đốc Cảng vụ (với số hiệu 147, có mô hình tương tự như các tổ 141 của Công an Hà Nội).

 Đặc biệt, ông Phương đề xuất các đơn vị thử nghiệm gắn camera trực tiếp trên người nhân viên bốc xếp để tự giám sát hành động của mình tương tự như CSGT. “Qua tìm hiểu, các thiết bị đó không đắt, hoàn toàn có thể làm được”. Ý tưởng của ông Phương sau đó được Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu.

Gắn camera trên người bốc xếp để chống trộm hành lý sân bay - 2

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra thực địa công tác bốc xếp hành lý. Ảnh: Sỹ Lực

Ngoài các giải pháp mang tính kỹ thuật, nhiều ý kiến cho rằng nên tập trung vào khâu trọng yếu. Ông Bùi Tuấn Anh - GĐ Cty HGS (có dịch vụ bốc xếp hành lý, vệ sinh tàu bay) đề nghị thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát an ninh để khóa đầu ra của người móc trộm hành lý.

Vụ trưởng Vận tải Trần Bảo Ngọc cho rằng, cần làm chặt khâu an ninh bằng cách bố trí đủ nhân viên nam và nữ để kiểm soát. Ngoài ra, ông Ngọc đề nghị tăng các chế độ đãi ngộ để lao động yên tâm công tác. Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cùng đồng tình khi cho rằng, các đơn vị cần sớm chấm dứt tình trạng ký hợp đồng ngắn hạn, thời vụ với nhân viên bốc xếp hành lý.

Trong cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhiều lần đề nghị cần làm rõ trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của cơ quan tham mưu: “Tình hình trộm cắp trước đây nhiều, chỉ khi Bộ trưởng lên tận nơi mới chuyển biến. Rõ ràng là có vấn đề ở công tác tham mưu”.

Ông Nhật kết luận: “Chúng ta đã hội nhập WTO, vừa ký TPP. Nếu tình hình mất cắp vẫn còn, người trong ngành buồn, xấu hổ; hình ảnh đất nước xấu đi, cản trở thu hút đầu tư. Vì vậy, tôi yêu cầu nếu doanh nghiệp nào để xảy trộm cắp hành lý, Cục Hàng không cần rút giấy phép hoạt động. Các đơn vị của Bộ Công an đang vào cuộc và họ đề nghị với Bộ GTVT; nếu tình trạng mất cắp không chuyển biến sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn”, ông Nhật nói.  

Hơn 1 tỷ đồng vô chủ ở sân bay

Đại diện Niags cho hay, trong quý III/2015, nhân viên Niags nhặt được 504 hành lý/tài sản của khách nhưng chỉ trả được 320 trường hợp. Cũng trong quý này, nhân viên Niags nhặt được 1,5 tỷ nhưng chỉ mới hoàn trả được gần 500 triệu đồng. Hiện còn hơn 1 tỷ đồng chưa xác định được người sở hữu. Như các quý trước, Niags thông báo cho Bộ Tài chính để xử lý theo quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sỹ Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN