FBI phá "đường dây gián điệp" Nga ở New York

Một "đường dây gián điệp" kinh tế tinh vi của Nga đã bị FBI theo dõi, điều tra và tung lưới bắt giữ sau suốt 4 năm trời điều tra.

Evegeny Buryakov là phó đại diện một ngân hàng Nga ở khu Manhattan, thành phố New York, Mỹ, và tài khoản mạng xã hội LinkedIn của anh ta nói rằng anh thuộc về một số nhóm làm việc trong lĩnh vực tài chính.

Nhưng đó chỉ là lớp vỏ bọc để che giấu thân phận thực sự của Buryakov khi anh nhập cảnh vào Mỹ năm 2010. Ngày 26/1, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố Buryakov là một điệp viên ngầm của Nga chuyên thu thập các thông tin tình báo kinh tế cho Cục Tình báo Hải ngoại Nga (SVR).

Buryakov đã bị FBI bắt giữ và truy tố với tội danh hoạt động gián điệp bất hợp pháp cho một chính phủ nước ngoài. Hai điệp viên khác của SVR dưới lớp vỏ bọc là các đại diện chính thức của Nga ở New York cũng đã bị ép phải rời khỏi Mỹ, và vai trò của họ trong đường dây gián điệp này đã được phơi bày trong hồ sơ truy tố Buryakov.

FBI phá "đường dây gián điệp" Nga ở New York - 1
FBI đã phá vỡ một đường dây gián điệp của Nga ở New York. Ảnh minh họa

 

Các quan chức FBI cho biết 2 điệp viên bị trục xuất này đều được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và không thể bị truy tố.

Các công tố viên Mỹ nói rằng Buryakov (còn có một tên gọi khác là Zhenya) đã nhiều lần gặp gỡ cấp trên của mình là Igor Sporyshev, một đại diện thương mại của Nga, và Victor Podobnyy, tùy viên sứ bộ Nga ở Liên Hợp Quốc, tại nhiều địa điểm khác nhau ở Manhattan và Bronx.

Sporyshev và Podobnyy hoạt động trong một nhà an toàn ở Manhattan, nơi họ tự do trao đổi mọi chuyện với nhau mà không thể ngờ rằng các nhân viên phản gián của FBI đã cài thiết bị nghe lén trong ngôi nhà này.

FBI cho hay các điệp viên SVR sử dụng nhà an toàn này để liên lạc với sở chỉ huy “Trung tâm Moscow” nhằm phát và nhận các thông tin tình báo, cùng với những thông tin mà Buryakov đã thu thập được trong các cuộc “trò chuyện mật”.

Theo hồ sơ truy tố, phần lớn các thông tin tình báo mà Buryakov thu thập là về các lệnh cấm vận của Mỹ và sự phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, trong khi Mỹ và EU đã áp đặt các lệnh cấm vận nghiêm ngặt gây rất nhiều khó khăn cho kinh tế Nga.

FBI phá "đường dây gián điệp" Nga ở New York - 2
Các điệp viên Nga không thể ngờ được rằng "nhà an toàn" của mình đã bị FBI nghe lén. Ảnh minh họa

 

FBI cho biết họ phát hiện ra các điệp viên SVR này ngay sau khi bắt một tổ gián điệp ngầm của Nga vào năm 2010. Tổ gián điệp 10 người này đã tạo cho mình vỏ bọc vững chắc giống như những người Mỹ bình thường, và họ đã được trả về Nga theo một thỏa thuận trao đổi gián điệp.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao FBI lại chờ đợi tới 4 năm trời mới quyết định truy tố nhóm gián điệp SVR, và liệu Buryakov có bị FBI sử dụng như một “mồi nhử” trong suốt thời gian đó hay không. Thông thường, các cuộc điều tra phản gián phải mất nhiều năm trời và hiếm khi kết thúc bằng một quyết định truy tố. Các điệp viên bị phát hiện thường bị trục xuất hoặc trao đổi lấy các điệp viên Mỹ ở nước ngoài.

Buryakov đã bị đưa ra tòa liên bang ở Manhattan vào hôm thứ Hai, và sau đó bị giam giữ mà không được bảo lãnh.

Trong quá trình theo dõi đường dây gián điệp này, FBI phát hiện ra rằng cả Sporyshev và Podobnyy đều than phiền về công việc của mình và rất bất bình với việc họ không có các chứng minh thư mật.

Podobnyy nói rằng khi gia nhập SVR, ông ta không nghĩ rằng mình sẽ trở thành một James Bond hay làm những việc to tát mà chỉ là “một ai đó với vai trò tối thiểu”. Hai người này cũng thì thầm với nhau rằng SVR đã ít nhiều mất đi vinh quang, mặc dù các đồng nghiệp ở Trung Đông và châu Á vẫn làm tốt công việc của mình.

Trong một đoạn băng do FBI ghi âm lại, Podobnyy ca ngợi “Giám đốc S”, người phụ trách hoạt động gián điệp phi truyền thống của SVR, trong đó có các điệp viên ngầm, là “tình báo đích thực duy nhất” và tuyên bố rằng “không phải mọi thứ đã sụp đổ”.

FBI phá "đường dây gián điệp" Nga ở New York - 3
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng là một nhân viên tình báo KGB

 

Podobnyy cũng thừa nhận rằng Mỹ là môi trường làm việc rất khó khăn do các hoạt động điều tra của FBI: “Đấy, ở Mỹ ngay cả Giám đốc S cũng không làm được gì. FBI đã bắt 10 người của ta”.

Hồ sơ truy tố của FBI cũng chỉ ra rằng các điệp viên SVR đã tìm cách tuyển mộ những người làm việc trong các công ty lớn và những phụ nữ trẻ có liên hệ với một trường đại học ở New York.

Trong một trường hợp, Sporyshev đã gọi điện yêu cầu Buryakov nghiên cứu “các tác động của lệnh cấm vận kinh tế đối với nước Nga”. Sau khi lục soát máy tính của Buryakov tại ngân hàng, FBI phát hiện ra rằng anh này đã tìm kiếm các từ khóa “hậu quả lệnh cấm vận Nga” và “tác động cấm vận Nga” trên mạng Internet.

Cuối cùng, FBI quyết định cho người đóng giả làm “nguồn tin mật” nhằm cài bẫy Buryakov. Nhân viên phản gián mang mật danh CS-1 này đã hẹn gặp Buryakov để trao cho anh ta các tài liệu lấy được từ chính phủ Mỹ và chứa đựng những thông tin có ích cho Nga.

Buryakov đã khẩn khoản nài xin CS-1 trao cho anh ta những tài liệu này, và trong quá trình giao nhận “tài liệu mật”, điệp viên Nga này đã mắc bẫy và bị FBI bắt quả tang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN