Dự án BOT liên quan Phó bí thư Đồng Nai: Quá nhiều sự mập mờ!

Sự kiện: Thời sự

Nhiều doanh nghiệp tố cáo đường chuyên dụng vào khu mỏ đá Tân Cang chỉ phục vụ "nhóm lợi ích" chứ không đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp khác.

Sáng 25-9, Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) tổ chức họp báo cùng các đơn vị chức năng thông tin nhiều vấn đề xung quanh con đường chuyên dụng khu mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đây là đường chuyên dụng vừa thông xe ở vùng "nóng" về khai thác vật liệu xây dựng Tân Cang.

Bức xúc vì không được hỏi ý kiến

Tại buổi họp, Donacoop cùng 3 doanh nghiệp (DN) khai thác vật liệu xây dựng tại khu mỏ đá đã cung cấp nhiều tài liệu, thông tin về những bất minh và sai phạm trong việc thực hiện hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cho tuyến đường chuyên dụng này. Cuộc họp đã có những đối đáp kịch liệt giữa một số chủ DN với lực lượng chức năng, cụ thể là đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT).

Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Donacoop, cho rằng việc xây dựng đường chuyên dụng không minh bạch, thậm chí có sai phạm lớn, đồng thời có sự phân biệt giữa các DN. Ông Trúc là người gửi đơn tố cáo sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - lên trung ương. Hiện bà Thanh đã bị kỷ luật vì một số sai phạm nhưng các dấu hiệu sai phạm khác vẫn đang được làm rõ, trong đó có đường chuyên dụng này.

Dự án BOT liên quan Phó bí thư Đồng Nai: Quá nhiều sự mập mờ! - 1

Trạm thu phí đã lập trên phân đoạn BOT đường chuyên dụng mới hoàn thành, chuẩn bị thu phí

Tại cuộc họp, ông Trúc nhấn mạnh lúc đầu việc triển khai đường chuyên dụng được họp bàn là sẽ có sự hợp tác của các DN khai thác mỏ đá để thực hiện nhưng sau đó chuyển cho các DN khác theo hình thức BOT, các DN còn lại không được hỏi ý kiến.

Tổng Giám đốc Donacoop cùng 3 DN khác cho rằng Sở GTVT không làm tròn trách nhiệm, để xảy ra dấu hiệu lợi ích nhóm, một số DN được ưu ái còn các DN khác bị chèn ép. Đối với đường chuyên dụng, các DN tố cáo có nhiều sự mập mờ trong thông tin vì đường chỉ mới thông xe một phân đoạn, không phải toàn tuyến, chỉ phục vụ DN liên quan lợi ích nhóm chứ không đáp ứng nhu cầu các DN khác.

Cụ thể, khi đường này thông xe thì giai đoạn 2 vẫn chưa thực hiện, hiện vẫn đang giai đoạn khảo sát khiến khu vực đấu nối với một số mỏ đá chưa thực hiện được và các DN này không thể sử dụng đường chuyên dụng.

Một số vấn đề khác như vốn đóng góp của các DN "bên ngoài" bị chiếm dụng (trong thời gian đầu của dự án, khi chưa chuyển sang hình thức BOT), việc "ưu tiên" cho DN của chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh thực hiện dự án BOT đường chuyên dụng, việc dùng ngân sách nhà nước làm vốn hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho dự án... cũng được các chủ DN nhắc lại.

Sẽ tố cáo lên Bộ Công an

Các DN cũng cho rằng đường chuyên dụng này không đáp ứng tiêu chuẩn, mập mờ trong phương thức thực hiện và phương án tài chính còn bất hợp lý trong vận hành. Đường chuyên dụng vào mỏ đá sẽ phục vụ riêng xe của các DN khai thác tại đây chứ không phải toàn bộ người dân nên cần hỏi ý kiến các DN xem đầu tư như thế nào, thu phí bao nhiêu và thu trong bao lâu?

"Việc xây dựng BOT đường chuyên dụng, lập trạm thu phí một cách áp đặt, không đúng thực tế, tổng vốn đầu tư 130 tỉ đồng nhưng với trữ lượng tại các khu mỏ, các tổng lượt xe vào ra, chúng tôi dễ dàng tính được tổng thu trong 12 năm lợi nhuận sẽ lên đến hơn 3.000 tỉ đồng…" - đại diện một DN dự họp nói.

Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết khoảng 3 tháng trôi qua nhưng kết luận thanh tra toàn diện về các công ty, dự án với các tố cáo liên quan bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn chưa được công bố. "Chúng tôi sẽ tố cáo lên Bộ Công an" - ông Trúc nói.

Tại cuộc họp báo có đại diện các cơ quan chức năng nhưng không ai đưa ra được lời giải thích thỏa đáng. Riêng ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT, giải thích các bước thực hiện quy hoạch hạ tầng khu khai thác khoáng sản là đúng quy trình song do nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. "Khó khăn phải tháo gỡ từng bước, trách nhiệm là của nhiều bên liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ. Cơ quan chức năng rất thông cảm với tình trạng khó khăn đang diễn ra. Tuy nhiên, chính các DN trước đó cũng từng cho biết sẽ tự thỏa thuận với nhau để có được giải pháp trước mắt tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông tạm thời nhưng cũng không làm được" - ông Từ Nam Thành giải bày.

"Nóng" cả khu vực

Đường chuyên dụng nối khu mỏ đá Tân Cang ra Quốc lộ 51 do Hợp tác xã An Phát làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, được UBND huyện Long Thành đề xuất năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào năm 2013, thông xe vào ngày 15-9-2017. Tuyến đường này dài hơn 7 km, xây dựng bằng bê tông cốt thép, tổng vốn đầu tư hơn 130 tỉ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 12 năm. Khu vực mỏ đá Tân Cang có diện tích hơn 400 ha, trữ lượng hơn 160 triệu m3, hiện có 10 mỏ đang khai thác.

Liên quan việc khai thác khoáng sản ồ ạt tại khu vực mỏ đá Tân Cang, nhiều năm qua con đường dân sinh trong khu vực luôn lâm vào tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông khiến người dân bức xúc nên đã liên tục dựng chướng ngại vật để ngăn xe ben tung hoành. Đợt mới nhất diễn ra cách đây 3 ngày, người dân lại dựng barie rào chắn đường và hiện vẫn chưa dỡ bỏ.

Chiều 25-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, cho biết người dân không chịu cho xe ben đi vào đường dân sinh khi đã có đường chuyên dụng. "Vấn đề đã phải nhờ đến UBND tỉnh chứ xã cố gắng lắm nhưng cũng chịu…" - ông Tài nói.

Miễn phí qua trạm Đại Yên cho dân địa phương

Ngày 25-9, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đã họp với UBND tỉnh Quảng Ninh và Công ty CP BOT Đại Dương về phương án thu giá sử dụng dịch vụ qua trạm thu phí BOT Đại Yên (thuộc Quốc lộ 18, TP Hạ Long).

Trên cơ sở kiến nghị của nhân dân khu vực trạm thu phí này và đề xuất của Công ty CP BOT Đại Dương, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Bộ GTVT giảm 100% giá sử dụng dịch vụ đường bộ cho ô tô dưới 12 chỗ ngồi của người có hộ khẩu thường trú tại các phường Đại Yên (TP Hạ Long) và Minh Thành (thị xã Quảng Yên) có bán kính từ trạm đến hết địa giới khoảng 8 km; ô tô của cơ quan nhà nước có trụ sở tại các phường trên và xe buýt công cộng qua trạm. Ông Nguyễn Xuân Cường thống nhất báo cáo Bộ GTVT về đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, thời gian áp dụng sẽ từ tháng 10-2017.

Tr.Đức

Dự án BOT lùm xùm liên quan Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

Trạm BOT đường vào mỏ đá Tân Cang hiện đang dính "lùm xùm" liên quan bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư tỉnh Ủy Đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Hoàng (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN